Xã hội

Bất cập giá dịch vụ “tài bo” cửa khẩu Móng Cái

18/02/2022, 14:08

Sau khi Báo Giao thông vào cuộc điều tra, phản ánh, đến nay mức giá thu giá dịch vụ “tài bo” ở cửa khẩu Móng Cái mới đang được xem xét lại.

Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Móng Cái cho phép thu giá dịch vụ “tài bo” (lái xe chuyên trách tại cửa khẩu) cao ngất ngưởng.

Sau khi Báo Giao thông vào cuộc điều tra, phản ánh, đến nay mức giá này mới đang được xem xét lại.

img

“Tài bo” điều khiển xe xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Bắc Luận 2, Móng Cái, Quảng Ninh

Mức thu cao nhất 3 triệu/ngày/chuyến

“Tài bo” là cách gọi lực lượng lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu. Những người này được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ bãi thông quan đến cột mốc giao cho lái xe Trung Quốc.

Họ có thể là lao động tự do, là người địa phương được các ban quản lý cửa khẩu tuyển dụng, cấp thẻ lái xe.

Tuy nhiên, hoạt động của các “tài bo” phụ thuộc hoàn toàn vào các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) tại cửa khẩu.

Họ có được thuê chở hàng hay không, trả công bao nhiêu, tùy thuộc vào các “nhà luật”. Chỉ “nhà luật” mới biết được các xe nào đi/về cửa khẩu, khi nào chuẩn bị được thông quan.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, nhiều “tài bo” tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, (Quảng Ninh) cho biết, hiện mức giá dịch vụ “tài bo” ở đây đang rất cao, được thu theo ngày.

Tuy nhiên, đây không phải là mức giá do các “nhà luật” tự ý đưa ra mà đã được Sở Tài chính và UBND TP Móng Cái cho phép thực hiện.

Cụ thể, tại văn bản ngày 24/4/2020 của UBND TP Móng Cái về việc quản lý giá dịch vụ lái xe trung chuyển hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn, cho phép mức giá dịch vụ “tài bo” tại cầu phao tạm là 2,5 triệu đồng/ngày/chuyến hàng.

Các ngày kế tiếp được nhận thêm 1 triệu đồng/ngày. Trường hợp đã nhận xe mà trong ngày xe chưa được thông quan sang Trung Quốc, mức giá là 1 triệu đồng/ngày.

Mức giá trên tại cửa khẩu Bắc Luân 2 là 3 triệu đồng/ngày/chuyến hàng, các ngày kế tiếp thì được nhận 1,5 triệu đồng/ngày.

Trường hợp đã nhận xe mà trong ngày xe chưa được thông quan sang Trung Quốc thì mức giá là 1 triệu đồng/ngày.

UBND TP Móng Cái cũng quy định, mức giá trên là tối đa, làm cơ sở thỏa thuận, thanh toán, nghiêm cấm việc tự ý nâng giá. Trường hợp vi phạm sẽ bị Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái hủy bỏ thẻ lái xe.

Cũng tại văn bản trên, UBND TP Móng Cái khẳng định: “Mức giá được đưa ra trên cơ sở hiệp thương về giá dịch vụ “tài bo” qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái ngày 14/4/2020.

Quy định này đã được Sở Tài chính Quảng Ninh phê duyệt tại văn bản ngày 22/4/2020 về việc giá dịch vụ điều khiển xe giao nhận hàng hóa qua cửa khẩu Bắc Luân 2 và lối mở Km 3+4 Hải Yến qua cầu phao tạm trên sông Ka Long trong thời gian dịch Covid-19”.

“Tài bo” chỉ nhận được một phần từ “nhà luật”

Nhiều “tài bo” tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: Tuy mức giá quy định như trên nhưng nhiều thời điểm giá dịch vụ này còn vượt khung lên 4 triệu đồng/ngày.

Trên thực tế, việc điều động và quy định giá “tài bo” tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái hiện nay đều do “nhà luật” với danh nghĩa là doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu nắm giữ, điều hành.

Tuy mức giá “nhà luật” đưa ra luôn là kịch khung, cao hơn quy định trên nhưng thực tế các “tài bo” chỉ nhận được 1 phần từ “nhà luật”.

Trong số những khoản “nhà luật” yêu cầu lái xe, đơn vị vận tải chở hàng xuất khẩu qua biên giới phải thanh toán, có một khoản gọi là tiền “tài bo”.
Theo điều tra của Báo Giao thông, thời điểm trước Tết Nhâm Dần, khi xảy ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, khoản này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nếu các tài xế, nhà xe không chi tiền sẽ bị giữ xe, giữ giấy tờ. Đây là khoản thu khiến các tài xế, chủ xe cực kỳ bức xúc.


