Quân sự

Báo Nga nói lý do khiến tên lửa hạt nhân ngày càng trở nên nhẹ hơn

22/01/2020, 15:41

Nhiên liệu và chất oxy hóa cho những tên lửa mới là 2NNH2, N2O4. Các chất này rất độc hại nhưng bảo đảm việc phóng gần như ngay lập tức.

img
Các hầm phóng tên lửa R-36M từng được quân đội Nga sử dụng.

60 năm trước, vào tháng 1/1960, tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-7 đã được trang bị cho quân đội. R-7 là tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới trải qua cuộc thử nghiệm (năm 1957) và tên lửa ICBM thứ hai được đưa vào biên chế. (Một năm trước đó, tên lửa ICBM của Mỹ SM-65 Atlas đã được đưa vào sử dụng).

Trong những năm sau đó, các loại tên lửa ICBM trở nên thông minh và phức tạp hơn nhiều, trở nên nhẹ hơn, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Một bài viết của báo Sputnik đã đề cập đến quá trình phát triển vũ khí chiến lược của Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay.

img
Tên lửa R-7.

Vào những năm 1950, Phòng thiết kế của Sergei Korolyov đã được giao nhiệm vụ phát triển tổ hợp tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Để thử nghiệm các loại vũ khí mới, tại Kazakhstan đã xây dựng bãi thử Baikonur (sân bay vũ trụ sau này).

Vào tháng 8/1957, tên lửa R-7 (NATO định danh là SS-60) đã được thử nghiệm thành công, vào tháng 10 nó đã đưa lên quỹ đạo vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

img
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100.

Nhờ đó, Liên Xô đã có đủ năng lực trực tiếp tấn công Mỹ. Vào tháng 1/1960, sư đoàn đầu tiên của Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã được thành lập và được trang bị tên lửa R-7.

Tên lửa hai tầng dùng nhiên liệu tương đối an toàn và không độc hại - oxy lỏng được trộn với dầu hỏa. Tên lửa nặng 260 tấn có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng 3 tấn với đương lượng nổ 1,5 megaton.

Tuy nhiên, R-7 có kích thước quá lớn, do đó nó không thể được ngụy trang tốt tại vị trí xuất phát, và phải mất một thời gian dài để chuẩn bị phóng tên lửa.

Chính vì vậy Liên Xô đã từ chối sử dụng R-7 như phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân. Nhưng, như được biết, sau đó nhiều loại tên lửa đạn đạo đưa các tàu vũ trụ hoặc vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo quanh Trái Đất đã được phát triển trên cơ sở R-7.

Tên lửa cần phải trở nên nhẹ hơn

img
Một phần động cơ tên lửa đạo đạo xuyên lục địa từng được Nga chế tạo.

Quân đội đã có nhu cầu về một loại tên lửa mạnh hơn nhưng nhỏ gọn hơn. Phòng thiết kế của Sergei Korolyov đã phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa R-9A (NATO định danh là SS-8).

R-9A nặng 80 tấn cũng dùng nhiên liệu oxy lỏng được trộn với dầu hỏa, nhưng có động cơ mạnh hơn. Tên lửa có thể mang đầu đạn có sức công phá 1,6 hoặc 5 megaton, tầm bay xa từ 12.000 đến 16.000 km.

img
Tên lửa R-9A.

R-9A là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Liên Xô được phóng từ các silo cố định trong lòng đất. Khi ở trong hầm phóng, tên lửa ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao, tuy nhiên, còn phải nạp nhiên liệu lỏng vào tên lửa, nên phải mất một thời gian khá dài để chuẩn bị cho việc phóng.

Ngay sau khi có khả năng, vào giữa những năm 1970, R-9A cũng bị Liên Xô loại bỏ, và các loại tên lửa ICBM mới đã thay thế nó.

Để đạt được sự cân bằng hạt nhân với Hoa Kỳ, Liên Xô cần phải phát triển hệ thống tên lửa chiến lược có thể được sản xuất hàng loạt. Và Phòng thiết kế dưới sự lãnh đạo của Vladimir Chelomei đã phát triển tên lửa UR-100 (NATO định danh là SS-11).

Tên lửa có trọng lượng 50 tấn được trang bị cho quân đội vào năm 1967. UR-100 được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có thể được giữ trong hầm phóng silo trong thời gian tới 10 năm, vì nó đã được nạp nhiên liệu tại nhà máy.

img
Tên lửa UR-100.

Nhiên liệu và chất oxy hóa cũng khác - heptyl (CH3) 2NNH2 và nitơ tetrooxide N2O4. Các chất này rất độc hại nhưng bảo đảm việc phóng gần như ngay lập tức.

Tên lửa được phóng và được theo dõi từ xa theo lệnh vô tuyến. Mặc dù UR-100 mang theo đầu đạn đơn khối có sức công phá tương đối nhỏ - 1 megaton, nhưng, nhược điểm này được bù đắp bằng số lượng tên lửa ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Trong năm 1972 đã xuất hiện phiên bản hiện đại hóa UR-100N (NATO định danh là SS-19) nặng tới 100 tấn có thể mang 6 đầu đạn tự dẫn phân hướng.

img
Tên lửa xuyên lục địa - vũ khí chủ đạo của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Song song với các dự án đó, Liên Xô đã phát triển các ICBM hạng nặng. Ví dụ, vào năm 1978, Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã nhận tên lửa đạn đạo liên lục địa hai tầng mạnh nhất thế giới R-36M (NATO định danh là SS-18) được phát triển bởi Phòng thiết kế do hai viện sĩ Mikhail Yangel và Vladimir Utkin lãnh đạo.

Tên lửa nặng hơn 200 tấn có thể mang cả đầu đạn đơn nhất và đầu đạn tách rời với sức công phá 25 megatons và tầm bắn hơn 11.000 km. Không phải ngẫu nhiên mà ở phương Tây, loại tên lửa này được gọi là "Satan".

Ngoài ra, R-36M đã được đưa vào Sách kỷ lục Guinness. Vào năm 1988, Liên Xô đã đưa phiên bản hiện đại hóa R-36M2 Voevoda vào trực chiến.

Đặc điểm của dòng tên lửa R-36 là kỹ thuật phóng được gọi là "phóng lạnh". Để phóng tên lửa, đầu tiên một động cơ nhiên liệu rắn được gọi là động cơ phóng được sử dụng, đẩy toàn bộ tên lửa rời khỏi giếng phóng, sau đó động cơ phóng được tách ra, lúc này động cơ chính sử dụng nhiên liệu lỏng mới hoạt động. Kỹ thuật phóng này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.