Xã hội

Báo in trước thời khắc "sinh tử"

21/06/2016, 13:22

Trước sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và các trang mạng xã hội, báo in đang bị cạnh tranh khốc liệt...

7

Sạp bán báo giấy tại Hà Nội ngày càng giảm, từ hơn 700 sạp nay chỉ còn hơn 200 sạp

Báo in đang “ngắc ngoải”

Trong những năm gần đây, do sự cạnh tranh khốc liệt, một số tờ báo in đã phải đóng cửa hoặc chuyển từ nhật báo thành tuần báo: Thể thao 24h, Đất Việt..., số lượng phát hành sụt giảm, doanh thu từ quảng cáo trên báo in cũng không còn cao như trước…

Cũng vì khó khăn, nhiều tờ báo buộc phải cắt giảm thu nhập của cán bộ, phóng viên, có cơ quan cắt giảm 10%, nơi giảm 5% hàng năm hoặc cắt giảm các khoản thưởng hàng quý, thưởng lễ, Tết… Rất ít cơ quan báo chí hiện nay có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự.

Tuy nhiên, khi đề cập đến khả năng báo in bị “khai tử”, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng biên tập báo Khoa học & Đời sống nhận định, khả năng tất cả báo in bị khai tử sẽ không xảy ra, nhưng nhiều tờ báo in sẽ “lần lượt khai tử”, nhất là những tờ mới ra thị trường hoặc những tờ không tìm được cách đi riêng để có độc giả. “Tôi được biết, có khá nhiều tờ tạp chí đã lặng lẽ đóng cửa. Hà Nội thời đỉnh cao có tới hơn 700 sạp báo, nay chỉ còn chưa tới 200 sạp, chứng tỏ thị trường báo in và tạp chí đã bị giảm sút mạnh đến mức nào. Theo tôi, trong vòng vài năm tới sẽ có thêm nhiều tờ báo, tạp chí in sẽ tự xin đình bản nếu không có ngân sách Nhà nước hoặc nguồn tài trợ”, ông Quang thông tin.

Theo ông Quang, báo in để tồn tại trong thị trường báo chí hiện nay là vô cùng khó khăn. Tạm phân loại ra báo in có ngân sách Nhà nước hỗ trợ (chủ yếu là các tờ của bộ, ngành...) và báo in không có ngân sách hỗ trợ. Báo in có ngân sách  vẫn tồn tại  nhưng sẽ  không phát triển được. “Có 1 tờ báo thuộc một Bộ mà tôi biết, số lượng phát hành chỉ khoảng 2.000 bản/kỳ/tuần nhưng  mỗi năm ngân sách hỗ trợ cho vài tỷ đồng. Thế là họ ung dung. Nhưng một khi ngân sách không cấp, những tờ báo này có nguy cơ “đóng cửa” rất cao”, ông Quang dẫn chứng.

Còn đối với những  tờ báo không có ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phải hoàn toàn tự bươn chải, họ phải tìm mọi cách để tồn tại và phát triển. Muốn đứng vững, mỗi tờ báo in thị trường (tạm gọi như vậy để phân biệt với hệ thống báo in được ngân sách bao cấp) phải tự tìm thị trường, tìm độc giả riêng của mình mới có thể tồn tại được. Và trong mỗi thị trường riêng đó, cũng chỉ tồn tại vài tờ báo “có số má” tạm sống được, còn lại đều “ngắc ngoải”. Ông Minh Quang cho rằng, số lượng phát hành của mỗi tờ/kỳ phải khoảng trên - dưới 10 nghìn bản mới gọi là “sống” được, còn nếu chỉ phát hành 2-3 nghìn bản/kỳ thì là “ngắc ngoải”. 

Theo nhận định của ông Quang, cuộc cạnh tranh giữa báo in và các trang mạng xã hội cũng như báo điện tử sẽ là cuộc chiến không cân sức mà phần mạnh sẽ nghiêng về báo điện tử và các trang mạng xã hội. Báo in sẽ yếu dần và báo điện tử cũng như mạng xã hội sẽ mạnh lên. Thậm chí, mạng xã hội có thể sẽ chiếm lĩnh ở vị trí đầu bảng (số lượng người đọc) trong khoảng vài năm nữa nếu báo in và báo điện tử chính thống không có những giải pháp mạnh mẽ để đối phó.

