Hồ sơ tài liệu

Bất đồng giải quyết “những quan tài trên biển”

19/05/2015, 13:20

Khoảng 8 nghìn người tị nạn đang lênh đênh trên biển vì cả Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều từ chối nhận.

111
Thuyền chở người tị nạn được ví như những quan tài trên biển 

Lênh đênh trên biển 3 tháng vì các nước đùn đẩy

Vài ngày trước, trên một chiếc thuyền cao tốc phục vụ tác nghiệp, phóng viên Reuters bắt gặp khoảng 300 người tị nạn chen chúc trên một con thuyền, được buộc vào tàu tuần tra của Hải quân Thái Lan để kéo từ khu vực gần bờ biển của Thái Lan tiến về phía biển Andaman. Chỉ huy Hải quân Thái Lan - Thiếu tướng Veerapong Nakprasit cho biết, chiếc thuyền này được đưa về bờ để lấy lương thực, nước uống, sửa động cơ và sau đó trả về biển Andaman. Cứ như vậy, “vòng tuần hoàn” diễn ra vài ngày một lần vì cả Thái Lan và Malaysia đều đùn đẩy không nhận người tị nạn và con thuyền này lênh đênh trên biển ba tháng nay.

Rohingya là nhóm người Hồi giáo sống tại Myanmar và Bangladesh. Hiện nay, nhóm người này đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tại Myanmar, họ thường xuyên bị ngược đãi, không có quyền làm chủ đất đai… Tại Bangladesh, người Rohingya cũng sống trong cảnh nghèo khó không có giấy tờ và không được làm việc.

Hàng trăm người tị nạn gầy trơ xương ngồi co ro trên boong. Họ tìm mọi cách để che chắn khỏi cái nắng gay gắt giữa biển bằng tất cả những gì có trong tay kể cả chiếc hộp đựng thực phẩm nhận được từ Hải quân Thái Lan. Theo lời kể của một quan chức hải quân Thái Lan giấu tên, nỗi thất vọng và căng thẳng bao trùm cả con tàu.

Có vẻ, những người tị nạn nằm dưới sự kiểm soát của hai hoặc ba tên “trùm buôn lậu” - những kẻ “hứa hươu hứa vượn” về cuộc sống di cư sang Malaysia để lôi kéo người dân tị nạn và kiếm tiền từ đó. Khi được hỗ trợ nhân đạo, chúng vơ vét hết lương thực và nước. Không chỉ vậy, theo điều tra sơ bộ của giới chức Thái Lan, động cơ của con thuyền có dấu hiệu bị phá hoại và có thể chính những tên buôn lậu là thủ phạm. Sở dĩ, chúng giở trò này để buộc các nước trong khu vực phải hỗ trợ và nếu có bị xua đuổi, thuyền cũng không thể di chuyển.

Chiếc thuyền này mấy lần bị kéo ra khỏi hải phận Thái Lan; trong khi đó, ở phía bên kia, Malaysia cũng có hai con tàu đang chờ sẵn để chặn. Theo Thiếu tướng Veerapong, lần cuối cùng Thái Lan kéo chiếc thuyền này ra khỏi vùng biển của họ là vào đêm 16/5 vừa rồi. Theo dõi trên radar, con thuyền này có lẽ đang trên đường tới Indonesia.

Đây là tình trạng chung mà hàng chục chiếc thuyền tị nạn đang phải đối mặt trên đường từ Bangladesh/Myanmar tới Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Trên một chiếc thuyền tị nạn chở 700 người trên đường tới Indonesia hôm 16/5 vừa qua, ít nhất 100 người thiệt mạng vì tranh giành thực phẩm. Một người tị nạn sống sót kể lại: “Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh người tị nạn bị đánh đập, bị treo cổ và ném xuống biển. Con thuyền này chẳng khác nào một quan tài trên biển”.

Đau đầu tìm giải pháp

Hôm nay (19/5), Malaysia sẽ chủ trì các cuộc đàm phán với Indonesia và Thái Lan để tìm ra giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang hiện nay với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao ba nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, đây không phải vấn đề trong phạm vi ba nước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có một giải pháp chung, trước khi biến thành khủng hoảng nhân đạo. Thậm chí, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon quan ngại cuộc khủng hoảng này đang gia tăng vượt khỏi phạm vi ASEAN, trở thành vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, các nước liên quan tới cuộc khủng hoảng này chưa có tiếng nói chung để phân định trách nhiệm. Theo Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha: “Nếu chúng tôi nhận tất cả người tị nạn, chúng tôi lấy ngân sách ở đâu. Không nước nào muốn nhận nên đẩy cho nước ở vị trí quá cảnh như chúng tôi. Liệu điều đó có công bằng?”. Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia - Wan Junaidi Jafaar nói: “Chúng tôi đã đối xử rất tốt nhưng họ không thể lũ lượt kéo tới đất nước chúng tôi như thế này”.

Về phía mình, Myanmar luôn từ chối trách nhiệm. Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Myanmar Zaw Htay nói: “Chúng tôi không chấp nhận những cáo buộc cho rằng Myanmar là nguồn cơn dẫn đến cuộc khủng hoảng này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.