Kinh tế

Bất cập pháp lý “gây khó” ngành dầu khí

29/11/2018, 07:15

Theo chuyên gia, hoạt động dầu khí đang bị “trói buộc” bởi nhiều quy định pháp lý đã lỗi thời không còn phù hợp...

14

Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực nay đang suy giảm, đòi hỏi đầu tư thêm các giải pháp công nghệ tận thu hồi - Ảnh: Trần Hải

Nhiều quy định đã lỗi thời

Mới đây, tại hội thảo Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước, khi nhắc tới thực trạng hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đặt vấn đề: “Tốc độ suy giảm sản lượng dầu trong những năm gần đây, nhu cầu phải nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để cân đối tiêu thụ sau năm 2020 gây tâm lý về sự cạn kiệt trữ lượng dầu khí của Việt Nam, hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN, làm xói mòn lòng tin, gây tâm lý không còn xem “dầu khí” như động lực quan trọng phát triển đất nước cần được quan tâm như trước đây”.

Theo ông San, trong bối cảnh biến động giá dầu và bất ổn an ninh biển Đông hiện nay, những điều khoản ưu đãi của Luật Dầu khí sửa đổi 2008 không còn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Do thiếu vốn thăm dò nên xảy ra mất cân đối trầm trọng giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”.

“Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho PVN, sau 20-30 năm khai thác nay đang suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ tận thu hồi dầu, khoan bổ sung để tận khai thác. Các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn và các thủ tục đầu tư. Trong khi đó, Luật Dầu khí và các điều khoản trong Hợp đồng (mẫu) phân chia sản phẩm không còn phù hợp và không khuyến khích đầu tư vào các mỏ nhỏ và mỏ cận biên kinh tế, các mỏ đang ở thời kỳ khai thác tận thu hồi”, ông San phân tích.

Theo ông San, việc thực thi các hợp đồng dầu khí nước ngoài bị chi phối bởi 3 bộ: Tài chính, KH&ĐT, Công thương với các Luật Đầu tư, Đầu tư công, Đầu tư xây dựng cơ bản, Quản lý vốn Nhà nước và Nghị định đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí, nên quy trình rắc rối, khó thực hiện, kéo dài, gây nguy cơ về pháp lý cho người thực hiện.

“Do đặc thù của hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí là sự rủi ro cao do những bất cập về tiềm năng của lòng đất, an ninh địa chính trị, biến động giá dầu, vì thế không thể điều tiết bởi Luật Đầu tư xây dựng cơ bản như hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng không phù hợp, tạo bất cập về các quy định không rõ ràng trong “đấu thầu trong nước” và “đấu thầu quốc tế”, về công tác thiết kế như các quy định về năng lực, về tổ chức tư vấn thiết kế, về đơn giá trong các công trình đấu thầu quốc tế, về triển khai dự án…”.

Cần sớm sửa bổ sung Luật Dầu khí

Theo các chuyên gia, những tập đoàn kinh tế mũi nhọn có tính đặc thù cần phải thiết kế riêng khung pháp lý cho hoạt động đặc thù bao trùm toàn bộ chuỗi công nghệ cốt lõi để các tập đoàn này có thể tích tụ vốn thực sự, phát triển đa ngành và đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và có tính tự chủ cao. Đối với ngành dầu khí cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước kích thích đầu tư nước ngoài tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vùng khó khăn nước sâu, xa bờ.

Trong khi chờ sửa bổ sung Luật Dầu khí, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm ban hành “Quy định tạm thời” mang tính pháp quy bổ sung quy định về phân cấp và xét duyệt trữ lượng nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu/khí vào khai thác sớm, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt, có cơ chế ưu đãi về tài chính, thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước (PVEP) nhằm kích thích phát triển các mỏ nhỏ, cận biên kinh tế, đầu tư khoa học công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu.

Tương tự, trong Luật Đấu thầu có nhiều điều khoản không phù hợp với đặc thù ngành dầu khí cần điều chỉnh bổ sung để phát huy nội lực các dịch vụ chuyên ngành trong nước, tạo sức cạnh tranh. “Cần xây dựng quy hoạch tổng thể về công nghiệp khí bao gồm cả LNG, trong đó có chính sách giá khí hợp lý, có lợi nhuận hài hòa đủ kích thích người đầu tư khai thác, hộ tiêu thụ và quyền lợi của Chính phủ, có lưu ý đến lĩnh vực cần ưu đãi, kích thích đầu tư phát triển, đặc biệt đối với lĩnh vực hóa dầu tạo giá trị gia tăng từ chế biến sâu”, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.