Xã hội

Bão số 3 mạnh giật cấp 12, các địa phương ngừng họp phòng chống

18/08/2016, 18:28

Bão số 3 với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10- cấp 12 đang di chuyển vào đất liền.

tin-bao-so-3

Các địa phương ven biển đang cho neo đậu tàu thuyến, tránh thiệt hại tài sản khi bão về

Thông tin mới nhất liên quan đến bão số 3, để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão gây ra, Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão.

Phân công 3 Phó Thủ tướng trực tiếp đi chỉ đạo chống bão

Thủ tướng cũng phân công 3 Phó Thủ tướng đi chỉ đạo chống bão. Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Nam Định và Thái Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa.

Theo thông tin mới nhất, bão số 3 với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 12 vẫn đang tiếp tục di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền nước ta.

Theo dự báo, sau khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta vào trưa, chiều 19/8.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối 18/8, ở Vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 đến cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 đến 10, giật cấp 12 đến cấp 14, biển động rất mạnh. Từ sáng 19/8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh), sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 14.

Những ngày tới có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm và lũ trên hệ thống sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại các những nơi đã bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua. 

Đây là cơn bão mạnh, đổ bộ vào thời điểm triều cường, phạm vi ảnh hưởng rộng, vẫn tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn phức tạp; cần đề phòng sau khi bão đổ bộ vào bờ có thể tiếp tục duy trì gió mạnh trong thời gian dài và vào sâu trong đất liền.

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan khí tượng thuỷ văn của các địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ, tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin.

20140917083130-2

Bão số 3 có khả năng gây mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm

Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị quản lý hoạt động vận tải nắm chắc thông tin, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các tàu vận tải trên biển, trên sông, kể cả các tàu ở khu vực neo đậu; chỉ đạo tập trung khắc phục các sự cố sạt lở trong đợt mưa lũ vừa qua, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở khi mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo bảo vệ an toàn các hồ đập; có phương án bảo đảm an toàn đối với các công trình trọng yếu của đất nước; hướng dẫn địa phương bảo vệ các công trình có nguy cơ sập đổ, công trình tháp cao, công trình đang xây dựng.

Cấm tàu thuyền ra khơi

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến, đánh giá cụ thể nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với địa phương mình để kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở và người dân triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, không để bị động bất ngờ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Chủ động chỉ đạo cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tiêu thoát nước, chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các đô thị, khu dân cư trên địa bàn. Căn cứ tình hình diễn biến bão, mưa lũ cụ thể ở địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các khu vực bão đổ bộ trực tiếp và mưa lũ lớn.

Các địa phương ven biển cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm; phối hợp với lực lượng biên phòng tuyến biển, ngành thủy sản và các đơn vị có liên quan kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi trú tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, kể cả đối với tàu vận tải.

Các địa phương trong khu vực dự kiến bão đổ bộ trực tiếp khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm như trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ, hải sản, khu vực cửa sông, ven biển có nguy cơ ngập sâu, các nhà yếu có nguy cơ sập đổ đến nơi an toàn.

Các tỉnh trung du, miền núi tập trung rà soát, chủ động di dời, kiên quyết sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng khi có mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.