Xã hội

Bão số 10 giảm 6 cấp nhưng vẫn rất khó đoán định khi đổ bộ đất liền

02/11/2020, 12:54

Bão số 10 (Goni) hiện đã giảm xuống cấp 8, giật cấp 10 nhưng có thể gây mưa lớn cho miền Trung khi đổ bộ đất liền.

img
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho rằng càng vào gần bờ, diễn biến bão số 10 sẽ rất phức tạp

Bão số 10 có thể gây mưa 400mm cho miền Trung

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 trưa nay, 2/11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định:

“Dù đang duy trì cường độ cấp 8, bão số 10 được nhận định khó dự báo hơn so với những cơn bão khác. Nguyên nhân là khi sức gió yếu, diễn biến của bão sẽ không phụ thuộc vào nội lực từ bên trong mà chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động”.

Theo ông Khiêm, áp cao cận nhiệt đới đang lấn sâu vào lục địa, đồng thời không khí lạnh đã tràn xuống phía bắc và tiếp tục tăng cường trong 2 ngày tới. Với các yếu tố này, có thể bão Goni duy trì sức gió cấp 8 cho đến khi vào đất liền, trường hợp đặc biệt có thể mạnh lên cấp 9.

Dự báo bão số 10 sẽ hướng thẳng vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên vào rạng sáng 5/11 ở cấp 8. Tuy nhiên, ông Khiêm cho rằng điều nguy hiểm nhất của bão số 10 là tiếp tục gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho Trung Bộ.

“Kịch bản gây mưa của cơn bão này cũng tương tự bão số 9, với hai giai đoạn quan trọng.

Giai đoạn 1, mưa do bão bắt đầu từ chiều tối 4/11 và kéo dài đến ngày 6/11. Đợt mưa này tập trung tại khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp là Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với lượng phổ biến 300-400 mm. Tại Bình Định, Phú Yên và Tây Nguyên ghi nhận lượng mưa dao động 100-200 mm.

Giai đoạn 2, hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh sẽ gây ra một đợt mưa mới cho các tỉnh Bắc Trung Bộ trong ngày 5-7/11. Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có thể hứng lượng mưa 150-350 mm/đợt.

Với kịch bản mưa này, chuyên gia cho biết lũ trên hệ thống các sông đặc biệt là Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể lên báo động 3”, ông Khiêm phân tích.

Bão dù suy yếu cũng không được chủ quan

img
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó bão số 10 trưa 2/11

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bão số 10 sau khi đi vào Biển Đông đang lệ thuộc rất nhiều hình thái bên ngoài.

“Do tính phức tạp của diễn biến, bão số 10 rất khó đoán định cả về cấp độ, hướng tuyến lẫn hoàn lưu gây mưa… Tuy nhiên vẫn phải nhấn mạnh, dù đã bão đã suy yếu nhưng vẫn ở cấp 8 giật cấp 10, các địa phương vẫn phải kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ, tránh vùng biển nguy hiểm”, ông Cường nói và nhấn mạnh: “Bão hạ cấp nhưng gây mưa từ Nghệ An trở vào hết miền Trung. Trong khi khu vực này đang sũng nước, đất đã rệu rã, hiện chỉ cần gây mưa 100-200mm cũng có thể tạo ra hậu họa về sạt trượt, lũ ống, lũ quét. Chính vì vậy phải liên tục dự báo cảnh báo sát về lượng mưa và vị trí có nguy cơ để ứng phó”.

Ông Cường lưu ý, cần đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp cần rất chú ý, chỉ cần tổng lưu lượng mưa đổ về 100-200mm cũng đáng lo ngại. Tiếp tục quán triệt nêu cao phương châm 4 tại chỗ. Bài học từ 30 nghìn hộ hơn 120 nghìn dân tại Quảng Trị, phương châm 4 tại chỗ phát huy rất hiệu quả, giảm nhiều thiệt hại, lực lượng bộ đội, công an vẫn là chủ chốt, nhưng thời gian tới cần tăng cường trang thiết bị hiện đại.

Chỉ đạo tại cuộc họp Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị bộ, ngành, địa phương không chủ quan, theo dõi liên tục các diễn biến của bão để kịp thời thay đổi phương án ứng phó cho phù hợp.

“Không vì dự báo cơn bão không lớn mà chủ quan. Địa phương cần tập trung rà soát tàu thuyền trên biển ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú an toàn, đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Liên quan tới các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển và đất liền, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Lực lượng tìm kiếm cần phải chủ động bám sát diễn biến của bão số 10 để từ đó lên phương án cho phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả tìm kiếm cứu nạn, vừa đảm bảo an toàn”.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão số 10 tiếp tục rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, chia cắt. Đối với khu vực miền núi, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; đảm bảo an toàn công trình, hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố đê điều, khu vực bờ biển bị sạt lở do bão số 9 để bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng cứu khi có tình huống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.