Xã hội

Bão số 7 di chuyển rất nhanh, miền Bắc và miền Trung trong thế nguy hiểm

13/10/2020, 10:50

Dự báo trong chiều mai, bão số 7 sẽ đổ bộ đất liền, gây mưa lớn khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và đồng bằng Bắc bộ.

img
Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai họp bàn phương án ứng phó khẩn cấp với mưa lũ ở miền Trung và bão số 7. sáng 13/10

Sáng nay 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai họp bàn phương án ứng phó khẩn cấp với mưa lũ ở miền Trung và bão số 7 trên biển Đông.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: Dự báo bão số 7 mạnh cấp 9 – 10, giật cấp 12 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào trưa và chiều ngày 14/10.

“Sáng sớm ngày 14/10 bão số 7 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và trưa chiều cùng ngày sẽ ảnh hưởng tới đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vùng tâm bão sẽ mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12. Bão số 7 và hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn từ ngày 14-16/10, mưa to đến rất to có nơi trên 400mm, trọng tâm là khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và đồng bằng Bắc bộ”, ông Khiêm cảnh báo.

Theo ông Khiêm, mưa lớn khiến các sông ở khu vực bắc bộ lũ lên mức báo động 2 báo động 3 ở 1 vài nơi. Ngoài khơi Vịnh Bắc bộ gần khu vực báo có thể lên tới 6m, bão vào rất dễ kết hợp với triều cường gây ra những nguy cơ ngập lụt rất lớn ở khu vực phía Bắc.

img
Bão số 7 đang tăng cấp có thể giật cấp 12 khi đổ bộ vào đất liền chiều mai, 14/10

Trong khi đó, thống kê thiệt hại mới nhất về mưa lũ miền Trung đã khiến 40 người chết và mất tích. Cụ thể 28 người chết (22 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ). 12 người mất tích (8 người do lũ cuốn; 4 thuyền viên trên biển).

Liên quan tới thông tin thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiến Huế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu IV triển khai lực lượng tiếp cận vị trí.

Mưa lũ cũng đã khiến 415 nhà bị sập đổ, hư hỏng, hơn 131 nghìn nhà bị ngập; 592ha lúa và 4.179ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 293con gia súc và 155.997 con gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Về tình hình giao thông, đã có gần 140 điểm Quốc lộ, 11.576m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình 3; Thừa Thiên Huế 16). Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B(Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình).

Trước tình hình trên, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT nhấn mạnh : “Hiện tại toàn bộ miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. Bão di chuyển rất nhanh dự báo ngày mai sẽ ảnh hưởng vào đất liền nước ta, mưa lũ hiện đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực ngập sâu, xuất hiện sạt lở ở khu vực miền núi. Đề nghị tất cả các bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc theo công điện của Thủ tướng chỉ đạo”.

Được biết, con số xin hỗ trợ khẩn từ các địa phương đề xuất cũng tăng lên. Cụ thể, tới nay các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0);20.000 thùng mỳ tôm(Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000);các loạithuốc, hóa chất khử trùngvà vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.