Quân sự

Báo Nga đặt câu hỏi: Việt Nam sắp mua máy bay quân sự Mỹ?

12/06/2019, 14:41

T-6 Texan II là một trong hai mẫu máy bay huấn luyện cơ bản của Không quân Mỹ

Trang Sputnik của Nga đặt câu hỏi rằng "sau sự kiện phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo của Không quân Hoa Kỳ, liệu Washington có xúc tiến đàm phán hợp đồng bán máy bay T-6 Texan II cho Hà Nội?".

Từ những phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại Mỹ...

img
Thượng úy Đặng Đức Toại tham gia nghi thức bẻ cánh trong lễ tốt nghiệp tại căn cứ quân sự Columbus.

Như Sputnik đã đưa tin trước đó, hôm 3/6 vừa qua trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, 2 phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam sắp hoàn tất khóa đào tạo phi công quân sự tại Mỹ theo Chương trình Lãnh đạo Hàng không do Không quân nước này tổ chức.

Trong khuôn khổ chương trình đào tạo trên, Thượng úy Đặng Đức Toại và Trung úy Doãn Văn Cảnh thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ là hai phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công Mỹ tại Căn cứ Không quân Columbus.

Sự kiện trên được xem là dấu mốc mới trong hợp tác quân sự Việt – Mỹ, kể từ năm 2016 cho tới nay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Cũng vào đầu tháng này trong cuộc hội đàm song phương bên thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đều cho rằng:

"Hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới".

... tới triển vọng hợp đồng mua máy bay quân sự Mỹ đầu tiên

img
Máy bay huấn luyện T-6 Texan II của Không quân Mỹ.

Sự kiện phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo bay do Không quân Mỹ tổ chức, cũng được cho là sẽ mở ra cánh cửa quan trọng để hai nước tiến tới đàm phán hợp đồng mua các máy bay T-6 Texan II từng được Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đề cập tới vào đầu tháng 2 năm nay.

Trong bài phát biểu của mình trước Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson cho biết:

"Hợp tác quân sự giữa Bộ Chỉ huy Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) và QĐNDVN tập trung vào việc tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam, vốn sẽ được tăng cường hơn nữa thông qua việc Việt Nam đặt mua các máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6 và tàu tuần duyên thứ 2 của lực lượng Tuần duyên Mỹ.

Theo báo Nga, hiện tại cả Việt Nam và Mỹ đều đã xác nhận việc đặt mua ít nhất 6 máy bay trinh sát không người lái ScanEagle từ một công ty con của Tập đoàn Boeing với giá trị ước tính gần 10 triệu USD.

Cũng từ điểm này thì thông tin Việt Nam đang xúc tiến hợp đồng mua máy bay huấn luyện T-6 Texan II từ Mỹ là hoàn toàn có cơ sở - trang Sputnik nhận định.

Cũng cần nhấn mạnh rằng phi công quân sự Việt Nam vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện tại Mỹ là bay trên những chiếc T-6, đây rất có thể là cách đánh giá trước các tính năng kỹ chiến thuật của loại máy bay này trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Được biết T-6 Texan II là một trong hai mẫu máy bay huấn luyện cơ bản của Không quân Mỹ, chiếc còn lại là T-38 Talon. Trong đó T-6 là phương tiện bay mà mọi phi công Mỹ phải biết sử dụng khi muốn tốt nghiệp khóa huấn luyện bay cơ bản giành cho phi công quân sự trước khi chuyển loại lên T-38.

Máy bay huấn luyện T-6 Texan II phục vụ trong hầu hết các đơn vị huấn luyện không quân của Quân đội Mỹ với số lượng biên chế vào khoảng vài trăm đơn vị.

Mặc dù có thiết kế của một máy bay huấn luyện cánh quạt cơ bản nhưng T-6 vẫn có thể được chuyển đổi thành một máy bay tấn công hạng nhẹ khi cần thiết ở một số biến thể nhất định.

Các học viên không quân trên khăp thế giới nhận định T-6 thân thiện với phi công hơn nhiều mẫu máy bay huấn luyện cánh quạt khác và nó cũng được đánh giá là rất thích hợp để đào tạo các phi công tương lai nếu sau khi tốt nghiệp họ sẽ chuyển loại lên các dòng máy bay quân sự do Mỹ hay Phương Tây chế tạo.

Với Không quân Việt Nam, các máy bay quân sự do phương Tây chế tạo tới đây sẽ được trang bị ngày một nhiều, do vậy, nếu Việt Nam đặt mua một số máy bay huấn luyện T-6 từ Mỹ cũng là một lựa chọn hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.