Đời sống

Bất chấp rủi ro, người dân vẫn mua nhà đất tại khu dân cư tự phát ở Cần Thơ

03/08/2022, 21:46

Những người thu nhập thấp đã không thể mua nổi nhà đất “chính quy” nên buộc lòng phải tìm đến những khu dân cư tự phát…

Nỗi khổ nhà ở

Vợ chồng chị N. (quê ở Hậu Giang) lên Cần Thơ đi làm thuê đã gần 10 năm nay. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Nhờ chăm chỉ và biết tích cóp, anh chị để dành được một số tiền nhỏ, dự định sẽ mua nhà ổn định chỗ ở.

img

Cơ quan chức năng treo biển cảnh báo về các khu dân cư tự phát trên địa bàn quận Bình Thủy.

Tuy nhiên, vào năm 2019, sau khi hỏi khắp quận Ninh Kiều, vợ chồng chị lắc đầu ngao ngán vì chỗ nào cũng ra giá bạc tỷ.

Sau đó, được người quen “chỉ điểm”, vợ chồng chị tìm đến một khu dân cư tự phát ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Mỗi nền đất nông nghiệp có giá 300 triệu đồng, anh chị bỏ ra thêm khoảng 100 triệu nữa để cất nhà, vị chi khoảng 400 triệu.

“Vợ chồng tôi biết đây là đất nông nghiệp, không thể xin phép xây dựng nhưng hết cách đành phải làm liều vì với số tiền ít ỏi dành dụm cả chục năm trời vẫn không tài nào mua nổi miếng đất ở nội ô”.

Tương tự, gia đình anh P. với 4 người (quê ở Vĩnh Long) sang Cần Thơ làm công nhân ở khu công nghiệp Trà Nóc. Ban đầu, anh cố gắng đợi các dự án nhà ở xã hội triển khai để đăng ký mua với hy vọng có được chỗ ở ổn định.

Tuy nhiên, người cần mua nhà ở xã hội lên đến hàng chục ngàn trong khi chỉ có vài trăm căn hộ được mở bán, lại không tới lượt mình... Hết cách, anh P. cũng đánh liều đi mua nhà nằm trong khu dân cư tự phát (đất CLN - trồng cây lâu năm) ở quận Bình Thủy với diện tích gần 65m2, giá 175 triệu đồng.

“Sau đó, đất của tôi được sang tên đổi chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đàng hoàng, nhưng do là đất CLN nên không thể xây dựng.

Vừa qua, khi đang cất nhà thì người của phường đến nói không được xây, vì khu này đất chưa lên thổ cư.

Họ lập biên bản vi phạm rồi ra về. Từ đó đến nay dù không có cưỡng chế tháo dỡ nhưng nhà tôi bị ngăn chặn, không cho đấu nối vào điện nước”.

img

Lối vào một khu dân cư tự phát ở quận Ninh Kiều.

Khó quá mua liều

Vì sao biết rằng xây dựng nhà trong khu dân cư tự phát là vi phạm pháp luật, nhưng rất nhiều người dân vẫn tìm mua?

Trả lời câu hỏi này, anh Tr. (một người dân có nhà trong khu dân cư tự phát) nói: "Hiện nay, vẫn còn một lượng lớn người dân có thu nhập thấp, người nghèo có nhu cầu bức xúc về nhà ở.

Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội chỉ nhỏ giọt và nếu có triển khai cũng khó tới lượt mua".

Từ nhu cầu bức thiết đó, nên nhiều người đã đánh liều đi mua nhà đất ở các khu dân cư tự phát.

“Bây giờ cứ vào các khu dân cư tự phát sẽ thấy, mỗi hộ đều có người sinh sống ổn định. Bởi trên thực tế, nhu cầu về nhà ở của họ là có thật. Và họ mua nhà là để ở thật, nhưng lại không được pháp luật nhìn nhận.

Còn tại những dự án nhà ở xã hội có được mấy người nghèo vào ở? Tui thấy họ mua suất rồi sang bán lại đầy trên mạng. Chuyện đó giờ thường tình mà bất cứ ai cũng thấy”, anh Tr. chua chát.

Theo ghi nhận của PV, nhiều năm qua, thị trường bất động sản ở Cần Thơ đang trở nên “nóng”, khi giá nhà đất tại các quận trung tâm liên tục tăng cao.

