Xã hội

Bão số 9: Phú Yên ra công điện khẩn, Bình Định lên phương án sơ tán dân

26/10/2020, 19:48

Bão số 9 cận kề, các tỉnh Phú Yên, Bình Định khẩn cấp yêu cầu người dân chuẩn bị mọi phương án ứng phó với cơn bão được dự báo rất mạnh.

img
Chính quyền Phú Yên về từng đường làng, ngõ xóm, tuyên truyền về tình hình bão lụt, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp để ứng phó với cơn bão xảy ra vào tháng 10/2019

Bão số 9 cận kề, Phú Yên ra công điện khẩn

Chiều 26/10, UBND tỉnh Phú Yên có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 9.

Văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển (rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện; thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu).

Thời gian hoàn thành trước 18h ngày 27/10. Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, địa phương này có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa) 163 tàu cá/962 lao động, hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận).

img
Tỉnh Phú Yên yêu cầu các huyện, thị chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè.

Chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè.

Các huyện thị khẩn trương tổ chức triển khai ngay các biện pháp chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, công trình khác,… đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra; Sẵn sàng các phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.

Thời gian hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10/2020. Tạm hoãn các cuộc họp không thật sự cấp thiết, không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, mưa lũ sau bão cho đến khi bão tan.

img
Người dân chủ động chèn chống nhà cửa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thu hoạch hoa màu những nơi chưa thu hoạch thực hiện với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, có phương án vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, chủ động hạ mực nước đón lũ, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi.

Đến sáng 26/10, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trung bình từ 50-500m3/s, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 500m3/s. Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế.

Ngoài ra, Sở GTVT chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính.

Bình Định lên phương án sơ tán dân, đội tàu lai ứng trực sẵn sàng cứu hộ

Chiều 26/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để triển khai công tác ứng phó với bão số 9 (bão Molave).

Chủ trì cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng- Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân không được chủ quan trong việc đối phó với bão số 9. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các huyện miền núi, các địa phương có điểm xảy ra sạt lở, khu vực biển bị ảnh hưởng triều cường… phải rà soát, di dời người dân sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong ngày 27/10.

img
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 9

Ông Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải đi kiểm tra, sơ tán dân ở vùng nguy hiểm, ai không đi sẽ cưỡng chế; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, các cơ quan, trường học… Kêu gọi người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đối phó với mưa bão dài ngày, chấm dứt tình trạng “sáng mưa, chiều ngập, tối kêu cứu”.

Các lực lượng quân sự, biên phòng, công an lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 9, bố trí lực lượng tại các địa phương trong tỉnh để sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho học sinh trên địa bàn nghỉ học từ chiều 27/10 cho đến khi có thông báo mới. Từ ngày 27/10, các cơ quan, đơn vị ở Bình Định sẽ dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão số 9.

img
Tỉnh Bình Định cấm biển từ 17h chiều 26/10

Lệnh cấm biển từ chiều 26/10, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, đến sáng 26/10, tỉnh này có 139 tàu cá trong vùng biển nguy hiểm của bão số 9. Số lượng tàu cá tỉnh Bình Định đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa có 5 tàu, vùng biển Trường Sa 256 tàu, khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa 62 tàu.

Tại khu vực vịnh Quy Nhơn có 76 tàu vận tải đang hoạt động. Tại khu vực cảng Quy Nhơn có 13 tàu lai (Công ty TNHH VTB Cửu Long và thuộc Công ty CP Cảng Quy Nhơn) có khả năng tham gia công tác ứng phó thiên tai.

Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, cho biết đơn vị này đã làm việc với các tàu vận tải biển hoạt động ở vịnh Quy Nhơn, yêu cầu đưa tàu vào vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa để tránh bão. Kết quả, đến chiều 26/10, tại vịnh Quy Nhơn còn lại 47 tàu vận tải biển.

Theo ông Quang, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu các tàu đi vào vùng biển phía nam của vịnh Quy Nhơn để tránh bão. Trước khi bão đổ bộ, khu vực vịnh Quy Nhơn sẽ còn 30 tàu vận tải neo đậu trú bão tại đầm Thị Nại.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, tại khu vực đầm Thị Nại chỉ đủ sức cho 30 tàu vận tải biển vào neo đậu an toàn, nếu nhiều hơn sẽ không đủ chỗ và dễ xảy ra va quẹt gây hư hỏng. Do đó, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn phải tiếp tục làm việc, đấu tranh với các chủ tàu, yêu cầu các tàu đi vào vùng biển phía nam vịnh Quy Nhơn để tránh bão.

“Khi bão số 9 đổ bộ, không để bất kỳ người nào trên tàu, kể cả trên tàu cá và tàu hàng, bắt buộc đi lên bờ hết để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, ông Hồ Quốc Dũng cương quyết.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu thực hiện lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 26/10.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.