Hiện nay, lượng hàng thông quan ít, số lượng lái xe lại quá đông nên giá “tài bo” tại Móng Cái đã giảm nhưng các nhà luật vẫn thu ở mức từ 2 - 2,5 triệu đồng/xe/ngày, giá lưu ca là 1 triệu đồng/xe/ngày.

Thực tế, các “tài bo” chỉ được nhận một nửa số tiền trên từ “nhà luật”.

Các “tài bo” cũng thông tin, cách đây hơn 1 tháng, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái có thông báo: Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái quy định mỗi chuyến hàng chỉ được thu 600.000 đồng.

Tuy nhiên, thực tế chẳng ai thực hiện theo quy định này vì hiện mỗi chuyến đều phải “xếp lốt”, “ôm xe” vài ngày nên mức quy định trên sẽ không đủ chi phí, thu nhập nên không ai thực hiện.

“Mỗi ngày tại Móng Cái chỉ có khoảng 100 xe xuất, nhập khẩu nhưng có đến 600 “tài bo” hoạt động. Ai “quan hệ” tốt thì vài ba ngày sẽ được nhận 1 chuyến hàng, từ trước Tết Nguyên đán đến nay nhiều người vẫn chơi dài nên mức thu trên tuy cao nhưng nhiều lái xe vẫn bị ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống”, anh Tr.V.T. “tài bo” tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái nói.

Cũng theo các “tài bo”, tuy chưa phải ăn, nghỉ tập trung tại cửa khẩu, nhưng mức chi phí “cứng” họ phải chi luôn là rất cao khi hàng tháng phải đổi thẻ lái xe.

Hàng tuần đều được Ban Quản lý cửa khẩu yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với giá 900.000 đồng/người. Từ ngày 22/10/2021 đến nay thì giá này đã giảm xuống còn 360 nghìn đồng/người/lần xét nghiệm.

Đây là mức giá cao hơn nhiều so với quy định hiện hành nhưng các lái xe vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

“Ngày 16/2, chúng tôi được Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái thông báo phía Trung Quốc yêu cầu “tài bo” phải ăn nghỉ tập trung, xét nghiệm với tần xuất 48h/lần, chắc chắn chi phí xét nghiệm, ăn nghỉ sẽ đội lên nhiều lần”,“tài bo” N.V.T, nói.

Bãi bỏ quy định để hiệp thương lại giá

Lãnh đạo Ban Quản lý cửa khẩu Móng Cái khẳng định, quy định tại văn bản ngày 24/4/2020 là quy định cũ, UBND TP Móng Cái đã có quy định mỗi chuyến xe không được thu quá 600 nghìn đồng/chuyến xe xuất, nhập khẩu.

Trước thông tin phản ánh của Báo Giao thông, ngày 16/2, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái và Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Đông Hưng, Quảng Đông, Trung Quốc đã tiến hành hội đàm, thống nhất: Cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức quản lý tập trung đối với đội ngũ lái xe chuyên trách tại 2 bên cửa khẩu.

Cụ thể, cả 2 bên biên giới đều phải xây dựng phương án quản lý “tài bo” tập trung, thống nhất phương án ăn, nghỉ, sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ tập trung, bảo đảm vùng xanh, an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dự kiến, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tổ chức hiệp thương giữa các lực lượng chức năng, đơn vị có hoạt động xuất, nhập khẩu và “tài bo” tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái để đưa ra phương án quản lý, mức giá dịch vụ “tài bo” phù hợp nhất tại cửa khẩu.

“UBND TP đang yều cầu Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái tổ chức đăng ký, lập danh sách để quản lý toàn diện đội ngũ “tài bo” tại cửa khẩu. Tuy nhiên, chủ trương này đang bị các “nhà luật” phản đối, chúng tôi sẽ yêu cầu tổ chức hiệp thương để tìm tiếng nói chung”, lãnh đạo UBND TP Móng Cái khẳng định.

Vừa qua, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra về việc mua bán “lốt xe”, ép tài xế, chủ xe nộp tiền “đóng luật” tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn lập tức vào cuộc, chỉ đạo Công an tỉnh này điều tra. Đến nay, đã có 6 bị can, trong đó có 1 cán bộ hải quan tỉnh Lạng Sơn, 2 cán bộ Đội Quản lý trật tự huyện Cao Lộc bị khởi tố vì đưa, nhận hối lộ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã giải thể đội ngũ “tài bo” tại cửa khẩu Tân Thanh để giao cho doanh nghiệp quản lý, điều hành.

Riêng tại Quảng Ninh, đến nay cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.