Điện ảnh

Bảo vệ bản quyền phim ảnh thời công nghệ 4.0: Khó hơn lên giời!

18/11/2019, 11:54

Vi phạm bản quyền các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình vẫn luôn là vấn đề nan giải trong thời đại mới, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển.

img
Phim "Cô Ba Sài Gòn" từng bị quay lén và phát tán trên mạng ngay khi phim mới công chiếu

Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam dưới sự chung tay của nhiều nghệ sĩ, đã được thành lập với mong muốn có thể bảo vệ những sản phẩm sáng tạo của các nhà làm phim.

6 năm để ra đời Hội Bảo vệ bản quyền

Suốt hơn 6 năm qua, NSND Đặng Xuân Hải đã đi khắp Bắc, Trung, Nam nỗ lực kết nối các nghệ sĩ để chuẩn bị cho việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam (VAFC). Nỗ lực ấy của ông xuất phát từ nỗi đau đáu khi nhận thấy tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan trong lĩnh vực điện ảnh diễn biến phức tạp. Thế nhưng, điều đó lại chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời nên đã và đang gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho các chủ sở hữu tác phẩm.

NSND Đặng Xuân Hải nhìn nhận, tình hình sáng tác, sản xuất phổ biến phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam những năm qua phát triển mạnh, số lượng phim điện ảnh và truyền hình Việt tăng mạnh nên việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và các quyền liên quan ngày càng trở nên cấp thiết vì nhiều tác phẩm đã bị đánh cắp.

Theo nghệ sĩ Quyền Linh, Phó chủ tịch VAFC, vấn đề tác quyền luôn nhạy cảm và đã có nhiều nơi cũng tìm cách bảo vệ các tác phẩm. Các đài truyền hình cũng bảo vệ những bộ phim của họ, nhiều người đi đăng ký tác quyền sau khi làm sản phẩm, nhưng đăng ký rồi vẫn bị lấy cắp.

Không chỉ có các tác phẩm điện ảnh hay phim truyền hình, nhiều nghệ sĩ làm phim ngắn hoặc phim chiếu mạng, mới đăng phim trên mạng xã hội Facebook hoặc Youtube đã bị ăn cắp. Lúc đó, không ai đứng ra kiện hay bảo vệ cho họ, họ cũng không biết gặp ai hay đi đâu để lấy tác quyền.

Cũng bởi thế, sự ra đời của VAFC được kỳ vọng sẽ mang đến một tương lai mới cho điện ảnh Việt, để bảo vệ những “đứa con tinh thần” của các nghệ sĩ, những nhà làm phim. Quyền Linh thừa nhận, đường đi sắp tới của Hội sẽ gặp nhiều khó khăn vì tình hình xâm phạm tác quyền rất tinh vi, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Điều quan trọng là các nghệ sĩ sẽ tìm đường đi để bảo vệ được quyền lợi cho những nhà làm phim.

Để làm được điều đó, sau khi họp bầu ra Ban thường vụ, Ban chấp hành và được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hội sẽ làm việc cụ thể với các hãng phim, các nghệ sĩ, để từ đó đưa những góp ý vào những điều lệ cụ thể của Hội. Ngoài ra, Hội sẽ thành lập Ban pháp chế gồm các luật sư giỏi về tác quyền, am hiểu lĩnh vực nghệ thuật để tìm cách đòi và trả quyền lợi cho tác giả bị đánh cắp tác phẩm. Anh cũng nói thêm, đây là Hội tự nguyện nên toàn bộ kinh phí do những người làm nghề tự bỏ tiền túi để thực hiện, không liên quan gì đến kinh phí Nhà nước.

Quan trọng là hoạt động thế nào

img
Nhiều phim Việt vẫn chiếu tràn lan trên các web phim lậu

Thời gian qua, mỗi lần ra mắt bộ phim mới là biết bao nơm nớp lo sợ phim bị xâm phạm bản quyền của những nhà làm phim. Không chỉ là những trang web lậu cập nhật phim khi phim chỉ vừa công chiếu ngoài rạp hay trên truyền hình, còn có tình trạng livestream lén trong rạp… Hàng loạt bộ phim từng bị quay trộm khi chỉ vừa ra mắt như “Gái già lắm chiêu 2”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Lộ mặt”…

Bởi thế, sự ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam là một điều cần thiết trong tình hình phát triển điện ảnh, truyền hình gắn liền với mạng xã hội và công nghệ ngày nay. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là hội hoạt động như thế nào và khả năng bảo vệ cho những người làm phim ảnh đến đâu.

Chúng tôi sẽ cử người giám sát bằng mọi cách và bằng những công cụ đang có, bằng kinh nghiệm của những người làm truyền hình để bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ. Đồng thời sẽ kết hợp với các mạng xã hội như Facebook, Youtube để có những công cụ nhúng bản quyền.
Nghệ sĩ Quyền Linh


Chính đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng nêu quan điểm, việc xác định bản quyền phim từ trước đến nay không đơn giản. Bởi, phim thường do đơn vị công chiếu, hãng phim hoặc đài truyền hình sản xuất chứ không phải của cá nhân. Ông chưa bao giờ có tác quyền phim dù mình là đạo diễn.

Bản thân ông từng có lần làm phim xong và quản lý rất chặt sau khi phim công chiếu bằng cách trực tiếp mang phim tới các rạp và trực ở đó, chờ họ chiếu xong mang về. Nhưng khi quyết định cho chiếu phim trên toàn quốc vào một ngày thì ông mất luôn bản quyền phim, bản lậu tràn lan trên thị trường.

Nỗi băn khoăn Hội sẽ hoạt động như thế nào cũng là suy nghĩ của nhà sản xuất - diễn viên Hồng Ánh. Hồng Ánh cho rằng, có một tổ chức bảo vệ quyền lợi về sở hữu trí tuệ cho các nghệ sĩ là rất cần thiết bởi nếu chỉ đơn thương độc mã, nghệ sĩ sẽ khó khăn vì có thể không đủ kiến thức, thông tin. Tuy nhiên ở Việt Nam, các hội, nhóm thường ra đời với mục đích, ý nghĩa ban đầu rất tốt đẹp, nhưng thực thi có được như vậy hay không là chuyện khác, sẽ hoạt động hiệu quả ra sao hay chỉ trên danh nghĩa.

Theo nữ diễn viên, vấn đề tác quyền phim ảnh rất phức tạp vì phim là tổ hợp của nhiều yếu tố như kịch bản, âm nhạc, hình ảnh… Chưa kể ở Việt Nam hiện vẫn chưa có khái niệm rõ ràng về các vấn đề liên quan đến tác quyền. Cô lấy ví dụ về vi phạm bản quyền kịch bản phim, bao nhiêu % là vi phạm tác quyền, bao nhiêu % được coi là tác phẩm phái sinh, bao nhiêu % là cảm tác… dù kịch bản phim được tác giả đăng ký tác quyền.

“Sẽ rất khó định danh, luận tội như thế nào là vi phạm bản quyền hay không, bởi khi đã cố tình ăn cắp, người ta không bao giờ bê nguyên gốc để làm. Hiện, ở ta mới đang xử lý vấn đề bản quyền của những tác phẩm bị ăn cắp 100% các khâu. Vậy, Hội sẽ bảo vệ cái gì, bảo vệ như thế nào? Tôi nghĩ chúng ta cần tham khảo thêm luật bản quyền quốc tế xem họ quản lý như thế nào”, diễn viên Hồng Ánh bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.