Hồ sơ tài liệu

Báo Mỹ bàn về Trump, Clinton và tương lai quan hệ Mỹ-Việt

12/06/2016, 09:11

Quan hệ song phương Mỹ -Việt sẽ phát triển như thế nào dưới thời Tổng thống Mỹ tiếp theo?

rs_1024x759-150709052426-1024.Donald-Trump-Hillary

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton.

Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, một cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống nhiệm kỳ mới đang đến gần, The Diplomat có bài viết nhận định về tương lai của quan hệ Mỹ-Việt Nam.

Với hai đảng truyền thống của nước Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa, người viết giả định Hillary Clinton và Donald Trump sẽ là hai người có tiềm năng nhất trở thành Tổng thống Mỹ. Việc đánh giá mối quan hệ Mỹ-Việt có thể thay đổi như thế nào dưới sự lãnh đạo của “Tổng thống” Hillary Clinton hay “Tổng thống” Donald Trump sẽ rất quan trọng đối với các chủ thể là Mỹ, Việt Nam, mà còn được cộng đồng quốc tế hết sức chú ý. Khi Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong các vấn đề “nóng” toàn cầu, ví dụ như vấn đề Biển Đông.

Hillary Clinton và cách tiếp cận của người tiền nhiệm

Nếu bà Hillary Clinton được bầu làm Tổng thống, rất có thể bà sẽ tiếp tục các cách tiếp cận của chính phủ tiền nhiệm đối với Việt Nam, thậm chí có thể tăng sự hiện diện của Washington đối với Hà Nội.

Hillary Clinton từng là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, song bà hoàn toàn thu mình trong những khuôn khổ truyền thống của chính sách đối ngoại Mỹ. Về vấn đề này, bà sẽ là một đại diện thống nhất và là một người có kinh nghiệm trong lịch sử Mỹ hiện đại, đặc biệt là có kinh nghiệm trong quan hệ với Việt Nam. Bởi, với tư cách là Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà từng đi cùng chồng - Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du Việt Nam năm 2000.

Về kinh tế, rất có thể bà Hillary Clinton sẽ tìm cách mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, hỗ trợ cho các cuộc đàm phán TPP. Năm 2012, tại Singapore, bà từng bày tỏ và nhấn mạnh tiềm năng của TPP, rằng hiệp định sẽ xóa bỏ rào cản, nâng cao tiêu chuẩn và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài trong khu vực.

Hillary Clinton cũng nhận thức được những thực tại của tình hình Biển Đông hiện nay. Tháng 7/2010, tại Diễn đàn ASEAN thường niên tổ chức ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Clinton từng khẳng định “Mỹ phản đối sử dụng hoặc đe dọa vũ lực của bất kỳ bên nào ở vùng Biển Đông”. Bà còn thẳng thắn chỉ trích yêu sách phi lý được gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cũng như những tuyên bố ngang ngược khác của Bắc Kinh trên vùng biển này, yêu cầu các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Như vậy, hi vọng với vị trí và kinh nghiệm lịch sử của mình, chúng tôi hi vọng và mong chờ một Tổng thống Hillary Clinton tiếp tục mở rộng quan hệ song phương với Việt Nam, thúc đẩy vai trò của Việt Nam – trong các vấn đề nóng như Biển Đông, tăng cường năng lực hàng hải quân sự của một đối tác quan trọng như Việt Nam, duy trì mạnh mẽ quyền tự do hàng hải trong khu vực.

4 vấn đề của Donald Trump 

Trong khi đó, nếu Tổng thống kế nhiệm Obama là Donald Trump thì mọi vấn đề có thể sẽ được hiệu chỉnh lại, chúng ta có thể có những bất ngờ. Vì ông Trump là một ứng cử viên độc đáo cho chức Tổng thống Mỹ. Nếu không muốn nói, đối với tiến trình chính trị của Mỹ, ông Trump như một “người ngoài” vậy.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại của mình, ông Donald Trump đã tuyên bố một chủ đề khá quan trọng, rằng việc Mỹ xuất hiện ở các nước – trước tiên phải vì lợi ích cá nhân của Mỹ. Ví dụ, ông từng đề xuất chống người nhập cư bất hợp pháp bằng việc xây dựng một bức tường thực sự giữa Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất của họ là Mexico. Hay với các nghi phạm khủng bố, Trump đề xuất tra tấn họ và nhằm vào gia đình họ. Để đối phó với vụ xả súng điên cuồng ở California hồi tháng 12/2015, ông Trump đề xuất cấm tất cả người Hồi giáo đến Mỹ.

Đối với Việt Nam hay rộng ra là châu Á- Thái Bình Dương, có ít nhất 4 vấn đề mà Donald Trump có thể sẽ hiệu chỉnh lại về chính sách đối ngoại của Mỹ, nếu ông trở thành Tổng thống.

Thứ nhất, về thương mại, ông Trump kịch liệt phản đối TPP và gọi đây là “một thỏa thuận khủng khiếp”, chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc (mặc dù Trung Quốc không hề tham gia TPP). Ông thậm chí còn nghi ngờ WTO và lo sợ rằng Trung Quốc cũng đóng một vai trò trong tổ chức này. Để hỗ trợ các công ty và người lao động Mỹ tránh khỏi “cạnh tranh không lành mạnh”, ông Trump cam kết thực hiện một loạt biện pháp nhằm chống lại việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, trộm cắp tài sản trí tuệ. Biết đâu đấy, một lý lẽ tương tự sẽ được áp dụng đối với các nước châu Á khác như Việt Nam chẳng hạn.

Thứ hai, ông Trump chỉ trích vai trò của liên minh Mỹ trên toàn thế giới, từ NATO cho đến một loạt các tổ chức khác. Ông tin rằng các tổ chức đồng minh, liên minh của Mỹ đang bị mất cân đối nghiêm trọng, khiến Mỹ phải mang gánh nặng và quá tốn kém. Chẳng hạn, mới đây nhất, ông Trump đề nghị những đồng minh hiện đang được Mỹ “che chở” như Ả rập Saudi, Nhật Bản hay Hàn Quốc nên… tìm kiếm loại vũ khí hạt nhân riêng của mình.

Thứ ba, Donald Trump đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc xung đột mà không trực tiếp đe dọa an ninh nước Mỹ. Ông chỉ trích nặng nề việc Mỹ can thiệp quân sự tại Iraq và Libya. Như thế, Donald Trump rõ ràng không hề đề cập tới vấn đề Biển Đông, song sẽ cho rằng Mỹ không hề có vai trò gì trực tiếp ở đó, rất có thể ông sẽ khuyên các nước như Việt Nam và Philippines hãy tự bảo vệ lợi ích quốc gia mình.

Thứ tư, Donald Trump nghi ngờ vai trò của Mỹ trong việc thiết lập trật tự thế giới mới. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ trở thành nguồn cung khổng lồ của hàng hóa toàn cầu, phát triển các tổ chức quốc tế và duy trì sự tự do trên biển, phát huy các giá trị dân chủ và cân bằng các xung đột quốc tế. Nhưng rất có thể, Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên không tiếp tục các chính sách mang tính “di sản” này. Yếu tố này sẽ tạo ra sự “không chắc chắn” cho tương lai của Mỹ trong quan hệ với quốc tế.

Dù là Donald Trump hay Hillary Clinton, ngày 8/11/2016 tới đây, Mỹ sẽ bầu ra một Tổng thống mới và sự lựa chọn này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.