Chính trị

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm sẽ hạn chế “đùn đẩy”!

29/09/2021, 08:00

Công việc của đất nước thì nhiều và không trì hoãn được, nhưng lắm lúc, lắm nơi không ai dám quyết và không ai chịu quyết.

Cuối tuần qua, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chủ trương này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

img

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

“Công việc nhiều nhưng không ai dám quyết”

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng quy định này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Việc ban hành quy định này có một ý nghĩa rất lớn. Nó sẽ góp phần giải quyết một trong những vấn đề nan giải của nền quản trị quốc gia hiện nay. Đó là hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Công việc của đất nước thì nhiều và không trì hoãn được, nhưng lắm lúc, lắm nơi không ai dám quyết và không ai chịu quyết.

Người ta cứ tìm đủ mọi cách để đùn đẩy trách nhiệm và trình bẩm loanh quanh. Có những việc đáng ra chỉ nên giải quyết ở cấp phòng, cấp sở, thì không khéo vẫn bị “đá bóng” lên cho Thủ tướng Chính phủ.

Chính vì thế, lắm lúc, không ít các công việc của đất nước bị trì trệ, không ít các cơ hội để phát triển bị bỏ lỡ.

Đó là chưa nói tới việc không dám nghĩ, dám làm thì không thể tạo ra được đột phá. Mà không tạo ra được đột phá, thì làm sao đất nước có thể cất cánh để trở thành nước phát triển trong vài thập niên tới?!

Vậy theo ông, như thế nào được gọi là dám nghĩ, dám làm?

Theo tôi, đây là khái niệm có hai nội hàm: Nội hàm thứ nhất là dám nghĩ; nội hàm thứ hai là dám làm.

Dám nghĩ là dám tư duy một cách độc lập dựa trên tri thức khoa học, trên các dự liệu và các chứng cứ khách quan. Dám làm là dám hành động để hiện thực hóa điều mà mình thấy đúng, thấy cần thiết cho nhân dân, cho đất nước.

Nhiều người dám nghĩ, nhưng chưa chắc đã dám làm. Nên quan trọng là phải vừa dám nghĩ và vừa dám làm.

Trên thực tế thì ranh giới giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh, làm thế nào để phân biệt được giữa dám nghĩ, dám làm và sai phạm? Theo ông thì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ hay chưa?

Tôi lại cho rằng, vấn đề không nằm ở sự chưa đầy đủ của hệ thống pháp luật, mà nằm ở sự chồng chéo, sự xung đột và sự lạm dụng điều chỉnh của hệ thống này.

Rõ ràng, khi pháp luật chồng chéo và xung đột, thì anh làm kiểu gì cũng sẽ sai phạm. Đơn giản là vì tuân thủ luật này, thì sẽ vi phạm luật khác. Trong bối cảnh như vậy, thì không làm gì cả là an toàn nhất. Càng làm nhiều thì càng sai phạm nhiều.

Rồi việc lạm dụng điều chỉnh cũng trói chặt chân tay các quan chức của chúng ta. Khi làm bất cứ một việc gì cũng phải tuân thủ 1.001 các quy định chặt chẽ của pháp luật, thì họ còn có thể dám nghĩ, dám làm theo cách nào được đây?

Ví dụ gần đây, các bí thư nhiều quận, huyện của TP.HCM chắc chắn cũng biết rằng dùng thuốc y dược cổ truyền và thuốc Tây y đã được nước ngoài phê duyệt có thể cứu giúp cho các bệnh nhân Covid-19, nhưng họ không làm gì được, vì các quy định phòng chống dịch không cho phép họ làm điều đó.

Bí thư quận 6, Bí thư huyện Củ Chi của TP.HCM đã “xé rào” bằng cách sử dụng các loại thuốc nói trên cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Và họ đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. Họ chắc chắn là những người dám nghĩ, dám làm. Nhưng nếu bị quy kết, họ rõ ràng đã vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, nếu nói về việc dám nghĩ, dám làm, thì ở đây chúng ta cần phải đổi mới tư duy lập pháp của mình.

Trước hết là chớ nên lạm dụng điều chỉnh, chớ nên gặp bất cứ vấn đề gì thì cũng nghĩ là phải ban hành pháp luật để xử lý.

