Bất động sản

Bất động sản miền Tây bị “đổ bê tông”, hạ 500 triệu/nền chẳng ai mua?

11/08/2021, 15:37

Dịch bệnh Covid-19 lan nhanh, kéo theo thị trường bất động sản (BĐS) ở miền Tây cũng vô cùng khó khăn.

Bà Nguyễn Xuân Hồng, người phụ trách truyền thông của Công ty cổ phần Phú Cường Kiên Giang cho biết: “Hiện nay Kiên Giang đang thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ nên việc thi công dự án gần như ngưng lại. Tuy nhiên, việc quảng bá sản phẩm, hoạt động kinh doanh vẫn thực hiện trên online.

Do công ty từ lâu hoạt động nghiêm túc trong lĩnh vực BĐS, nên khách hàng vẫn trao đổi, tư vấn và có thể đặt cọc mua hàng qua online. Khoảng 2 tháng nay, công ty vẫn còn giao dịch lai rai. Tuy không nhiều nhưng chúng tôi bắt đầu làm quen với tình hình mới”.

img

Nhà đất khu dân cư Phú Cường Kiên Giang

Cũng theo bà Xuân Hồng, qua thông tin trên online, khách hàng có thể biết được hình dạng tổng thể và vị trí các dự án của Phú Cường, biết vị trí những nền nhà, căn nhà nào đang rao bán, hình thức và thời gian thanh toán. Và đó chỉ là điểm sáng nhỏ nhoi...

Tại Sóc Trăng, nơi có cả chục dự án BĐS lớn nhỏ, thị trường vào những năm 2018-2020 vô cùng sôi động. Nhưng nay tình hình cũng khá bi đát do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Dương Thế Nghiêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long cho biết: “Năm 2020, chúng tôi hợp đồng bán 120 căn nhà phố. Năm 2021, công ty cũng đã có hợp đồng bán 50 căn. Nhưng hiện nay, thị trường khó khăn do dịch bệnh, chúng tôi phải tạm ngưng thi công nhà. Còn bán hàng mới, hiện nay gần nhưng không có giao dịch”.

Ông Huỳnh Quốc Nam, Phó giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Hoàng Quân Cần Thơ cho biết, hiện nay thị trường BĐS vùng ĐBSCL cứng nhắc như “đổ bê tông”. Tất cả các dự án đều ngưng thi công, ngưng giao dịch.

“Hiện nay ở Cần Thơ, Vĩnh Long và Trà Vinh chúng tôi có 3 dự án nhưng đều ngừng thi công, không có giao dịch do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng địa ốc Tín Phát tại khu Nam Cần Thơ cho rằng: “Từ khi kinh doanh BĐS đến nay 20 năm, chưa bao giờ thị trường BĐS Cần Thơ lâm vào tình thế khó khăn như hiện nay. Nhà đất đóng băng, làm cho giới kinh doanh nhà đất đang gồng mình chịu thiệt hại từng ngày.

Ngay bây giờ nếu giảm giá 500 triệu đồng/căn hoặc nền để bán nhanh nhà đất cũng không có người mua. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm cho những người kinh doanh nhà đất từ vốn vay ngân hàng 50-70% trên tổng giá trị sẽ thua lỗ, chưa nói có thể phá sản”.

img

Nhà xây sẵn chưa biết... bán cho ai ở khu đô thị Hồng Phát - An Bình.

Tại Cần Thơ hiện nay, có nhiều khu dân cư tại đô thị đã hoàn thành hạ tầng và đưa vào kinh doanh như khu dân cư Hồng Phát - An Bình; khu dân cư STK An Bình, khu dân cư Stella Mega City... Tuy nhiên, thị trường đang gặp mùa Covid-19 nên việc ra hàng gặp khó khăn.

Một nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần ĐT-XD Hồng Phát cho biết, hiện nay đất dự án khu đô thị Hồng Phát - An Bình đã hoàn thành hạ tầng, giao dịch được. Tuy nhiên, dịch bệnh nên việc giao dịch rất khó khăn.

“Dịch bệnh người ta lo thủ thân, chuyện kinh doanh nhà đất ít quan tâm”, người này nói.

Khi thị trường BĐS lên cơn sốt (năm 2018-2019), Cần Thơ có hàng chục doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ BĐS ra đời, nhưng hiện nay công ty dịch vụ, môi giới gần như đếm trên đầu ngón tay.

Tại Vĩnh Long, nhà đất hiện nay cũng “đổ bê tông”. Ông Trương Hoàng Hảo, Giám đốc DNTN Hoàng Hảo xác nhận, gần 2 tháng nay, ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường nhà đất “đứng im”.

img

Nhà đất dự án Nam Long trước kia đắt hàng, hiện nay im lìm.

Ông Đỗ Hoàng Thọ, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng Cần Thơ cho rằng, tình hình dịch bệnh lây lan nhanh làm cho thị trường BĐS Cần Thơ bị tác động mạnh mẽ, hiện nay, gần như ngưng hoạt động.

"Khi thị trường BĐS Cần Thơ “đứng im” thì thị trường các tỉnh khó khăn hơn nhiều. Nói chung, thị trường BĐS vùng này đang khó khăn chưa từng thấy do ảnh hưởng bởi dịch bệnh", ông Thọ thở dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.