Thời sự Quốc tế

Báo Nhật: TQ sốc khi biết thế giới đang nhìn mình theo hướng tiêu cực

27/10/2020, 09:50

Báo chí Trung Quốc phản ứng với kết quả cuộc thăm dò của Pew bằng bình luận cho rằng "đó chẳng qua chỉ là mấy quả nho chua".

img
Quân nhân Trung Quốc thực hiện nghi thức dương cờ trong một sự kiện lớn - ảnh minh họa.

Khảo sát tạo 14 nước của Pew

Chuyên mục bình luận của tờ Thời báo Nhật Bản (Japan Times) ngày 27/10 có bài viết của tác giả Frank Ching - một nhà báo Hoa Kỳ ở Hồng Kông, người thường xuyên viết về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã rất sốc khi nhận ra rằng thế giới đang nhìn Trung Quốc dưới “ánh sáng tiêu cực”.

Theo nội dung của bài viết trên Japan Times, Trung Quốc, nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng tích cực trong năm nay, dường như bị sốc khi phát hiện ra rằng thế giới phát triển, thay vì ngưỡng mộ sự phục hồi nhanh chóng của nó, lại đánh giá rằng chính quyền Bắc Kinh đã xử lý dịch bệnh Covid-19 kém ngay từ đầu và nhìn nhận Trung Quốc một cách tiêu cực hơn nhiều so với trước đây.

Báo Japan Times nói rằng đánh giá này là kết quả của một cuộc khảo sát được tiến hành tại 14 quốc gia, thăm dò về góc nhìn của những người dân ở các nước này khi đánh giá về Trung Quốc.

“Ý kiến ​​không tích cực về Trung Quốc đã tăng vọt trong năm qua,” - Trung tâm Nghiên cứu Pew bình luận khi công bố về kết quả của cuộc khảo sát do họ thực hiện. 14 quốc gia trải dài khắp thế giới, từ Canada ở phía bắc đến Australia ở phía nam, bao gồm hầu hết các quốc gia giàu nhất thế giới.

Ở mỗi quốc gia, đa số người dân được thăm dò đều có quan điểm bất lợi về Trung Quốc. Và ở 9 quốc gia gồm Australia, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Canada - quan điểm tiêu cực đã đạt mức cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu bỏ phiếu thăm dò về chủ đề này hơn một thập kỷ trước.

Một lời giải thích cho hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc từ thăm dò của Pew, được tờ Hoàn Cầu thời báo (Global Times) có thiên hướng chủ nghĩa dân tộc phản biện bằng cụm từ “đó chẳng qua chỉ là mấy quả nho chua”.

Tác giả Frank Ching viết rằng: Một khả năng nữa là “gà của Trung Quốc đã về nhà để ngủ” (nguyên văn: “China’s chickens have come home to roost”. Đây là thành ngữ tiếng Anh được Japan Times sử dụng trong bài viết của mình có nghĩa ám chỉ hành động “tự tát vào mình bởi chính Trung Quốc tự gây ra”).

Vào tháng 1, sau khi Vũ Hán gặp nạn khi dịch Covid-19, khá nhiều quốc gia đã hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ của Trung Quốc bằng cách gửi khẩu trang và các vật dụng khác. “Bắc Kinh yêu cầu họ không công khai số tiền quyên góp của mình để không bị mất mặt”. – bài viết trên Japan Times cho hay.

Nhưng không lâu sau đó, virus Corona đã lan ra ngoài biên giới Trung Quốc và ngay cả các quốc gia đã gửi viện trợ cho Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Bắc Kinh sau đó đã làm nổi bật vai trò của mình trên cương vị là nhà hảo tâm, đã tiến hành gửi tặng, trong vài trường hợp là bán các nguồn cung cấp vật liệu y tế cần thiết cho các quốc gia bị ảnh hướng (bài báo của Nhật nói một số vật liệu, trang bị y tế của Trung Quốc cũng còn bị “lỗi”).

Phương Tây hoàn toàn không hài lòng với Trung Quốc

img
Sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc.

Trung Quốc muốn những người nhận phải bày tỏ lòng biết ơn công khai và “yêu mến một số quốc gia nhất định”. Nhưng Trung Quốc đã tự xác định mình là một "quốc gia lớn có trách nhiệm", như tờ People’s Daily của chính Trung Quốc đã nhận xét. Thái độ này là lý do chính dẫn đến tình cảm tiêu cực đối với Trung Quốc.