Cách tư duy nói trên sẽ đẻ ra vô tận xiềng xích trói chặt tất cả chúng ta, cũng như trói chặt nhiều cơ hội và tiềm năng của đất nước.

Cứ nghĩ mà xem, khi đòi hỏi phải phục hồi kinh tế đang ngày càng trở nên nóng bỏng, mà hàng năm trời chúng ta vẫn không thể phê duyệt được các dự án đầu tư công, thì chúng ta có phải là thật sự đã trở thành con tin của những quy định pháp luật rối rắm và chồng chéo hay không?!

Trong những trường hợp sự lựa chọn tốt nhất là phải ban hành pháp luật, thì cũng cần hoàn thiện kỹ thuật lập pháp để tránh tình trạng các quy phạm pháp luật trong những văn bản khác nhau thì nhiều khi bị chồng chéo và xung đột với nhau.

Điều này không khó về mặt kỹ thuật, nhưng muốn làm được cũng phải có nghề và phải biết áp dụng phần mềm pháp điển hóa trong quá trình soạn thảo văn bản.

Thực tế cho thấy, nhiều người dám nghĩ, dám làm có thể bị kỷ luật, không còn cơ hội thăng tiến, bị cô lập, như câu chuyện ông Kim Ngọc với “khoán 10” trước đây là một ví dụ. Đến khi lịch sử xem xét lại, thì người dám nói, dám làm đã thiệt thòi rồi. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào?

Tất cả cũng là do những quy định đã ban hành mà không kịp sửa đổi để bắt kịp với cuộc sống.

Chúng ta ai cũng muốn được đối xử công bằng. Nhưng thật ra, ít ai được bảo hiểm khỏi mọi điều không may trong cuộc sống. Dầu sao, thì ông Kim Ngọc vẫn đã được phục hồi danh dự. Và hơn thế nữa, ông còn được người dân khâm phục và quý trọng.

Ngăn chặn trục lợi, đi “sai bước”

Dám nghĩ, dám làm không chỉ có ranh giới mong manh với sai phạm, mà còn dễ sa vào trục lợi cá nhân. Làm thế nào để phân biệt một cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám “vượt rào” nhưng không có ý định vụ lợi?

Kết luận của Bộ Chính trị quy định rõ, những đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện.

Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan phải giám sát quá trình thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Tôi cho rằng, trong điều kiện chúng ta chưa thể đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách kịp thời, thì những quy định nói trên là cần thiết. Bởi khi đó, nếu có tình trạng “đi sai bước” hay trục lợi sẽ được ngăn chặn kịp thời.

Một điểm đáng lưu ý trong Kết luận số 14 của Bộ Chính trị có nêu là khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đây có được coi là một trong những điểm then chốt để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm không?

Quy định này là rất quan trọng. Bởi vì rằng, những việc mới thì khả năng bảo đảm thành công 100% là không thực tế.

Tuy nhiên, nếu thành công thì khả năng lan tỏa, khả năng mang lại lợi ích cho đất nước lại rất lớn. Để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm thì quy định miễn, giảm trách nhiệm là rất cần thiết.

Ông có cho rằng, sau Kết luận số 14 của Bộ Chính trị thì chúng ta cần tiếp tục cụ thể hóa bằng những quy định của pháp luật để khuyến khích, bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”?

Về việc pháp luật phải cụ thể hóa như thế nào để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì tôi đã nói ở trên.

Ở đây, tôi chỉ xin bổ sung thêm một ý là muốn thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm thì pháp luật phải tạo ra khuôn khổ hơn là điều chỉnh quá chi tiết.

Thật ra, không thể khái quát hóa một chung chung là luật khung tốt hơn hay luật chi tiết tốt hơn. Luật khung có thể phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhưng cũng dễ tạo điều kiện cho sự tự tung, tự tác.

Luật chi tiết có thể khống chế sự tự tung, tự tác, nhưng lại trói chặt mọi sáng kiến của những quan chức dám nghĩ, dám làm. Vấn đề là chúng ta phải cân đối thế nào cho phù hợp với mục đích của mình mà thôi.

Cảm ơn ông!

“Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung...
Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao”.

Trích Kết luận số 14 của Bộ Chính trị

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.