Xã hội

Bất an cảnh sống "cứ mưa là chạy" nơi "rốn lũ"

10/10/2021, 08:42

Nhiều năm nay, cứ mưa to là nhà cửa, ruộng vườn, đường sá, trường học ở xã Dương Huy, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) lại ngập băng.

Sống tạm bợ, đợi di dời

Những ngày này, khi cơn bão số 7 chuẩn bị đổ vào vịnh Bắc Bộ, người dân thôn Khe Sím, xã Dương Huy lại hối hả tìm mọi cách gói ghém, cất dọn, kê cao đồ đạc. Họ còn chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn, quần áo mặc để sẵn sàng dắt díu nhau vượt lên đồi cao thoát thân nếu mưa to, nước dâng lớn.

Nhiều năm nay, bà con thôn Khe Sím cứ thấy mưa là lo... chạy, bởi mưa xuống là toàn thôn ngập lụt. Như trận mưa cuối tháng 9 vừa qua, hàng chục ngôi nhà ở trong thôn nước ngập cả mét, có nơi đến ngang nhà.img

Nước ngập sâu vào Trường Tiểu học Trần Hưng Đao, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả khiến lực lượng chức năng phải sơ tán khẩn cấp các cháu học sinh

Cũng trong trận mưa lớn cuối tháng 9 mới đây, nước dâng vào giờ học, nên các cơ quan chức năng phải dùng xuồng cao su, hỗ trợ di dời khẩn cấp học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả. Nhiều tuyến đường qua nội thị địa phương này cũng bỗng chốc biến thành... sông sau những trận mưa lớn, kéo dài.

Đây là "điệp khúc" mà nhiều khu dân cư ở TP Cẩm Phả, trường học... phải nếm trải mỗi khi mưa, lũ lớn từ thượng nguồn các con suối nơi đầu đường, bãi thải mỏ đổ về thời gian gần đây.

img

Nhiều hộ dân tại thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả bị ngập sau sau trận mới lớn mới đây

Bà Đào Thị Hường, nhà xóm Ngã ba, thôn Khe Sím than thở: "Trận mưa tháng 9 kéo dài gần 1 ngày là nhà tôi nước ngập ngang nhà. Khi nước rút, cả nhà lại phải dọn dẹp, sấy khô đồ đạc mất mấy ngày. Chưa kịp hoàn hồn lại lo mưa đổ về do cơn bão số 7".

Căn nhà của gia đình bà Hường ẩm thấp, tường nhà ngấm nước nứt nhiều chỗ, trần nhà đóng thêm những miếng bạt chống dột. Nhưng bà Hường bảo, nhà nằm trong vùng có kế hoạch di dời nên không thể sửa chữa.

"Cứ ở thế này, khổ lắm, lo lắm. Bà con mong chính quyền, các đơn vị sớm có phương án giúp bà con di dời đến nơi an toàn. Chứ nhỡ mưa lớn kéo dài, lụt như năm 2015, nhà tôi ngập băng cả nóc nhà", bà Hường lo lắng.

img

Gia đình bà Hường luôn thấp thỏm chờ được hỗ trợ di dời và phải sống trong căn nhà cũ nát không được sửa chữa do nằm trong diện xem xét, di dời từ nhiều năm nay

Anh Nguyễn Văn Thắng ở xóm Cột điện, thôn Khe Sím cũng chỉ vào những ngấn nước trên tường nhà sau trận mưa nước dâng cao hồi tháng 9 vừa qua, cho biết, anh cũng như nhiều người ở đây làm công nhân phải đi ca, kíp.

"Nhà có con nhỏ, đêm hôm tôi đi làm mà lo lắm, nước dâng bất ngờ thì vợ con liệu có chạy kịp không, chỉ mình vợ lo cho con nhỏ thì nhà cửa, đồ đạc chả kịp kê, cất", anh Thắng nói.

Chung cảnh ngộ, phường Mông Dương cũng là địa bàn bị ảnh hưởng nhiều mỗi khi mưa lớn, gần đây nhất là trận mưa trung tuần tháng 9 vừa qua. Hôm đó, các ngôi nhà, đường giao thông bị ngập sâu cả mét, cơ quan chức năng phải đưa xuồng cao su vào trường Tiểu học Trần Quốc Toản để đón các cháu học sinh ra khỏi nơi nguy cơ mất an toàn.

