Hiện có hơn 50 công trình vi phạm tồn tại trong một thời gian dài trên khu đất thuộc quản lý của ga Phạm Xá
Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang ATGT đường sắt.
“Tồn tại lịch sử”
Tính đến nay, đã hơn nửa năm sau khi Báo Giao thông đăng bài viết “Hải Dương: Đất ga Phạm Xá bị “xẻ thịt” để xây nhà, chuyển nhượng trái phép” (số ra ngày 28/5/2020), phản ánh việc trong một thời gian dài, hơn 50 lô đất tại ga Phạm Xá, huyện Kim Thành đã được chuyển nhượng, xây nhà trái phép.
Theo ghi nhận của PV, tại thời điểm tháng 12/2020, khu đất rộng hàng nghìn m2 của ga Phạm Xá (xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) bám theo hành lang đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đã bị biến thành những công trình nhà ở, cửa hàng…
Có những công trình được xây dựng nằm cách đường sắt chỉ khoảng hơn 1m, rất nguy hiểm. Bên cạnh những công trình xây dựng từ hàng chục năm trước, còn có những công trình vừa mới xây dựng.
Một trong số các công trình vi phạm điển hình là căn nhà cột thép, mái tôn của gia đình ông Đỗ Văn Tuyển ở thôn Phạm Xá 1, xã Tuấn Việt, hiện đã được đưa vào sử dụng, tổng diện tích hơn 100m2, mặt tiền rộng 6,3m.
Căn nhà này đã bị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đơn vị chủ quản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đề nghị UBND tỉnh Hải Dương xử lý. Sau đó, tỉnh Hải Dương chỉ đạo huyện Kim Thành chủ trì giải quyết, nhưng đến nay ngôi nhà vẫn được hoàn thiện khang trang, kiên cố.
Khu ga Phạm Xá được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao cho Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải trực tiếp quản lý, sử dụng với tổng diện tích khoảng 26.332 m2, gồm hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt như nhà ga, kho ga, bãi hàng và các công trình phụ trợ phục vụ công tác vận tải hành khách và hàng hóa...
Việc đất tại nhà ga Phạm Xá bị “xẻ thịt” đã tồn tại từ khoảng hơn 20 năm nay.
Ban đầu, xuất phát từ đặc thù công việc của cán bộ, công nhân viên đường sắt là làm việc 3 ca, phải bám hiện trường, bám nhà ga để phục vụ công tác, nên trước đây các đơn vị đường sắt sở tại đã vận dụng diện tích nhà, đất chưa sử dụng hoặc đã hết niên hạn sử dụng (đã thanh lý) cho cán bộ, công nhân viên mượn để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu thốn về chỗ ở, sinh hoạt, không cố ý, không thu lợi. Và dần dần, trên đất khu ga Phạm Xá hiện tồn tại 54 hộ dân sinh sống.
Tuy nhiên, sau đó một số lô đất được các hộ tự ý chuyển nhượng đất cho người khác sử dụng. Tại thời điểm hiện tại, mỗi một lô đất ở đây có giá vài trăm triệu đồng/lô.
Khó xử lý dứt điểm?
Bà Phạm Thị Kiều Dung, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thái Hải cho biết, những hoạt động vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của ga Phạm Xá là vấn đề mang tính lịch sử, kéo dài từ vài chục năm trước.
Thực tế, năm 2005 khi UBND huyện Kim Thành tiến hành đo vẽ bản đồ, cấp cho ga Phạm Xá thì nhiều diện tích đất đã bị người dân lấn chiếm xây nhà trái phép.
Theo bà Dung, trên danh nghĩa Chi nhánh quản lý 26.332m2 đất ga Phạm Xá nhưng tới nay đã có 54 hộ gia đình đang có công trình xây dựng trái phép trên đất nhà ga, vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT đường sắt. Chi nhánh đã nhiều lần thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn không xử lý được.
“Chúng tôi được giao quản lý đất nhưng hiện nay cũng chỉ biết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chống lấn chiếm bằng cách lập biên bản, báo cáo chính quyền địa phương. Đối với những phần đất bị lấn chiếm, xây nhà đã lâu và không ảnh hưởng tới an toàn đường sắt, chúng tôi kiến nghị trả về địa phương để địa phương quản lý, có thể cấp “sổ đỏ” cho người dân. Những phần đất xây dựng trái phép, vi phạm hành lang an toàn đường sắt đề nghị kiên quyết tháo dỡ”, bà Dung nói.
Trước kiến nghị này, đại diện UBND xã Tuấn Hưng cho biết: “Vấn đề này thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp tỉnh. Thời gian qua, xã đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản báo cáo huyện về hoạt động xây dựng trái phép tại phần đất của ga Phạm Xá”.
Ông Phạm Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành cho biết, đã nắm được thông tin vụ việc. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã Tuấn Việt vào cuộc, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây nhà trái phép.
“Huyện đã giao các phòng chuyên môn báo cáo lại cụ thể để có phương án giải quyết tận gốc, dứt điểm vấn đề này”, ông Hưng nói.
Theo đại diện UBND tỉnh Hải Dương, trước những tồn tại trên phần đất của ga Phạm Xá, tỉnh đã cùng với Cục đường sắt Việt Nam tổ chức nhiều cuộc họp. Phương án đưa ra là sẽ rà soát lại, đối với những phần đất bị lấn chiếm từ lâu, người dân xây dựng những công trình kiên cố và không vi phạm hành lang an toàn đường sắt thì bàn giao đất lại cho địa phương. Đồng thời, giữa tỉnh Hải Dương và Tổng công ty Đường sắt sẽ tiến hành đo vẽ lại thực địa, lập lại bản đồ cấp đất cho ga Phạm Xá theo Nghị định 167.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận