Quản lý

Bảo trì đường bộ phải có trọng tâm, trọng điểm

14/12/2017, 08:05

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong điều kiện nguồn vốn bảo trì chưa đáp ứng được nhu cầu, cần xác định rõ...

3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương ngày 13/12

Chỉ đạo tại cuộc họp Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương hôm qua (13/12), Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Nguyễn Văn Thể yêu cầu trong điều kiện nguồn vốn bảo trì chưa đáp ứng được nhu cầu, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm các tuyến đường cần sửa chữa để nâng cao hiệu quả.

Vốn bảo trì mới đáp ứng khoảng 50%

Báo cáo về công tác thu, nộp phí bảo trì đường bộ 11 tháng qua, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, tính đến hết ngày 30/11, thu từ các phương tiện đi nộp phí qua 118 trạm đăng kiểm đạt trên 6.400 tỷ đồng/6.150 tỷ đồng, vượt thu trên 300 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2017 thu trên 7.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch trên 900 tỷ đồng.

Ông Minh cũng cho biết, qua kiểm tra, việc sử dụng vốn bảo trì được công khai minh bạch. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã hoàn thành thi công sửa chữa đường bộ trên hiện trường, tổng khối lượng thực hiện đạt trên 80%. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc đấu thầu bảo trì đường bộ năm 2018 đã bị chậm do từ năm 2018 trở đi Quỹ Bảo trì hòa vào ngân sách và vận hành theo Luật Ngân sách. “Đến nay do chưa được thông báo kế hoạch vốn của năm tới nên Tổng cục Đường bộ VN chưa đấu thầu được dự án bảo trì”, ông Minh nói.

Liên quan tới việc ứng dụng vật liệu, công nghệ mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, công nghệ cào bóc tái chế phù hợp với công tác bảo trì đường bộ, hạn chế nâng cao độ mặt đường. Vì vậy, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này. Không thể mãi làm thủ công, cần tìm thêm nhiều công nghệ mới khác, sẽ giúp tăng hiệu quả trong bảo trì đường bộ.

Đề cập nhu cầu vốn bảo trì hàng năm, ông Minh cho biết, dự thảo kế hoạch chi cho năm 2018 khoảng trên 9.000 tỷ đồng. Qua xây dựng kế hoạch bảo trì hàng năm của Tổng cục Đường bộ, nhu cầu cần đến 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn chế nên hàng năm ngân sách chỉ cấp bù tăng trưởng khoảng 10%, bằng khoảng 3.000 tỷ đồng. Sau khi có thông báo kế hoạch vốn, Tổng cục xây dựng kế hoạch thực tế khoảng gần 10.000 tỷ đồng, đạt khoảng 50% nhu cầu bảo trì hệ thống quốc lộ.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, đến nay đã hoàn thành 90% kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên của năm. Tổng cục chuẩn bị đấu thầu các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên cho 3 năm tiếp theo (2018-2020). Tuy nhiên, do chưa được thông báo kế hoạch chi năm 2018 nên đến nay công tác này đang bị chậm.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, hệ thống đường bộ hiện có gần 500.000km. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ hiện không đáp ứng được yêu cầu. Xây dựng đường mới mà không được duy tu bảo dưỡng sẽ nhanh xuống cấp. Một số tuyến quốc lộ sạt lở do bão lụt chúng ta xử lý bước 1 nhưng không có vốn để xử lý bước 2 ngay. Thời gian sau, thay vì mất 1 đồng, chúng ta phải mất 10 đồng chưa chắc đã làm được. “Để giữ được hệ thống đường bộ lớn như hiện nay cần nâng tỷ trọng nguồn vốn bảo trì. Không nên quy định “cứng” theo kế hoạch giao vốn ngân sách. Cần có kiến nghị cơ chế thu ít phải chịu trách nhiệm và thu vượt thì được hưởng”, Thứ trưởng Thọ nói.

Phải có bức tranh tổng thể về bảo trì đường bộ

Khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, khi đường hư hỏng, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ gây bức xúc trong nhân dân. Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Tại sao năm 2018 chúng ta đề nghị nhu cầu vốn dành cho bảo trì trên 20.000 tỷ nhưng chỉ đáp ứng được 8.000 tỷ? Báo cáo phải thể hiện được bức tranh tổng thể về công tác bảo trì đường bộ như thế nào, cần đánh giá cụ thể trong số 23.000 km quốc lộ, bao nhiêu kilomet đã đến thời gian sửa chữa vừa, bao kilomet phải sửa chữa lớn và bao nhiêu kilomet đường sửa chữa định kỳ?”. Cùng đó, Bộ trưởng cho rằng, phải phân rõ tình trạng hư hỏng của hệ thống quốc lộ và nhu cầu vốn để bảo trì hệ thống đường đó. Phải công bố cụ thể về tình trạng này để cho dân giám sát, hiểu rõ về thực trạng, nhu cầu bảo trì đường bộ.

Đối với đề nghị xin cơ chế tạm giao kế hoạch bảo trì cho năm sau, Bộ trưởng cho rằng, việc xin cơ chế này sẽ mất nhiều thời gian. Cần uyển chuyển vận dụng những quy định trong Luật hiện hành. Để làm tốt công tác bảo trì, cần thực hiện có hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư. Trong lập kế hoạch bảo trì trung hạn 3 năm, Bộ trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở tình trạng hư hỏng của tuyến đường, cần nghiên cứu để đề xuất nhu cầu vốn hợp lý cho từng năm.

Về vấn đề sử dụng nguồn vượt thu hàng năm, Bộ trưởng cho rằng, cần xin Chính phủ cho cơ chế đặc biệt để sử dụng nguồn vượt thu này. Bên cạnh nguồn ngân sách cấp bù, nguồn thu phí bảo trì là thu từ người sử dụng đường nên cần có cơ chế đặc biệt và công bố rõ nguồn này cho người dân biết. Năm 2018, Quỹ Bảo trì sẽ hoạt động theo cơ chế mới theo Thông tư của Bộ Tài chính. Đối với Tổng cục Đường bộ, không có vấn đề gì nhưng đối với các địa phương phải căn cứ vào đặc điểm vùng miền để phân bổ vốn một cách kịp thời nhất.

Đặt câu hỏi về tại sao còn tồn tại nhiều điểm đen TNGT, Bộ trưởng cho rằng, xử lý điểm đen chính là kéo giảm TNGT, cùng với duy tu sửa chữa đường bộ. Vấn đề này phải được ưu tiên số một. Tổng cục Đường bộ phải có trách nhiệm thống kê, trong vòng 1-2 năm phải xử lý hết toàn bộ số điểm đen tồn tại trên hệ thống quốc lộ. Năm nào cũng dành mấy trăm tỷ cho xử lý điểm đen chứng tỏ việc này chưa được làm tới nơi, tới chốn.

“Phải xác định trọng tâm, trọng điểm để xử lý nhanh nhất hư hỏng, bỏ ra ít tiền mà giữ được đường, nếu không kịp thời sẽ mất cả nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.