Điện ảnh

Bất chấp Covid-19, phim truyền hình Hàn Quốc vẫn xưng vương châu Á

27/07/2021, 06:49

Bất chấp sự hỗn loạn từ dịch Covid-19 trong hơn 1 năm qua, phim truyền hình Hàn Quốc vẫn liên tục “xưng vương xưng bá” trên màn ảnh nhỏ.

Hallyu hay “Làn sóng Hàn Quốc” không còn là từ khóa xa lạ khi nhắc đến sức ảnh hưởng của phim truyền hình Hàn Quốc. Bất chấp sự hỗn loạn từ dịch Covid-19 trong hơn 1 năm qua, phim truyền hình Hàn Quốc vẫn liên tục “xưng vương xưng bá” trên màn ảnh nhỏ.

img

“Cuộc chiến thượng lưu” liên tục đạt rating cao dù đã kéo dài đến phần thứ 3

Thị trường “miễn nhiễm” Covid-19

Theo thống kê của Ranker được công bố vào giữa tháng 7, tác phẩm “Hạ cánh nơi anh” đứng số 1 trong cuộc bình chọn những phim truyền hình Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại. Phim ra mắt từ cuối năm 2019 tạo nên cơn sốt toàn châu Á, đồng thời lập kỷ lục là phim truyền hình Hàn Quốc có lượt xem trực tuyến nhiều nhất.

Sau loạt phim đình đám năm 2020, nửa đầu năm 2021 tiếp tục chứng kiến sự sôi động của truyền hình Hàn Quốc với khoảng trên 20 bộ phim được lên sóng.

Có thể kể đến hàng loạt siêu phẩm như: “Mr. Queen” (tvN, rating 17.371%), Vincenzo (tvN, rating 14.636%), “Taxi Driver” (SBS, rating 16.0%)… Đây là những bộ phim đã gây sốt trên mạng xã hội Việt Nam suốt 6 tháng đầu năm 2021. Thậm chí, nhiều câu nói của các nhân vật chính, nội dung tạo ra trào lưu trong giới trẻ và có hiệu ứng lan truyền cao trên các mạng xã hội.

Riêng “Cuộc chiến thượng lưu” dài tới 3 phần nhưng sức hút chưa bao giờ giảm nhiệt. Thậm chí, các phần sau còn liên tiếp xô đổ kỷ lục tỷ suất người xem của phần đầu.

Điển hình, tập mở màn ghi nhận mốc rating ấn tượng, phá tan kỷ lục của hai mùa trước với con số lên tới 18,6% (so với tập 1 phần 2 là 17,9% và tập 1 phần 1 là 8,3%). Ngay từ khi mở màn, phim cũng trở thành chương trình được xem nhiều nhất trên tất cả các đài tại Hàn Quốc vào tối 4/6. Hiện phim đang giữ mức rating lý tưởng là 19.5%.

Khi cả thế giới chìm trong khủng hoảng từ dịch Covid-19, giới làm phim Hàn Quốc vẫn bất chấp vượt khó, mang lại những thước phim chân thực, đẹp mắt. Đơn cử như “Vincenzo”.

Được biết, phim lấy bối cảnh ở Italy và Hàn Quốc. Do Covid-19, đoàn phim không thể ra nước ngoài ghi hình. Ít ai biết rằng, chỉ với một chiếc phông xanh và công nghệ CGI, tác phẩm có sự tham gia của tài tử Song Joong Ki đã tái hiện một Italy sắc nét, mãn nhãn trên màn ảnh nhỏ.

Trên Korea Times, Yoon Suk Jin - Giáo sư Ngôn ngữ và Văn học Đại học Quốc gia Chungnam thừa nhận rằng, các tác phẩm truyền hình Hàn Quốc đã có bước tiến lớn trong một thập kỷ qua.

“Trước đây, tác phẩm truyền hình thường không được xem trọng như phim điện ảnh. Nhưng giờ đây, phim truyền hình Hàn Quốc được xem như tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, ngang hàng với phim điện ảnh. Hiện nay, khán giả thưởng thức những câu chuyện đa dạng với chất lượng cao hơn. Điều đó góp phần thúc đẩy thị trường phát triển”, Giáo sư Yoon Suk Jin nhận định.

