Kinh tế

Bao giờ dân hết khổ vì thủy điện?

07/08/2014, 07:11

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ Công thương tổ chức sáng 6/8, lãnh đạo nhiều địa phương...

Cần quy định trách nhiệm cụ thể với người ra quyết định xả lũ trong vận hành thủy điện.
Cần quy định trách nhiệm cụ thể với người ra quyết định xả lũ trong vận hành
thủy điện.


Dân khổ vì thủy điện


Theo ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, những năm gần đây, việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đất, rừng, nước cũng như tác động đến đời sống của nhân dân tại địa phương có thủy điện. Người dân nhường đất ở, đất canh tác cho các dự án thủy điện, nhưng rồi công tác bồi thường, tái định cư  thì chậm trễ, chủ đầu tư né việc thực hiện phương án trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng... “Để chủ đầu tư thủy điện không thể chây ỳ, tôi đề nghị thu trực tiếp từ tiền điện của khách hàng để nộp vào phí chi trả dịch vụ môi trường; yêu cầu chủ đầu tư chuyển tiền cho địa phương triển khai trồng rừng thay thế”, ông Quảng đề xuất.

Số liệu chính thức của Bộ Công thương cho biết hiện VN đang có tới 284 công trình thủy điện đang vận hành và phát điện; 204 dự án đang thi công xây dựng, dự kiến từ nay đến năm 2017 sẽ vận hành. Ngoài ra, còn tới 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư. 78 dự án khác hiện chưa có nhà đầu tư đăng ký, chưa nghiên cứu đầu tư, hiện đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế.

Đưa ví dụ Thủy điện An Khê - Ka Nak chặn sông Ba khiến dòng sông không có nước, ô nhiễm không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đào Xuân Liên đúc kết: “Thủy điện về, địa phương lo lắm. Thủy điện giúp người dân có nhà to hơn, có đường lớn hơn, nhưng lại làm cho đời sống người dân khổ hơn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Hoàng Văn Nhân thì nhìn nhận, việc nâng cốt cho Thủy điện Sơn La có thể đem lại lợi ích cho ngành điện, nhưng nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng. “Vấn đề thủy điện cần lấy ý kiến của địa phương, tránh được việc anh này không được việc anh kia. Thủy điện về, nhưng không tổ chức sản xuất được thì bà con vẫn khổ”, ông Nhân nói.


Ông Đặng Huy Cường - Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) thừa nhận, một số bất cập ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng thủy điện, như: công tác tái định cư, bồi thường còn chậm; các vùng tái định cư thiếu đất, nước cho sản xuất, sinh hoạt, chưa chuyển đổi tốt nghề nghiệp cho bà con. 

Quy trình xả lũ vẫn rối


Tại hội thảo, vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm mổ xẻ là quy trình xả lũ phải được tính toán, quy định để vừa đảm bảo hiệu quả khai thác điện, vừa đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, đồng thời quy rõ trách nhiệm xả lũ. Theo ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Quy trình vận hành liên hồ chứa tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Sê San, Sêrêpôk, sông Ba... với những quy định bắt buộc như trong mùa lũ, các hồ chứa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện, còn trong mùa cạn, ngoài an toàn công trình thì phải đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở khu vực  hạ du, đồng thời đảm bảo hiệu quả phát điện phục vụ phát triển KT-XH của đất nước...


Tuy nhiên, để chặt chẽ quy trình xả lũ, cần quy định thêm trách nhiệm cụ thể của người ra quyết định xả lũ, bởi theo quy định hiện hành, chủ hồ chứa ra quyết định xả lũ. Theo ông Vĩnh, cần quy định trách nhiệm đưa ra quyết định xả lũ là Trưởng ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương.


Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, quy trình liên hồ chứa phải tính đến lợi ích của doanh nghiệp hài hòa với lợi ích người dân, đừng để xảy ra việc xả lũ do nghĩ nhiều về lợi ích kinh tế hơn là sự an toàn. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thì đề xuất, nên có hệ thống cảnh báo xả lũ hiện đại hơn, trước khi xả lũ hệ thống này phải báo động trong phạm vi rộng để mọi người dân đều biết. Đáng chú ý, Bộ Công thương cũng chính thức nhấn mạnh quan điểm yêu cầu thủy điện không được xả nước vượt quá lượng nước tự nhiên về hồ để ngăn chặn khả năng lũ chồng lũ…

Hải Quỳnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.