Doanh nghiệp

Bất an mua chung cư Tập đoàn Kinh Đô TCI

28/03/2018, 07:09

Hàng loạt dự án của Kinh Đô TCI Group tại Hà Nội đều bị khách hàng tố có nhiều sai phạm...

15

Cư dân Discovery 302 Cầu Giấy xuống đường phản đối chủ đầu tư vi phạm hợp đồng

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hàng loạt dự án của Kinh Đô TCI Group tại Hà Nội do ông Trần Đức Minh (còn gọi là Minh Lò Đúc) làm Chủ tịch HĐQT đều bị khách hàng tố có nhiều sai phạm, như: Kinh Đô Building 93 Lò Đúc; Discovery 8B Lê Trực, Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh và Discovery Complex 302 Cầu Giấy...

Kỳ 1: Cư dân tố hàng loạt sai phạm

Chậm bàn giao 2 năm, thay đổi thiết kế, tăng diện tích để thu thêm cả trăm tỷ đồng song lại phớt lờ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)... Đó là những sai phạm nghiêm trọng phổ biến tại các dự án chung cư của Kinh Đô TCI Group do ông Trần Đức Minh còn có biệt danh là “Minh Lò Đúc” làm chủ.

Tăng diện tích, bỏ túi thêm nhiều trăm tỷ đồng

Trong suốt những ngày qua, hàng trăm hộ dân Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy, Hà Nội đã “xuống đường” căng băng rôn với khẩu hiệu: “Phản đối chủ đầu tư dự án Discovery vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật”; “Đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp khẩn cấp bảo vệ quyền lợi khách hàng mua căn hộ 302 Cầu Giấy”…

"Sai phạm nổi bật của Dự án Discovery 302 Cầu Giấy chính là chậm tiến độ và sai thiết kế. Chiểu theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng… chủ đầu tư bị phạt lần lượt 250-300 triệu đồng và 30-40 triệu đồng”.

Luật sư Trương Anh Tuấn
Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau rất nhiều lần kiến nghị trực tiếp và gián tiếp đến chủ đầu tư là Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (công ty con của Kinh Đô TCI Group do ông Trần Đức Minh làm Chủ tịch HĐQT), không có hồi âm, cư dân của dự án trên đã 2 lần gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các sở ngành liên quan. Nội dung kiến nghị khẳng định: Thời gian bàn giao căn hộ chậm so với hợp đồng đã gần 2 năm song không có bất kỳ thông báo theo thỏa thuận, đồng thời không có phương án bồi thường thiệt hại cũng như chịu phạt. Đặc biệt, bức xúc nhất là chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế dự án cũng như từng căn hộ. Trong đó có những thay đổi nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của khách hàng như: Bỏ các tầng cây xanh; bỏ cầu nối hai tòa tháp A-B; thay đổi ban công căn hộ vuông thành vát, diện tích căn hộ tăng quá nhiều, có căn tăng tới 20m2 làm chi phí tăng mạnh…

Đại diện cư dân cho biết, diện tích tăng thêm đa phần rơi vào ban công và hành lang nên công năng sử dụng rất ít. Tính trung bình, mỗi sàn tăng thêm khoảng 200m2. Như vậy, với hơn 40 sàn, tổng diện tích tăng thêm của dự án lên tới hơn 8.000m2. Chỉ tính giá bình quân 30 triệu đồng/m2, chủ đầu tư đã thu về thêm khoảng 250 tỷ đồng. Cùng đó, chủ đầu tư tự ý chia các căn hộ to (180-200m2) thành các căn hộ nhỏ để dễ bán mà không trình được giấy phép cơ quan chức năng phê duyệt.

Gài bẫy khách hàng, chiếm dụng vốn?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Lê Quỳnh Anh, chủ căn hộ trên tầng 17 Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy cho biết:  Theo hợp đồng mua nhà, diện tích căn hộ ban đầu là 96,6m2 với giá 31 triệu đồng/m2. Tháng 9/2016, chị Quỳnh Anh đã hoàn tất thanh toán 80% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, tháng 2/2018, bỗng dưng chị nhận được thông báo nộp tiền đợt cuối với diện tích tăng thêm khoảng 14m2.  “Chúng tôi lo ngại nhất là những thay đổi thiết kế, diện tích đó ảnh hưởng tới chất lượng của công trình. Chưa kể, một số người đã được thông báo bàn giao căn hộ song tới nay dự án vẫn chưa được nghiệm thu PCCC... Thử hỏi với những dấu hiệu vi phạm trên, liệu chúng tôi có được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ) không?”, chị Quỳnh Anh lo lắng.

