Xã hội

Bão số 9 mạnh cấp 8 giật cấp 10, đổ bộ Nam Trung bộ

23/11/2018, 06:23

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 9 vừa hình thành sẽ tăng tốc mạnh dần lên...

photo-1-15428731740291340225050-crop-1542873198362

Ảnh minh họa

Cụ thể, dự báo tới đầu giờ chiều 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ. Đến 13h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ - Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.

Trước đó, ngày 22/11, tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai với 14 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: Bão số 9 càng gần bờ càng di chuyển chậm và gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Vùng dự báo bão đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24/11. Bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12.

Theo ông Cường, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ, phổ biến 100 - 200mm. Trong đó, vùng trọng tâm từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500mm, có nơi mưa có thể lên 600mm. Trong ngày 25/11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300mm/24 giờ.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, cần tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là 31 phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản. Nhận định cơn bão số 9 có đường đi, quỹ đạo và mạnh tương đương cơn bão số 12 năm 2017, từng gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh Nam Trung bộ, do vậy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan... “Cần kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là 31 phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai; gia cố và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, các tỉnh, TP khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo các tỉnh quan tâm, trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó. “Chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho các KCN tập trung, các khu du lịch. Gia cố nhà cửa, kho tàng, cột tháp, các công trình có khả năng mất an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức tính toán chủ động các phương án vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt các hồ chứa xung yếu và các hồ chứa đã trên 70% dung tích”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.