Xã hội

Bất an ngầm tràn bằng rọ đá, đường nát như ruộng cày ở xã nông thôn mới

17/09/2022, 07:00
image

Cầu tre qua suối cũ kỹ, ngầm tràn làm bằng rọ đá và đường đất nhão nhoẹt là lối vào thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập" khi trời đổ mưa

Nằm cách tuyến đường liên xã Đông Ngũ – Đại Dực của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) một quả đồi là điểm dân cư có tên khá lạ Mả Phềnh, thuộc thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ.

Xã Đông Ngũ về đích nông thôn mới năm 2017, nông thôn mới nâng cao năm 2019 và năm 2020 đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng đường vào khu dân cư Mả Phềnh hiện vẫn là tuyến đường đất lầy lội như ruộng cày với chiếc ngầm tràn làm bằng rọ đá xếp lại và chiếc cầu tre tạm bợ qua suối.

img

Đường đất nhão nhoẹt ở xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh)

Thực trạng ấy khiến cho hơn 70 người Dao ở Mả Phềnh gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông và mỗi khi trời mưa thì nơi này lại rơi vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Đứng ở triền đồi chỉ vào dòng suối nước dâng đầy chảy cuồn cuộn qua chiếc ngầm tràn, anh Vòng Phòng Sinh (nhà ở Mả Phềnh) than thở: Người dân đi làm, đi học hay có việc ra trung tâm xã đều phải qua con suối Mả Phềnh chảy xiết vào mùa mưa như thế này.

img

Dòng suối Mả Phềnh lúc lũ dâng cao đã trôi mất cầu gỗ và ngầm tràn làm bằng rọ đá

Ở Mả Phềnh hiện có 23 học sinh, gồm 5 học sinh mầm non, 15 học sinh tiểu học, 3 học sinh THCS đang học tại điểm trường bên kia suối. Mỗi khi mưa lớn đổ về bất chợt là phụ huynh dù đang ở cánh đồng hay trên rừng đốn gỗ cũng phải chạy vội tới trường xin cho con nghỉ học còn kịp về nhà.

"Nhiều hôm lũ về đột ngột lại kéo dài, bọn trẻ đứng bên kia suối khóc réo gọi bố mẹ đến khản cả cổ mà bố mẹ cũng chẳng có cách nào vượt qua được dòng nước lũ đang chảy xiết để đón về, nên có lúc bọn trẻ phải vào nhà họ hàng để ăn nhờ, ngủ đậu", anh Sinh kể.

>>> Clip: Cận cảnh ngầm tràn qua suối Mả Phềnh vừa bị cuốn trôi:

img

Chiếc cầu tre tạm bợ chỉ giúp người dân ở Mả Phềnh qua suối lúc nước cạn

Vậy nên, chuyện lũ trẻ nghỉ học vì mưa lũ, nước dâng là chuyện bình thường ở Mả Phềnh, nhưng lo nhất nhà nào có người bệnh nặng hay phụ nữ trở dạ khó sinh mà gặp hôm lũ lớn. Đã có lần, người dân Mả Phềnh phải làm bè đưa người bệnh vượt lũ đưa đi cấp cứu.

img

Người dân Mả Phềnh chỉ vào ngấn nước lũ hôm 25/8 vừa qua

Sau bao năm kiến nghị, ngầm tràn sang khu Mả Phềnh được làm trong năm 2020 có tổng chiều dài 65m. Kết cấu ngầm tràn bằng rọ đá, cầu tràn bằng gỗ nối 2 điểm Mả Phềnh với đường liên xã Đông Ngũ – Đại Dực để phục vụ trẻ nhỏ đi học và người dân trong thôn qua lại canh tác nông – lâm nghiệp và sinh hoạt.

