Đời sống

Bão số 13 đang áp sát, các tỉnh miền Trung liên tiếp phát công điện khẩn

12/11/2020, 16:17

Cơn bão số 13 đang áp sát đất liền, các tỉnh miền Trung liên tiếp phát công điện khẩn yêu cầu, các đơn vị, người dân chủ động phòng chống.

img
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 13, yêu cầu tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3

Tạm dừng tìm kiếm nạn nhân sạt lở ở Rào Trăng, tập trung chống bão số 13

Chiều 12/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 13.

Công điện nêu rõ: "Do ảnh hưởng của bão số 13, từ chiều 14 - 16/11 tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, biển động mạnh. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng đạt báo động 2 đến báo động 3, biển động dữ dội. Thời tiết trong những ngày đến còn diễn biến phức tạp và có khả năng mưa kéo dài đến ngày 17/11".

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn khu vực này.

UBND các huyện, thị xã và TP Huế khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột ăng ten trên địa bàn.

img
Mưa lũ do hoàn lưu bão số 12 đang khiến hơn 6.540 nhà dân tại Thừa Thiên Huế bị ngập

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình. Tiếp tục thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó mưa bão. Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm.

Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

“Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão, hướng dẫn neo đậu an toàn và quản lý chặt ghe thuyền bãi ngang ven biển… Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn”, Công điện yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công ty TNHH Nhà nước MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, có giải pháp bảo vệ an toàn hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ.

img
Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đoạn phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt phải dừng chạy tàu từ 22h tối 11/11, đến chiều 12/11 vẫn đang bị ngập

Đối với các công trình thuỷ điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn, Chủ tịch tỉnh yêu cầu không được vận hành phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn…; cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng pháp luật về Phòng chống thiên tai.

“Sau đợt mưa lũ do hoàn lưu của cơn bão số 12, yêu cầu các chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du do đợt mưa lũ do bão số 13”, Công điện nhấn mạnh.

Quảng Nam yêu cầu dân tích trữ lương thực dùng đủ 15 ngày

Chiều 12/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản yêu cầu các đơn vị, lực lượng, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 13 đang áp sát, đổ bộ vào đất liền.

img
Quảng Nam thực hiện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, không cho phép người dân ở lại trên tàu thuyền.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ).

"UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại trụ sở UBND cấp xã, trường học, Trung tâm Y tế, các công trình kiên cố, những vị trí an toàn,…

Đối với các địa bàn, khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập khi có mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất đảm bảo dùng đủ trong 15 ngày trở lên", văn bản nhấn mạnh.

Đối với các chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ du các hồ chứa nước để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Văn bản cũng nêu rõ: "Đối với các địa phương có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, khẩn trương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại.

Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở GTVT Quảng Nam nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ. Các đơn vị bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Để hạn chế những tình huống bất ngờ, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.