Tờ Japan Times viết rằng: “Nhưng, tình cảm tiêu cực thậm chí đã xuất hiện trước thời điểm bùng dịch Covid-19. Có một yếu tố khác đang diễn ra, và điều đó liên quan đến một thứ mà Trung Quốc rất nhạy cảm là vẫn đề nhân quyền.

Không phải ngẫu nhiên mà 13 trong số 14 quốc gia (chủ yếu là các quốc gia phương tây) - Hàn Quốc là ngoại lệ - nằm trong số những quốc gia chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong cuộc tranh luận của Liên Hợp Quốc về vấn đề quyền con người hồi đầu tháng.

Ở Australia, 81% hiện có quan điểm tiêu cực, so với 57% năm ngoái. Trung Quốc đã tức giận trước đề xuất của Australia về việc Tổ chức Y tế Thế giới điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Người Australia sau đó biết được rằng Trung Quốc đang cắt giảm nhập khẩu than của Australia cũng như giới hạm xuất khẩu bông cho Canberra.

Tại Canada, Đại sứ Trung Quốc Cong Peiwu, tuần trước cảnh báo rằng chính quyền Canada không được cấp quyền tị nạn cho các nhà hoạt động Hong Kong.

Ông Cong Peiwu tuyên bố rằng nếu Canada quan tâm đến 300.000 người mang hộ chiếu Canada ở Hong Kong, nước này nên ủng hộ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt.

Nhà ngoại giao này cũng bảo vệ việc Trung Quốc không cho phép hai người Canada - Michael Kovrig và Michael Spavor đến thăm lãnh sự trong 9 tháng, bất chấp một thỏa thuận song phương quy định các chuyến thăm hàng tháng.

Đại sứ Cong Peiwu đổ lỗi cho đại dịch mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố vào cuối mùa Xuân đầu năm nay rằng họ đã kiểm soát được tình hình. Và khi một chuyến thăm cuối cùng được cho phép vào tháng 10, Bắc Kinh chỉ cho tổ chức chuyến thăm này từ xa.

Hai công dân Canada đang bị nhà chức trách Trung Quốc giam giữ với cáo buộc gián điệp trong một vụ án được nhiều người coi là đòn trừng phạt nhằm vào Canada vì “xứ ở lá Phong” đã bắt giữ một giám đốc điều hành (bà Nhậm Vãn Chu) tập đoàn Huawei Technologies Co hàng đầu của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng đã nhận được cảnh báo từ Trung Quốc. Hôm thứ Bảy cuối tuần qua, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng Bắc Kinh đã cảnh báo chính quyền Washington rằng họ có thể sẽ giam giữ người Mỹ để đáp trả các vụ xét xử các học giả có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

“Mối đe dọa con tin này chắc chắn sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc nói chung, không chỉ ở các nước phát triển”. – bài báo của Japan Times viết.

Báo Nhật Bản cho rằng: “Việc bắt giữ (bí mật hay không khai) công dân nước ngoài là một phần mở rộng của những gì Bắc Kinh đã làm đối với người gốc Hoa, bất chấp sự tồn tại của luật pháp, hiệp ước và ranh giới quốc tế”.

“Chỉ 5 năm trước, thế giới mới bàng hoàng khi hay tin một công dân Anh và một công dân Thụy Điển, lần lượt biến mất khỏi Hong Kong và Thái Lan, sau đó xuất hiện trở lại dưới sự quản thúc của Trung Quốc đại lục” – tờ báo của Nhật Bản dẫn chứng.

img
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Trước đó, theo Japanese, các hành vi bắt giữ như thế này là điều mà chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã từng công khai lên án. Sáu năm trước, vào ngày 24 tháng 10, Ngày Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã kêu gọi bảo vệ luật pháp quốc tế, bác bỏ cái mà ông gọi là luật rừng, “nơi kẻ mạnh làm theo ý mình và kẻ yếu phải chịu những gì họ phải làm”.

Nhưng, theo Japan Times, lời nói (từ chính quyền Bắc Kinh) là không đủ. Hành động của Trung Quốc phải phù hợp với lời nói của họ, cho dù là đối phó với Canada, Hoa Kỳ, Hồng Kông hay vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Cuối cùng, bài báo cho rằng, không chỉ mất danh tiếng, Trung Quốc có nguy cơ đánh mất nguồn giao dịch thương mại và các khoản đầu tư mà Bắc Kinh cần từ các nước phát triển (chủ yếu là các nước phương Tây và một số quốc gia phát triển ở khu vực). Để được coi là một "quốc gia lớn có trách nhiệm", quốc gia đó phải hành xử phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.