Chủ một căn hộ tầng 46 cũng được thông báo diện tích mua tăng thêm 15m2 bức xúc: “Tôi chọn tầng 46, dù giá tới 43 triệu đồng/m2 là vì được quảng cáo tầng kế trên trồng cây xanh. Thế nhưng giờ đây, chả thấy cây xanh đâu mà chỉ thấy dấu hiệu xây căn hộ.  Đã vậy, tôi còn phải trả thêm gần 700 triệu đồng cho phần diện tích tăng thêm, gần bằng một căn nhà ở xã hội. Đáng nói, căn hộ bị thay đổi thiết kế so với ban đầu, ban công từ vuông vắn thành xiên chéo”.

Trước sự phản ứng gay gắt của cư dân, mới đây chủ đầu tư đã ra thông báo đồng ý thực hiện phương án “hỗ trợ” chậm bàn giao song chỉ với trường hợp khách thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán theo quy định hợp đồng (thanh toán 95% tổng giá trị thực tế của hợp đồng mua bán trước khi bàn giao căn hộ). “Nếu chúng tôi chậm thanh toán sẽ chịu phạt theo quy định của hợp đồng. Còn chủ đầu tư chậm lại tuyên bố “hỗ trợ”, khác nào chiếm dụng vốn của khách hàng”, đại diện cư dân Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy nhận định.

“Sống trong sợ hãi” cháy nổ

Trước những dấu hiệu vi phạm trên, chiều 26/3, chia sẻ với PV Báo Giao thông, một số cư dân tại Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy cho biết đã thuê luật sư đại diện làm đơn khiếu nại, tố cáo chủ đầu tư tới cơ quan chức năng. “Trong trường hợp chúng tôi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán mà không được nghiệm thu PCCC, không được cấp sổ đỏ thì ai chịu trách nhiệm?”, đại diện cư dân cho biết.

Một hộ dân ở tầng 10 Tòa nhà Capital Garden (ngõ 102, phố Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tất cả chúng tôi đều đã thanh toán 100% hợp đồng hơn một năm nay song hiện vẫn chưa có sổ đỏ. Đáng nói, tòa nhà không đủ điều kiện nghiệm thu PCCC cũng có nghĩa tính mạng của hơn 400 hộ dân tại đây đang hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa. Trong khi chủ đầu tư chơi bài im lặng, không đưa ra phương án xử lý thì các cơ quan chức năng cũng không vào cuộc xử lý dứt điểm”.

Tương tự, Ban đại diện lâm thời Tòa nhà Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) cũng dự định làm đơn tố giác chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (công ty thành viên của Kinh Đô TCI Group). “Chủ đầu tư đã có nhiều dấu hiệu sai phạmnhư: Tòa nhà chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa dân vào ở từ tháng 12/2016; Vi phạm nghiêm trọng bản vẽ thiết kế 1/500 đã được các cơ quan chức năng phê duyệt về xây dựng; Tự ý thay đổi công năng 4 tầng so với thiết kế được phê duyệt thành các căn hộ để bán. Kết quả đã phát sinh hơn 100 căn hộ”, ban đại diện Capital Garden dẫn giải.

Mặc cho cư dân nhiều lần gửi đơn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng song những sai phạm vẫn tiếp tục diễn ra. Cụ thể, theo thiết kế được phê duyệt, tầng 1 là siêu thị nhưng chủ đầu tư đã cho dựng nhiều vách ngăn để làm văn phòng cho thuê, bịt kín các lối thoát hiểm làm cản trở công tác PCCC. Trước sai phạm này, UBND quận Đống Đa đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư khắc phục toàn bộ sai phạm trước ngày 20/11/2017. Tuy nhiên, tới nay chủ đầu tư vẫn để nguyên hiện trạng.

Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cũng xác nhận: Tòa nhà Capital Garden chưa được nghiệm thu PCCC do thi công không đúng thiết kế đã được thẩm duyệt, một số tầng trong tòa nhà được ngăn chia thay đổi công năng sử dụng so với thiết kế ban đầu; ngoài ra thiết kế của tòa nhà gây khó khăn cho phương tiện PCCC khi tiếp cận.

Để làm rõ các thông tin tranh chấp cũng như tố cáo của cư dân liên quan đến dự án của Kinh Đô TCI Group, PV Báo Giao thông đã liên hệ làm việc với ông Trần Đức Minh song đã bị từ chối với lý do “không nắm rõ vấn đề cụ thể”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.