Xã hội

Báo động nợ đọng văn bản hướng dẫn luật

19/07/2015, 14:52

Đến thời điểm này, văn bản hướng dẫn luật bị nợ đọng đã lên tới 109 văn bản, đây là một sự báo động.

32

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng Pháp luật (Bộ Tư pháp)

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng Pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết như vậy trong cuộc họp báo quý II/2015 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 16/7.

Luật có hiệu lực cả tháng vẫn chưa có hướng dẫn thi hành

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc quy định cụ thể trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật như thế nào, làm sao để khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành như vừa qua, ông Nguyễn Hồng Tuyến thừa nhận, việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản hướng dẫn luật là việc bức xúc trong xã hội. “Vấn đề này trong tất cả các phiên họp Chính phủ đều được chỉ đạo sát sao nên việc nợ đọng văn bản đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì số lượng nợ đọng văn bản lại có xu hướng tăng lên. Đến thời điểm này, nợ đọng đã lên tới 109 văn bản, đây là một sự báo động”, ông Tuyến cho biết.

Về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, ông Tuyến cho hay. Về mặt hành chính, sẽ nhắc nhở các bộ để xảy ra tình trạng này, đồng thời quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân người đứng đầu, xác định tiêu chí, mức độ hoàn thành hay không để xử lý hành chính.

Trả lời câu hỏi của nhiều PV: Từ ngày 1/7, vừa qua có nhiều luật được thông qua, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014… Tuy luật có hiệu lực đã gần một tháng nhưng vì sao đến giờ chưa có văn bản hướng dẫn, ông Tuyến lý giải, khi hướng dẫn quy định chi tiết cần phải phối hợp với nhiều bộ, ngành. Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 cũng không có quy định thời hạn của văn bản hướng dẫn nên đây cũng là một nhược điểm.

Lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật là thực chất

Đó là khẳng định của ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp trước băn khoăn về tính hình thức, lối mòn của việc lấy ý kiến nhân dân về BLHS (sửa đổi). “Qua việc lấy ý kiến Hiến pháp và BLDS có thể khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân là vô cùng quan trọng, trên cơ sở tập hợp ý kiến và củng cố lập luận để đóng góp xác thực vào các Dự thảo luật. Việc lấy ý kiến này là thực chất chứ không phải hình thức. Có thể có vấn đề này vấn đề kia nhưng tựu chung lại, việc này được thực hiện rất thành công. Vì vậy chúng tôi sẽ thực hiện một cách bài bản đối với BLHS (sửa đổi) để hoàn thiện Bộ luật này trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định.

Trả lời thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, hình sự, hành chính cho biết, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về vấn đề này xác định rõ các hình thức khi chúng ta lấy ý kiến. Theo đó có nhiều hình thức lấy ý kiến khác nhau, không nhất thiết phải tổ chức hội nghị, hội thảo, cũng không nhất thiết cần những hoạt động mang tính phô trương mà quan trọng là tạo cơ hội để người dân tham gia, thu về được nhiều ý kiến đóng góp.
 

Chuyển phạt tiền sang phạt tù làm thay đổi bản chất tội phạm?

Vừa qua, trong Dự thảo BLHS (sửa đổi) có quy định chuyển hình thức từ phạt tiền sang phạt tù để tránh tình trạng chây ì, cố tình không trả tiền khi thi hành bản án hình sự. Từ đây có quan điểm cho rằng, việc này có thể làm thay đổi bản chất tội phạm. Trước quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính cho biết, hiện nay hơn 80% các vụ án hình sự chủ yếu là áp dụng hình phạt tù, nhưng tù xong thì người đi tù về mất rất nhiều thứ. Vì thế theo bà Thoa, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm các nước như: Đức, Nhật, Pháp..., đó là phạt bằng hình thức phạt tiền, nhưng nếu trong thời gian quy định không thi hành nộp tiền thì chuyển thành hình thức phạt tù. Xét về bản chất, nếu người phạm tội không nộp tiền thì sẽ chuyển thành phạt tù, nghe có vẻ nặng hơn nhưng thực chất lại nhẹ hơn. Bởi với một người không làm gì, không có tiền mà cứ bắt họ nộp thì khi ấy họ sẽ phải gánh hai tội cùng một lúc, tội không nộp tiền và tội không thi hành án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.