Xem - ăn - chơi

Bão tố Trường Sơn: Không khô cứng, cúng cụ!

19/05/2017, 13:05

Đề tài chiến tranh, cách mạng vốn luôn bị coi là khô cứng, là tác phẩm “cúng cụ”.

17

Một phân cảnh trong vở “Bão tố Trường Sơn”

Đề tài chiến tranh, cách mạng vốn luôn bị coi là khô cứng, là tác phẩm “cúng cụ”. Nhưng Bão tố Trường Sơn của Nhà hát kịch Việt Nam lại mang tới những lát cắt mới khi bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy mình đâu đó trong câu chuyện này.

Bối cảnh chiến tranh vẫn hợp thời đại

Bão tố Trường Sơn là một trong những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của cố nhạc sĩ, nhà viết kịch tài hoa Trương Minh Phương. NSND Anh Tú - đạo diễn vở diễn cho biết, anh đặc biệt thích thú khi đọc tác phẩm này trong chùm kịch bản của cố tác giả họ Trương. Bởi sự khai thác lát cắt mới, khi đi sâu vào tâm lý, bản chất con người với những cái xấu xa, sự hèn hạ, ích kỷ của một số người cùng hàng ngũ, cùng là đồng chí với chúng ta.

Mang tên Bão tố Trường Sơn nhưng những khốc liệt nơi trận địa thực tế chỉ là cái cớ để tác giả đi sâu vào mối quan hệ giữa con người với con người, những góc khuất của số phận. Bão tố ấy không chỉ là bom đạn mà còn là cuộc sống của những con người, kéo dài đến tận thời bình. Đó là đại đội trưởng Vũ Bông (Tô Dũng đóng), “con đại bàng hung hãn” nơi chiến trận Trường Sơn nhưng thực tế lại là kẻ cơ hội, vì lo ngại cho con đường thăng tiến của mình mà bất chấp tất cả, kể cả việc đề nghị người yêu bỏ đi sinh linh bé nhỏ vừa hình hài. Là bác sĩ Diễm Lệ (Khuất Quỳnh Hoa đóng) có tình yêu trong sáng không vụ lợi với Vũ Bông, chấp nhận bị tước quân tịch và bị trả về địa phương để bảo vệ bào thai trong bụng. Là chàng thủ trưởng hậu cần Lê Ái (Xuân Bắc đóng) cố chấp, bảo thủ nhưng luôn hết lòng với bác sĩ Diễm Lệ - người mà anh yêu đơn phương.

Sân khấu được thiết kế hợp lý với những bục bệ linh hoạt, lúc biến thành hầm trú ẩn, lúc trở thành mỏm đá cạnh bờ suối đầy lãng mạn, lúc lại là căn nhà che nắng che mưa… không làm ngắt mạch cảm xúc của người xem. Xuyên suốt vở diễn, khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc mà các nhân vật mang lại. Từ những tràng cười sảng khoái bởi sự ngố tàu của Lê Ái khi đứng trước người mình yêu, nụ cười cảm thông khi Diễm Lệ chỉ coi Lê Ái là em trai, tới những bức xúc khi đại đội trưởng Vũ Bông không dám nhận mình là “tác giả” của bào thai trong bụng Diễm Lệ, khiến cô uất ức bị đuổi về địa phương. Và còn cả những giọt nước mắt mừng tủi khi những người đồng đội gặp lại nhau sau 20 năm. Khi ấy, người thành công, người bị nhiễm chất độc da cam… Họ đã nắm chặt tay để cùng bỏ qua những lầm lỗi quá khứ.

Nhiều khó khăn với đề tài chiến tranh

Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở diễn của một cố tác giả. Theo NSND Anh Tú, thông thường anh sẽ mời tác giả kịch bản tới cùng sát cánh để họ chắp bút cho những ý tưởng của anh. Nhưng với vở này, do tác giả đã qua đời nên anh đã thắp hương xin phép tác giả cho chỉnh sửa một vài phân đoạn, ý tứ, phát triển vở diễn cho phù hợp với ngày nay. Không chỉ vậy, việc các diễn viên đều còn trẻ cũng là yếu tố gây khó khăn bởi họ chưa từng trải qua thời kỳ bom đạn khốc liệt nên khó có thể hòa nhập cùng vai diễn. Đạo diễn Anh Tú phải dùng mọi thủ pháp để truyền lại “chất lính” mà anh đã ngấm theo thời gian cho các bạn trẻ.

Bão tố Trường Sơn là vở diễn đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam dựng theo phương thức xã hội hóa với kinh phí đầu tư lên tới hơn 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tiết lộ, vở diễn có sự hợp tác với một doanh nghiệp để Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Đồng thời, nhà hát cũng muốn tri ân các liệt sĩ đã hy sinh nằm lại chiến trường để đất nước có ngày hôm nay. Hiện tại, vở diễn đã được một số đơn vị quân đội mua lại một số suất diễn.

Diễn viên Tô Dũng chia sẻ, ngay khi được giao vai đại đội trưởng Vũ Bông, anh lo lắng và áp lực bởi đây là vai diễn anh chưa từng trải nghiệm. Bản thân là diễn viên trẻ chưa từng qua thời kỳ chiến tranh, chưa thực sự hiểu rõ tầm nghiêm trọng khi bị tước quân tịch, đuổi về hậu phương là thế nào, tất cả chỉ qua trí tưởng tượng. Chưa kể, vai Vũ Bông trải qua hai thời kỳ là chiến tranh và hòa bình. Thời chiến tranh có thể đúng với lứa tuổi của Tô Dũng, nhưng thời bình, nhân vật lại ở độ tuổi đòi hỏi sự chững chạc, trải nghiệm, trải đời rất lớn.

“Từ giọng nói, ngoại hình của nhân vật đều khó khăn với tôi. Tôi được đạo diễn dạy rằng, phải luôn đặt mình vào nhân vật, nghĩ suy nghĩ của nhân vật. Vì mải suy nghĩ nhập tâm vào nhân vật mà có lần đang đi đường, tôi bất ngờ hét lên như đang diễn thoại khiến nhiều người xung quanh đều quay lại nhìn ”, Tô Dũng kể lại.

Khán giả Văn Tùng (62 tuổi, Hà Nội) khen ngợi vở diễn đề tài chiến tranh và hậu chiến nhưng hấp dẫn bởi cách xử lý chạm vào trái tim khán giả. Các diễn viên bắt được tâm lý nhân vật và thể hiện được hình tượng. “Tuy trên sân khấu chưa thể hiện được hết những khốc liệt của bom đạn thời chiến nhưng cũng gợi được nhiều cảm xúc. Tôi nghĩ, tình đồng chí, đồng đội trong vở diễn đã được làm nổi bật để hướng tới nhiều ý nghĩa nhân văn. Điều đó là quý giá lắm!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.