Một cán bộ địa chính phường Mông Dương xác nhận: Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân phường Mông Dương sống trong cảnh cứ mưa là ngập lụt; nhà cửa hư hỏng mà không được sửa chữa, nâng cấp có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Đáng nói, các hộ dân này đều ở vùng có kế hoạch di dời, nhưng do tiến độ đền bù, hỗ trợ di dời chậm, nên người dân vẫn phải chung sống với cảnh ngập lụt, mưa lũ.img

Hệ thống bãi thải mỏ của Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng trọc lốc, cao ngất ngưởng vây quanh thôn Khe Sím, nguy cơ đổ ụp xuống bất cứ lúc nào

Khai thác than gây ngập lụt?

Trải qua những đợt mưa lớn gây ngập lụt, TP Cẩm Phả đã rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục. Nguyên nhân ngập cục bộ được xác định là do trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hạ tầng chưa hoàn thiện, khi có mưa lớn khiến bùn đất trôi xuống làm thu hẹp, ách tắc dòng chảy; hệ thống thoát nước dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ…

Đặc biệt, TP Cẩm Phả là khu vực có số doanh nghiệp lớn với hàng chục đơn vị khai thác than hầm lò, lộ thiên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng). Với hàng chục năm khai thác lộ thiên, các đơn vị khai thác than trên địa bàn đã đắp lên những bãi thải mỏ khổng lồ lên tới khoảng 150 triệu m3 đất, đá/năm, ảnh hưởng đến người dân sinh sống phụ cận bãi các bãi thải.

Như tại thôn Khe Sím hay một số khu dân cư phường Mông Dương có các bãi thải lớn, nhiều bãi thải nằm ép sát khu dân cư. Mặc dù chân một số khu bãi thải đã được đắp đập, kè đá, trồng cây xanh, nhưng thực tế chỉ đảm bảo an toàn được với những trận mưa vừa và nhỏ. Nếu không sớm di dời dân, hoặc có biện pháp hạ thấp các bãi thải thì có thể hậu quả rất khó lường.img

Nhiều tuyến đường nội thị TP Cẩm Phả cứ mưa lớn là biến thành sông

Anh Phạm Quốc Toàn, thôn Khe Sím khoát tay chỉ vào những khối bãi thải khổng lồ, trơ trọi trên đồi cao, phía dưới là khu dân cư, lo lắng: "Giả sử có mưa lớn hơn, kéo dài hơn thì những bãi thải kia có đổ ập xuống khu dân cư không? Nếu không an toàn thì cho dân sớm di dời, hoặc chưa di dời được dân thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho bà con sinh sống dưới chân bãi thải chứ?"

Bà Nguyễn Thị Thư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Sím, xã Dương Huy, cho biết, hiện thôn còn tới 110 hộ trong vùng có nguy cơ ngập lụt. Nhiều người dân mong muốn sớm được hỗ trợ di chuyển đến nơi khác, nhưng đến nay, vẫn không có phương án gì.

img

Bãi thải ở trên đầu hàng ngàn hộ dân phường Mông Dương, TP Cẩm Phả khiến nhiều hộ dân sống trong cảnh "trứng để đầu đẳng"

Khi được hỏi tại sao ở thôn Khe Sím, xã Dương Huy và phường Mông Dương có hàng trăm hộ dân vẫn trong vùng nguy cơ ngập lụt, chính quyền địa phương không phối hợp giải quyết dứt điểm để đảm bảo an toàn cho người dân, ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cẩm Phả cho biết: Khi tổ chức di dời dân cư khu vực này, chính quyền đã tính toán di dời hết. Nhưng do một số hộ không đồng tình phương án hỗ trợ, đòi số tiền lớn hơn, nên cơ quan chức năng đành phải để lại do không có kinh phí.

"Cách đây không lâu, ngành than cũng đã ký kết với thành phố là sẽ tiếp tục triển khai việc di dời. Thế nhưng, mới đây, ngành than lại trả lời là không có nhu cầu sử dụng diện tích đất người dân đang sinh sống. Để di dời hơn 100 hộ dân này cần nguồn kinh phí lớn, chính quyền địa phương không có tiền, nên đành phải chờ chỉ đạo của cấp trên", ông Kính nói.

"Đối với khu vực phường Mông Dương, nhất là vùng do Công ty CP Than Mông Dương – Vinacomin khai thác hầm lò làm lún sụt và nguy cơ sợ lở do mưa, lũ, hiện nay tiến độ đền bù của doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn rất chậm, khiến người dân khó khăn trong sinh hoạt", ông Kính chia sẻ thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.