Thời sự

Bao nhiêu tuổi thì cấp thẻ Căn cước công dân?

29/10/2014, 07:27

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật căn cước công dân (CCCD) chiều 28/10, nhiều ý kiến đại biểu vẫn chưa thống nhất về độ tuổi cấp thẻ.

 

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) - ảnh TTXVN
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) - ảnh TTXVN

Không mất quyền được khai sinh của trẻ em?

Liên quan đến quy định tuổi được cấp thẻ CCCD, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho thấy, vẫn còn 2 ý kiến: tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ CCCD ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh; loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cấp thẻ CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân, người chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật hộ tịch.

Báo cáo giải trình của Ủy ban TVQH cho biết, hiện có 27 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy khai sinh, 32 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao Giấy khai sinh, 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chứng thực Giấy khai sinh. Vì vậy, theo Uỷ ban TVQH, quy định cấp thẻ CCCD từ khi công dân sinh ra để thay thế cho việc sử dụng giấy khai sinh góp phần giảm các thủ tục hành chính yêu cầu công dân phải mang Giấy khai sinh hoặc nộp bản sao Giấy khai sinh. Việc cấp thẻ CCCD cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em.

"Uỷ ban TVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa là giao UBND cấp xã, cấp huyện nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và thực hiện quy trình cấp thẻ CCCD theo quy định", Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay.

Lãng phí, không cần thiết

Trong phần thảo luận, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, đặt mục tiêu thẻ CCCD thay thế các loại giấy tờ khác là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. "Cấp thẻ CCCD ngay khi sinh ra và đến 14 tuổi thì đổi thẻ là phù hợp", bà Minh nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lại đặt câu hỏi, có cần bỏ ra 650 tỷ đồng để cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi hay không, vì đối tượng này còn nhỏ, giao dịch chủ yếu vẫn do bố mẹ làm. “Chỉ nên cấp thẻ CCCD cho người từ 14 tuổi trở lên, cùng với đó  khi sinh ra, cấp giấy khai sinh, lưu thông tin để  đến 14 tuổi thì cấp thẻ CCCD”, ĐB Kim Chi đề nghị.

Cùng quan điểm này, ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, cấp thẻ CCCD thời điểm nào là vấn đề lớn của cả luật hộ tịch và luật CCCD. "Trẻ dưới 14 tuổi, mọi thông tin nhận dạng chưa đầy đủ, lại trùng với giấy khai sinh, cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi với hàng chục triệu người là lãng phí, không cần thiết", ông Tùng nói và đề nghị giữ nguyên việc cấp giấy khai sinh, đến 14 tuổi mới cấp thẻ CCCD.

Trước đó, thảo luận về dự án Luật Hộ tịch sáng cùng ngày, đa số các ĐB đều tán đồng với phương án tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh thay vì cấp thẻ CCCD.

Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), quyền được khai sinh là quyền của trẻ em, con người và được Nhà nước bảo vệ và phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Việc đăng ký và cấp giấy khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người thông qua những thông tin cơ bản của trẻ em được ghi trên đó. Giấy khai sinh cũng có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.

"Trẻ em dưới 14 tuổi có sự thay đổi nhanh chóng về thể chất, nhân dạng và thẻ căn cước cũng không có giá trị trong các giao dịch. Trong khi, nếu cấp thẻ căn cước cho lứa tuổi dưới 14 thì sẽ phải cấp cho khoảng 21 triệu trẻ em trong khi lại chỉ có tác dụng… cất giữ là không hợp lý, gây tốn kém", ĐB tỉnh Bình Phước nói.

Tiến Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.