Xã hội

Bão số 10: Nam Định, Thái Bình cấm biển, chuẩn bị sơ tán dân

14/09/2017, 15:18

Nam Định, Thái Bình đã cấm biển, hoãn các cuộc họp không cần thiết, chuẩn bị sơ tán dân trước bão số 10

Thai-Binh

Các phương tiện về neo đậu tại Cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình để tránh bão số 10

 Để ứng phó với bão số 10, ngày 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chống bão.

Từ 14h ngày 14/9, Nam Định đã cấm biển. Hiện địa phương đã thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; có phương án di dời, sơ tán người canh coi tại các chòi canh và người dân ở khu vực cửa sông, ven biển vào khu vực an toàn xong trước 9h ngày 15/9. 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị hơn 43.500 m3 đá hộc, trên 2.700 rọ thép, hơn 527.300 bao nilon để gia cố đê, kè khi có yêu cầu.  Hiện Nam Định có 76.660 ha lúa mùa, trong đó, 35.100 ha lúa đã trỗ; 15.685 ha nuôi trồng thủy sản; 2.057 tàu thuyền với 5.588 lao động, trong số đó có 634 tàu đánh bắt xa bờ với 2.652 lao động. Lực lượng chức năng của tỉnh đã thông báo để nhân dân nắm và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động vào nơi tránh trú an toàn. 

Trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh Nam Định sẽ phải sơ tán 32.350 người ở trong 8.625 nhà. Trường hợp bão cấp 11-12 đổ bộ trực tiếp, Nam Định sẽ sơ tán 147.032 người ở trong 38.978 nhà

Tại Thái Bình, đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 10h ngày 14/9. Đến 18 giờ ngày 14/9, các địa phương phải hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn và trước 12h ngày 15/9 hoàn tất việc sơ tán người dân sống tại các khu tập thể, nhà xuống cấp, khu vực xung yếu vào nơi an toàn.

Thái Bình cũng đã  yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa cần thiết, phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão số 10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Sở GTVT và UBND các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ. 

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1.264 tàu, thuyền với 3.619 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản; trong đó, có 99 phương tiện với 558 phương tiện đang hoạt động, neo đậu các bến ngoài tỉnh; 372 phương tiện với 1.269 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình; 793 phương tiện với 1.792 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Hiện tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào đang hoạt động ở các vùng biển nguy hiểm.  Hiện toàn tỉnh có 3.824 hộ với 14.426 người đang sinh sống ngoài đê chính cần lưu ý để có phương án di dời khi cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.