Xã hội

Báo động nạn bức tử cây xanh ở TP Hồ Chí Minh

09/11/2017, 06:45

Hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM đang bị xâm hại nghiêm trọng khi người dân vô tư chặt cành...

5

Nhiều cây xanh trên đường Thống Nhất, quận Thủ Đức là nơi tập kết rác, bị trám xi măng vào gốc

Hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM đang bị xâm hại nghiêm trọng khi người dân vô tư chặt cành, đổ rác, thậm chí tự ý phá hoại cây… Đáng nói, những hành vi này vẫn chưa bị xử phạt theo quy định.

Chặt cành, bức tử cây

Chạy dọc theo tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), Phạm Ngọc Thạch, Cách Mạng Tháng Tám (Q.3)… PV Báo Giao thông chứng kiến rất nhiều bồn cây xanh bị xâm hại. Những gốc cây cổ thụ to bằng ba người ôm cho tới những cây xanh khẳng khiu mới trồng đều bị những người vô ý thức cố ý chặt cành, đổ xi măng vào gốc, làm nơi tập kết rác... Thậm chí, có những gốc cây xanh bị biến thành cái miếu để bát nhang thờ cúng.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang quản lý khoảng 130.000 cây xanh, với các loài chủ yếu như: Lim sét, bằng lăng, sao, dầu, xà cừ,... Người dân khi phát hiện hành vi xâm hại cây xanh thì báo với Sở GTVT hoặc Công ty Công viên cây xanh theo số điện thoại 08.39351351 hoặc 08.39557755 để kịp thời xử lý.Theo quy định tại Điều 38, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và tại Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 có quy định các hành vi xâm hại cây xanh như sau: “Tự ý chặt hạ, di dời cây xanh; chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh không đúng quy định” sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. 

Cách đó không xa, tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Paster (Q.1), hàng loạt bồn cây xây cao 20-30cm bị bong tróc, bể nát, khiến rễ cây trồi lên mặt đất, nhô ra ngoài đường. Bạn Nguyễn Văn Toàn, sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết: “Dọc tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng cây xanh rất đẹp, mát. Nhưng gần đây, nhiều bồn cây bị xâm hại do người dân thường xuyên vứt rác, đổ nước thải trông rất nhếch nhác. Dù bồn cây xanh có đẹp nhưng người dân không ý thức bảo vệ rất khó để có một môi trường mỹ quan đô thị”. 

Ghi nhận của PV có những nơi cây xanh mới trồng còn bị chặt cành, cắt ngọn, đổ nước sôi. Đơn cử tại đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức nhiều hộ dân sinh sống ở mặt đường đã tìm cách triệt hạ những cây mới trồng trên vỉa hè. Khi chúng tôi hỏi vì sao bồn cây còn mà không có xây xanh, chị Vũ Thị Thu, bán tạp hóa trước cửa nhà không giấu giếm: “Có cây xanh trước cửa rất mát nhưng nhà tôi kinh doanh, vỉa hè chật không có chỗ để xe. Nếu có thêm bồn cây này nữa sẽ mất diện tích nên tôi buộc phải phá đi cho cây nó chết và đổ xi măng láng đều lên bồn”.

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nhi, Phó trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh, Sở GTVT TP.HCM cho biết, gần đây xảy ra hàng trăm vụ xâm hại cây xanh, tuy nhiên trong số đó có rất ít trường hợp bị xử lý. Đơn cử, hai cây long não trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường 8, Q.Phú Nhuận) bị rụng lá, chết dần; cây bằng lăng (đường số 3A, phường 8, Q.11) cũng trong tình trạng tương tự. Đáng nói, cây viết trên đường số 9 (phường 13, Q.6) và cây Bằng Lăng (đường Bình Tiên, phường 4, Q.6) bị đối tượng xấu chặt mất tán, cắt trụi cành, nhánh…

Theo bà Nhi, việc phát hiện, bắt quả tang để có đủ chứng cứ xử lý đối với hành vi xâm hại cây xanh rất khó. Các trường hợp phá hoại cây xanh thường diễn ra ban đêm, lén lút lúc không có người. Kể cả khi cây bị xâm hại, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra (một số vụ như 6 cây me tây trên đường Trường Sơn bị đổ hóa chất, gây chết khô; 3 cây dầu cổ thụ liền kề bị chết khô đột ngột trên đường Nguyễn Thị Minh Khai...) nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Theo bà Nhi, thời gian qua, Sở GTVT đã thực hiện nhiều biện pháp cải tạo bồn gốc cây trên vỉa hè như kết nối bồn để tăng cường mảng xanh, hạ âm các bó vỉa gốc cây. Để cây xanh phát triển, tạo cảnh quan đô thị, người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cây xanh, môi trường. Mặt khác, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo vệ và chăm sóc cây xanh. “Hiện các cây xanh được trồng ở địa phương nào đều đã giao cho địa phương đó quản lý, chăm sóc. Nhưng trên thực tế, khi cây xanh bị xâm hại, không có địa phương nào chịu trách nhiệm. Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện ngoài công tác tuyên truyền người dân bảo vệ cây xanh, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi xâm hại”, bà Nhi nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.