Bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội lên tiếng vụ siết chi khám BHYT

29/08/2017, 19:55

Theo Bảo hiểm xã hội, nếu không siết chi, đến năm 2020 không còn tiền để chi cho BHYT.

BHYT 1

Không siết chi, đến năm 2020 không còn tiền chi cho BHYT?

"Không siết chi, đến năm 2020 không còn tiền để chi cho BHYT", đó là khẳng định của ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam tại cuộc họp báo về tình hình BHYT, BHXH ngày 29/8.

Theo báo cáo của BHXH, trong 7 tháng, hệ thống đã từ chối thanh toán chi phí của hơn 15 triệu hồ sơ chiếm tỷ lệ 17.3% tổng số hồ sơ đề nghị, tỷ lệ hồ sơ bị từ chối tự động giảm dần giữa các quí, nguyên nhân chủ yếu do cơ sở KCB chưa thực hiện đúng việc chuẩn hóa thông tin danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế theo bộ mã dùng chung của Bộ Y tế.

Tình trạng lạm dụng BHYT vẫn tiếp diễn. Cụ thể, bệnh nhân Tiền Văn B, mã thẻ BT2950100800533 khám, chữa bệnh 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền 30.367.033 đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 3, bệnh nhân này đi khám 17 lần tại  2 cơ sở KCB là BV quân dân y tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu. Hay bệnh nhân Đoàn Công T, mã thẻ GD4750103400040, khám chữa bệnh 70 lần tại 7 cơ sở y tế khác nhau với số tiền 79.689.988 đồng. Trong đó, nhiều lần khám cấp thuốc nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, tiểu đường có giá trị cao, như: Nexium Mups, NovoMix, Crestor…  

"Các trường hợp này trên BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương thực hiện Giám định trực tiếp theo đúng qui trình giám định, thu hồi các khoản chi không đúng qui định và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương", ông Đàm Hiếu Trung, Trung tâm Giám định BHYT, thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết.

Nhiều bệnh viện vẫn kéo dài ngày điều trị, như tại bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, nội trú bình quân 5,9 ngày, cao hơn mức bình quân của các bệnh viện chuyên khoa khác. 

Theo ông Lê Văn Phúc, về quản lý quỹ BHYT, tính đến 28/9, số chi là hơn 50 nghìn tỷ. Số lượng chi gia tăng nhanh, năm 2017, dự kiến bội chi trên 10 nghìn tỷ. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi; nhiều địa phương dự kiến bội chi từ 500 – 1.000 tỷ đồng (Nghệ An, Thanh Hóa,Thái Bình, Quảng Nam, Đà nẵng...). Chỉ có 4 địa phương không bội chi, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội. Những nơi này có cơ cấu người tham gia BHYT tốt, tỷ lệ quỹ BHYT khám chữa bệnh tốt hơn nơi khác.

Nguyên nhân bội chi ở các địa phương được xác định là do công tác thanh kiểm tra, giám định còn hạn chế do thiếu công cụ để giám định; phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, Sở y tế trong quản lý, giám sát sử dụng quỹ. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT diễn ra phức tạp, khó kiểm soát: khuyến mại, không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh, kê thêm giường, thống kê DVKT không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị… Công tác đấu thầu cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập; Người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày/tuần/tháng để trục lợi quỹ BHYT. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.