Nhiều yếu tố cho công thức “tạo hit”

img

Trong suốt thời gian lên sóng “Mr Queen” gần như luôn duy trì ở mức 2 con số, cao nhất lên đến 17,3% toàn quốc, 18,5% ở Seoul cho tập cuối

Thực tế, không phải ngẫu nhiên phim truyền hình Hàn Quốc dễ dàng “làm mưa làm gió” ở thị trường châu Á. Tất cả là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trong đó nội dung, diễn viên và chiến lược truyền thông là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh.

Kim Min Young, Phó chủ tịch phụ trách nội dung của Netflix tại Hàn Quốc, Đông Nam Á, Australia và New Zealand, khẳng định nội dung của phim Hàn Quốc được chú ý bởi sự chỉn chu trong từng chi tiết.

“Tôi nghĩ thế mạnh lớn nhất của phim Hàn Quốc là đặc tả cảm xúc nhân vật chi tiết. Điều này giúp khán giả dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu nội dung của bộ phim”, cô nói trong sự kiện See What’s Next Korea 2021.

Không chỉ quan tâm đến đường dây kịch bản, các nhà làm phim Hàn Quốc còn rất chịu chi cho công tác sản xuất. South China Morning Post cho biết, cách đây khoảng 2 thập kỷ, Hàn Quốc chỉ có ba đài truyền hình lớn là KBS, SBS và MBC dám mạnh tay chi khoảng 36,5 triệu won mỗi tập.

Đến nay, con số này đã tạo “một bước nhảy vọt đáng kinh ngạc” với 700 triệu won cho mỗi tập. Con số này còn chưa kể đến các chi phí phát sinh khác, bao gồm cho việc phát hành trực tuyến.

Có thể kể đến một số tác phẩm có kinh phí hàng chục tỷ won như: “Arthdal Chronicles” (2019) 54 tỷ won, “Quý ngài ánh dương” (2018) 40 tỷ won, “Kingdom” (2019) 35 tỷ won, “Hạ cánh nơi anh” (2020) 20 tỷ won, “Vincenzo” (2021) 20 tỷ won…

“Ngân sách sản xuất chi nhiều hơn để mời các ngôi sao lớn. Bản thân nhà sản xuất cũng tham vọng hơn khi dám thực hiện những cảnh quay ở nước ngoài, kết hợp với việc mở rộng quy mô phát hành trên tầm quốc tế”, South China Morning Post phân tích.

Phim Hàn thừa thắng xông lên giữa đại dịch không thể không kể đến công lao của “ông trùm trực tuyến” Netflix. Theo WSJ, Netflix sẽ đầu tư 500 triệu USD trong năm nay cho phim truyền hình Hàn Quốc. Từ năm 2015 - 2020, Netflix đã chi khoảng 700 triệu USD cho nội dung và sản xuất 80 tác phẩm truyền hình Hàn Quốc.

Lee Hyo Young - người từng làm việc tại Đài KBS và hiện là cố vấn đánh giá tại Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) khẳng định với Manila Bulletin rằng, khi nền tảng OTT phát triển mạnh mẽ đã tạo bước đà cho điện ảnh xứ kim chi lên ngôi.

“Các nền tảng OTT toàn cầu như Netflix cùng với doanh nghiệp trong nước như TVing và Wavve, cũng đầu tư rất nhiều vào việc sản xuất phim truyền hình, tạo thành một môi trường cạnh tranh sôi động. Khi các kênh OTT toàn cầu như Netflix và Disney Plus tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu để thu hút nhiều thành viên trả phí hơn, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc chất lượng cao dự kiến ​​sẽ được đưa ra toàn thế giới. Bởi, họ đang cố gắng thu hút người hâm mộ K-drama không chỉ ở châu Á mà còn còn ở châu Mỹ và châu Âu”, ông Lee Hyo Young nói thêm.

Theo Hollywood Reporter, đầu năm 2021, Netflix thuê dài hạn hai cơ sở trường quay: YCDSMC - Studio 139 (với 6 phim trường, không gian hỗ trợ khoảng 9.000m2) và Samsung Studio (có 3 phim trường trên diện tích 7.000m2) tại Seoul để phục vụ riêng cho hoạt động sản xuất tại địa phương.

Amy Reinhard, Phó chủ tịch Studio Operations khẳng định: “Với những cơ sở mới này, Netflix có điều kiện tốt hơn để sản xuất những phim chất lượng từ Hàn Quốc, đồng thời cung cấp vô số công việc liên quan đến phim ảnh cho cộng đồng sáng tạo của Hàn Quốc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.