Thế nhưng, niềm vui của bà con nơi đây chưa được bao lâu thì do ít kinh phí lại được thiết kế khá sơ sài, nên trong trận bão số 3 ngày 25/8 vừa qua, lũ từ thượng nguồn đổ về rất mạnh đã cuốn trôi cầu gỗ và làm biến dạng ngầm tràn bằng rọ đá…

img

Ngầm tràn qua suối Mả Phềnh bị bồi lắng và biến dạng sau trận lũ lớn hồi cuối tháng 8 vừa qua

Ngay sau khi lũ rút đi, lo sợ không an toàn cho người dân, nhất là học sinh vừa bước vào năm học mới, chính quyền địa phương đã khảo sát và triển khai phương án đảm bảo ATGT cho người dân.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, nên chính quyền chỉ tạm thời gia cố rọ sắt ngầm tràn, xúc dọn đống đá mồ côi nằm ngổn ngang trên mặt suối và bắc tạm bằng mấy cây tre nhỏ để người dân qua lại.

img

Chiếc cầu tre được bắc tạm bợ trên dòng nước chảy xiết khá nguy hiểm

Đường nát như ruộng cày

Không chỉ bất an đi qua ngầm tràn rọ đá và cầu tre lắc lẻo, 15 hộ dân tại Mả Phềnh bao năm nay vẫn phải lưu thông trên tuyến đường đất nát như ruộng mạ.

img

Tuyến đường vào điểm dân cư Mả Phềnh ngập ngụa bùn, đất

Qua quan sát, tuyến đường bị cày xới thành những rãnh sâu bởi lốp xe tải vận chuyển gỗ và vật liệu xây dựng qua lại. Hai bên đường, thỉnh thoảng lại có đống gỗ ngắn chừng vài chục phân vứt ngổn ngang.

Một người dân cho biết: "Các khúc gỗ đó là do các tài xế xe tải vào thu mua gỗ của bà con chuẩn bị sẵn để kê kích lốp xe khi bị thụt sâu dưới bùn".

>>> Clip: Cận cảnh "con đường đau khổ" ở điểm dân cư Mả Phềnh:

img

Đống gỗ các tài xế xe tải chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ khi xe bị sa lầy

Vào thăm gia đình anh Lý Văn Làm ở giữa khu dân cư Mả Phềnh, PV phải vượt qua con đường cỏ mọc um tùm, toàn bùn đất do vết xe tải chở vật liệu cày xới.

Anh Làm cho hay: Cả thôn có 20 ha đất cấy lúa, hơn 60ha trồng gỗ keo. Đồng đất ở khu vực này rất màu mỡ, nên canh tác rất thuận lợi. Chỉ có điều, do đường vào xấu quá, nên giá bán gỗ keo ở nơi khác thì được 80-90 triệu/ha còn ở đây cao lắm thì được 60 triệu/ha.

"Bà con xây nhà, xây cửa muốn mua vật liệu cũng đắt hơn bên kia quả đồi vài giá, nếu không mua thì cũng chẳng ai vác bộ xi măng, gạch ngói từ đường liên xã vào đây được", anh Làm kể.

img

Người dân Mả Phềnh tận dụng mặt đường làm kênh lấy nước vào ruộng lúa

Mẹ anh Làm là bà Trạc Tài Múi năm nay 90 tuổi cho hay, gia đình bà về đây đã hơn 30 năm nay. Suốt 30 năm qua, con đường trong điểm dân cư Mả Phềnh dài chừng 2 km vẫn là đường đất.

img

Đường vào nhà anh Lý Văn Làm cũng cỏ mọc um tùm, bùn, đất lầy lội

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Dũng, cán bộ địa chính - xây dựng xã Đông Ngũ cho biết: Hiện chính quyền đã báo cấp có thẩm quyền để xin kinh phí làm cầu qua suối Mả Phềnh, dự kiến khoản 2-3 tỷ đồng. Bao giờ cấp có thẩm quyền phê duyệt thì triển khai ngay.

img

Để vào Mả Phềnh, các xe tải đều phải "bơi" qua dòng suối sâu, gập ghềnh sỏi, đá, nên giá thu mua lâm sản ở đây đều rẻ hơn với bên ngoài

"Điểm dân cư này ít dân mà kinh tế bà con lại rất eo hẹp, nên rất khó huy động đóng góp theo mô hình "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Còn dùng ngân sách Nhà nước thì phải đợi thêm", ông Trần Văn Dũng cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.