Bên lề

Bao giờ mới bình đẳng?

18/10/2018, 15:01

Giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia 2018 đã khép lại với chức vô địch thuộc về Phong Phú Hà Nam.

u19-nu

Phong Phú Hà Nam vô địch giải nữ quốc gia

Đây được coi là một mùa giải thú vị khi Hà Nội vô địch cả lượt đi lẫn lượt về lại bị loại ở bán kết. Rồi chuyện các cầu thủ Than Khoáng sản Việt Nam và TP HCM I ẩu đả, dẫn tới 6 cái tên bị treo giò 5 tháng. Một phần vì mất 4 trụ cột nên TP HCM đành chấp nhận thất bại trước Phong Phú Hà Nam.

Tất cả đều rất đời, rất bóng đá, rất cảm xúc. Nhưng giải Vô địch Quốc gia nữ vẫn bị người hâm mộ ghẻ lạnh. Các trận đấu của những cô gái đều diễn ra dưới khán đài trống huơ, trống hoác. CĐV vài nhóm chỉ là người thân, bạn bè cầu thủ. Một nữ tuyển thủ từng tâm sự rằng, thi đấu mà không khán giả cô rất buồn nhưng lâu dần cũng quen. Còn nữa, nhà vô địch Giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia 2018 nhận 300 triệu đồng tiền thưởng, bằng 1/10 tiền thưởng của đội vô địch V-League 2018.

Trở lại chuyện các cầu thủ nữ TP HCM I và Than Khoáng sản Việt Nam nhận án treo giò 5 tháng và phải nộp 10 triệu đồng. Cựu tuyển thủ Ngọc Châm khi chia sẻ với báo giới không khỏi xót xa bởi 5 tháng đó, các cô gái sẽ không nhận được lương, thưởng, rồi họ lấy gì trang trải cuộc sống. Kể cũng phải, mặt bằng chung cuộc sống của các cô gái đá bóng còn rất khó khăn. Thế mới có chuyện từng có nữ cầu thủ phải đi bán rau, bán bánh mỳ để tiếp tục nuôi ước mơ bóng đá.

Một cầu thủ nam thi đấu ở V-League thuộc diện trưởng thành thu nhập trung bình cũng từ 15-20 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập của cầu thủ nữ có nơi chỉ vài triệu đồng. Tất cả tạo nên sự tương phản rõ rệt giữa bóng đá nam và bóng đá nữ. Câu hỏi đặt ra là tới bao giờ khoảng cách mênh mông đó mới được xóa nhòa?

Bóng đá suy cho cùng muốn sống được buộc phải chuyên nghiệp hóa, huy động nguồn lực xã hội. Bóng đá nữ Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Đã đến lúc những nhà quản lý bóng đá nghĩ về việc chuyên nghiệp hóa bóng đá nữ. Khó khăn không nói ai cũng nhìn thấy, bởi bản thân các địa phương duy trì bóng đá nữ cũng đã là thành công chứ chưa nói đến việc vươn tầm. Nhưng nếu thấy khó mà không làm thì đừng mơ bóng đá nữ Việt Nam mang một diện mạo mới.

Các cô gái xứng đáng nhận được nhiều hơn với những gì đã hy sinh và tiến lên chuyên nghiệp là con đường duy nhất. Lúc này, vai trò của VFF thực sự cần thiết, giống như ngọn hải đăng giữa biển. Vấn đề chỉ là lãnh đạo VFF có thực sự muốn nâng tầm bóng đá nữ hay bằng lòng với hiện tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.