Do không có tiền để mua nhà ở các khu trung tâm, “chính quy”, nên người dân đổ xô mua đất, xây nhà ở các vùng ven. Từ nhu cầu này, các khu dân cư tự phát cũng bắt đầu hình thành.

Có hai trường hợp. Thứ nhất là những người biết nơi đó là khu dân cư tự phát, nhưng vẫn đánh liều để mua, và cầu mong vào một giải pháp “cứu xét” từ cơ quan chức năng.

Trường hợp thứ hai là những người dân do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật nên bị lừa đảo.

Như tại quận Ninh Kiều, rất nhiều hộ dân đã mua đất từ Công ty CP Nhà đất Mekong (phường An Bình). Ban đầu công ty này hứa hẹn đây là “đất sạch”, được lên thổ cư 100%. Nhưng sau đó người dân tá hỏa vì biết đây là khu dân cư tự phát.

Đến nay, toàn bộ khu đất này sẽ bị thu hồi để làm dự án khu tái định cư Ninh Kiều. Chính quyền đang gặp khó khăn trong việc vận động người dân thu hồi đất. Còn người dân thì cầu cứu khắp nơi vì đã mua nhầm “đất ảo”.

Trước tình trạng các khu dân cư tự phát xé nát quy hoạch đô thị, từ năm 2018 đến nay, TP Cần Thơ đã xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ.

Như tại quận Bình Thủy, đã có 13 cán bộ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật, trong đó Trưởng phòng TN&MT bị kỷ luật với hình thức giáng chức; 4 trường hợp bị cảnh cáo; 1 trường hợp bị khiển trách và 7 trường hợp bị hạ bậc lương… Đặc biệt, nhiều cán bộ đã bị bắt, truy tố.

Mới đây, Thanh tra TP Cần Thơ đã tiến hành thanh tra, qua đó, phát hiện hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực đất đai tại quận Ninh Kiều.

Cụ thể, trong năm 2018, UBND quận Ninh Kiều đã tiến hành cuộc thanh tra về sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu cương quyết, không triệt để.

Từ đó, dẫn đến năm 2018, trên địa bàn phường An Bình, quận Ninh Kiều đã hình thành 4 khu dân cư tự phát với diện tích san lấp trái quy định 10.300 m2, được phân ra 145 lô nền.

Hiện Công an TP Cần Thơ đang tiến hành điều tra làm rõ và xử lý theo quy định đối với hành vi thiếu trách nhiệm có dấu hiệu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định.

UBND TP Cần Thơ cho biết, theo đề xuất của Sở TN&MT, 148 khu dân cư tự phát sẽ được phân thành 3 dạng để xử lý.

Cụ thể, dạng thứ nhất là các khu dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng (căn cứ quy hoạch phân khu chức năng 1/5.000). Theo hướng đề xuất là nhà đầu tư, người dân ở các khu dân cư này tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ tiêu chuẩn để cho tồn tại.

Chẳng hạn như, đường trong đô thị quy định là phải 7m. Nếu đang 4m thì phải làm thêm. Điện nếu đang câu đuôi thì phải hạ thế. Cấp nước, thoát nước…. làm sao các hộ dân, nhà đầu tư phải góp với nhau để đảm bảo hạ tầng cho phù hợp.

Dạng thứ hai là các khu dân cư có một phần phù hợp quy hoạch, một phần không phù hợp. Phần phù hợp quy hoạch thì cho phép tồn tại theo hướng xử lý như trên.

Phần không phù hợp thì giữ nguyên hiện trạng, không cho đầu tư mới, không cho chuyển mục đích, không cho xây dựng. Nếu như công trình nào tác động xấu môi trường, cản trở đường nước cản trở giao thông thì phải tháo dỡ.

Dạng thứ ba là các khu dân cư hoàn toàn không phù hợp quy hoạch thì giữ nguyên hiện trạng, không giải quyết bất cứ thủ tục gì. Khi nào liên quan đến dự án nào cần thu hồi thì xử lý theo dự án đó. Nếu công trình nào tác động xấu môi trường, cản trở đường nước, cản trở giao thông thì phải tháo dỡ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.