Riêng với tờ báo Khoa học & Đời sống, ông cho biết, đến nay cũng bị sụt giảm 1/4 số lượng phát hành so với trước đây. Theo ông Quang, đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà các báo in đều vô cùng đau đầu để đối phó. “Số lượng in giảm, dần kéo theo quảng cáo giảm, thương hiệu giảm. Người đọc giảm kéo theo sức lan tỏa giảm và quảng cáo cũng không mặn mà gì với báo in nữa. Cái chết của báo in có vẻ như đã lấp ló đâu đây. Với báo Khoa học & Đời sống, chúng tôi cũng phải làm hết sức mình để “tồn tại” chứ chưa dám nghĩ đến phát triển.

Thách thức có thật đến từ xu thế

Trao đổi với PV Giao thông, Trưởng đại diện một tờ báo chuyên ngành pháp luật tại Hà Nội đánh giá: “Tính riêng ở Việt Nam hiện nay có khoảng 70 triệu tài khoản facebook, trong đó có hơn 30 triệu tài khoản thường xuyên sử dụng. Số người sử dụng smartphone cũng rất cao. Điều đó cho thấy một lượng lớn những người có điều kiện, trẻ tuổi, am hiểu biết tìm cách tiếp cận nhanh từng phút, từng giây thông tin từ đây. Các nhà quảng cáo, các nhà chính trị cũng nhìn thấy công chúng của mình ở đấy chứ không phải ở báo in nữa. Điều này đặt ra vấn đề “sinh tử” đối với báo in”.

Theo nhà báo này, những tờ báo in trông chờ vào ngân sách Nhà nước sẽ không phải lo lắng nhiều vì toàn bộ đầu vào, đầu ra đã có ngân sách bảo đảm, nhưng với những báo phải tự cân đối thu chi, đây là một thách thức cực kỳ lớn.

“Cái người đọc trông đợi ở các tờ báo in xuất bản ngày hôm sau, khi mà báo điện tử và mạng xã hội đã “nói chán rồi”, là làm thế nào để báo in đạt được một giá trị cao hơn so với giá trị thông tin. Để làm được điều đó, những người làm nội dung báo in phải họp, thảo luận nhiều lần. Chúng tôi cũng thực hiện nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo phóng viên theo cách mỗi phóng viên phải là một chuyên gia, không phải chạy theo nhiều sự kiện, nhiều vấn đề xảy ra trong ngày, mà phải biết cách giải thích, phân tích chuyên sâu cho những vấn đề dư luận đang chờ đợi. Tức là một tờ báo in sẽ cung cấp thêm thông tin giống như một cẩm nang, một cửa sổ nhìn ra thế giới, hoặc một kính hiển vi có thể soi kỹ hơn, đem lại cái nhìn khác biệt hẳn so với lát cắt nhanh chóng mà báo điện tử và các trang mạng xã hội đã đưa”, nhà báo này nói.

Có lợi thế riêng, báo in không thể bị “khai tử”

Đề cập đến nguy cơ “khai tử” báo in, PGS.TS. Hà Huy Phượng, Phó trưởng Khoa Báo chí (Học viện Báo chí & tuyên truyền) cho rằng, chưa có cơ sở nào khẳng định loại hình báo in sẽ bị “khai tử” trước sự phát triển của báo điện tử và mạng xã hội. “Thêm một loại hình báo chí mới sẽ làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng các loại hình báo chí. Công chúng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi mà xã hội có thêm nhiều phương tiện truyền thông mới. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, đó là thêm một đối thủ cạnh tranh và đó là quyết định sống còn trong môi trường cạnh tranh. Với báo chí, cho dù là loại hình nào cũng phải tìm ra điểm mạnh, lợi thế của mình để cạnh tranh, tồn tại và phát triển”, PGS.TS. Hà Huy Phượng nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Hà Huy Phượng, báo in muốn được công chúng đọc và tăng lượng phát hành phải đổi mới phương thức thông tin. Cách làm báo in như trước đây sẽ không còn phù hợp, nhất là đối với các tờ nhật báo. Các tờ báo in không thể chạy đua về tính thời sự cập nhật với báo điện tử đưa tin trực tuyến mà cần chú trọng thông tin vấn đề hơn là thông tin sự kiện, cần sử dụng các bài viết đi sâu vào phân tích, bình luận các vấn đề công chúng quan tâm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.