Điều tra

Bất lực nhìn rừng Cao Bằng “chảy máu”

23/02/2016, 18:56

Nhiều năm nay, gỗ nghiến bị khai thác trái phép tại cánh rừng nguyên sinh của tỉnh Cao Bằng được bán đấu giá...

7
Cây bị chặt hạ tại rừng Cao Bằng (ảnh cắt từ clip)

Nhiều năm nay, gỗ nghiến bị khai thác trái phép tại cánh rừng nguyên sinh của tỉnh Cao Bằng được bán đấu giá cho một doanh nghiệp trên địa bàn với mức giá chỉ bằng 1/10 giá thị trường. Không những vậy, quá trình bán đấu giá gỗ dễ bị lợi dụng “hợp thức hóa” cho hoạt động khai thác gỗ trái phép, phá rừng

Kỳ 1: “Chảy máu” gỗ quý, doanh nghiệp hốt bạc

Người dân tại xã Triệu Nguyên (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) hầu như ai cũng biết tới chủ gỗ “khét tiếng” ở TP Cao Bằng chuyên thu mua gỗ, chủ của những điểm tập kết gỗ nghiến khổng lồ trong xã với số lượng lên tới hàng trăm khối…

“Đại công trường” giữa rừng sâu

Mất nhiều thời gian tìm hiểu, chúng tôi mới tiếp cận người phụ nữ tên M. từng hành nghề buôn gỗ nhưng đã “giải nghệ” từ lâu. Thấy chúng tôi quan tâm tới câu chuyện đại gia gỗ nghiến, ban đầu chị M. tỏ ra rất thận trọng: “Các chú hỏi làm gì vậy? Tôi cũng chỉ nghe người khác kể lại như vậy thôi chứ cũng chẳng biết cụ thể gỗ tập kết ở chỗ nào đâu”, chị M. vừa nói vừa dò xét thái độ của những vị khách lạ. Nhận là “đồng nghiệp” ở Hà Nội lên đang muốn tìm mối mua gỗ chưa đủ, chúng tôi còn phải trải qua nhiều câu hỏi mang tính chất kiểm tra thông tin, mới thuyết phục được chị M. Rút điện thoại bấm máy gọi cho ai đó một hồi lâu, chị M. quay ra nói: “Các chú cứ ngồi đợi. Lát nữa có hai ông ở Triệu Nguyên ra đây. Họ biết chỗ có gỗ mà các chú cần”.

Theo lời của người dẫn đường, tình trạng gỗ quý bị khai thác rầm rộ và công khai chỉ diễn ra trong vòng 2 năm trở lại đây, khi vị chủ gỗ TP Cao Bằng về Triệu Nguyên mua gỗ. Doanh nghiệp thì vào rừng xẻ gỗ công khai vì đã có hợp đồng khai thác, còn lâm tặc lại lợi dụng thời cơ này vác cưa vào rừng xẻ gỗ quý mang đi.

Chừng 20 phút sau cuộc điện thoại của chị M., hai người đàn ông chở nhau bằng xe máy xuất hiện. Chị M. giới thiệu họ tên là Khèo và Dua, người dân tộc Mông, nhà ở xóm Cảm Ngọa, xã Triệu Nguyên. Không giống như vẻ chất phác bên ngoài, Khèo và Dua tỏ ra rất cảnh giác trước lời đề nghị dẫn vào rừng xem gỗ nghiến để mua của chúng tôi. Ban đầu họ còn định từ chối với lí do đường vào rừng khó đi và sợ bị kiểm lâm bắt. Chỉ khi được ngỏ ý thuê đưa vào rừng xem gỗ với giá 200 nghìn đồng/lượt, Khèo và Dua mới chịu gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được số điện thoại liên hệ với lời dặn: “Tự tìm đường mà vào, khi nào gần đến nơi, điện thoại sẽ có người chỉ lối cụ thể”.

Ngày hôm sau, sau hơn hai tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường rừng lởm chởm đá tai mèo và những dốc cao dựng đứng, chúng tôi mới tới được Lũng Thàn, nơi tập kết nhiều gỗ quý nhất ở rừng Triệu Nguyên. Dọc đường, những thân gỗ quý như: Nghiến, kháo, sồi… bị cưa đổ nằm ngổn ngang khắp nơi. Nhiều thân cây lớn bị đốn hạ đã lâu, mục nát nham nhở, dây leo quấn chằng chịt như những xác chết lâu ngày bị bỏ quên giữa rừng sâu. Đến chỗ thân một cây nghiến cổ thụ nằm vắt ngang những mỏm đá tai mèo, Dua và Khèo ra hiệu cho chúng tôi dừng lại. “Cây này đây. Mới cưa cách đây hơn một năm. Gỗ còn mới lắm. Xẻ ra được gần chục khối đấy”, anh Khèo vừa nói với giọng giật cục, vừa dùng chiếc dao quắm mang theo phát quang những thân dây leo và bụi cây mọc xung quanh để chúng tôi thấy rõ hơn. Đó là một cây nghiến lớn, đường kính khoảng gần 1 m và đã bị xẻ làm nhiều đoạn. Tại những điểm xẻ này, màu gỗ vẫn còn rất mới với sắc vàng tươi. Tôi tỏ ý lo ngại về quãng đường vận chuyển gỗ từ rừng ra rất khó khăn, Khèo và Dua quả quyết, chỉ cần chúng tôi nhất trí mua, họ sẽ xẻ gỗ vác về tận nhà họ để cất. Muốn xẻ theo kích cỡ nào, dùng với mục đích gì cứ nói cụ thể họ sẽ xẻ đúng như vậy. Ngoài tiền gỗ, người mua còn phải mất thêm chi phí xẻ gỗ và vận chuyển ra khỏi rừng.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì cách đó không xa bỗng có tiếng cưa máy vang rền. Mất công thuyết phục, chúng tôi cũng được hai người dẫn đường đưa đến nơi. Lúc này, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng khai thác gỗ rầm rộ không khác gì một “đại công trường” giữa rừng sâu. Hai người đàn ông mình trần đang điều khiển hai chiếc cưa máy hì hụi xẻ thân một cây nghiến lớn. Những thanh gỗ nghiến đỏ au, tươi rói được xếp ngổn ngang thành từng đống lớn xen kẽ với những đám mùn cưa vương vãi khắp nơi. Đi thêm chừng 30 phút nữa kiểm tra ở những khu vực lân cận, chúng tôi phát hiện thêm nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ. Ngoài nghiến còn có cả những cây trai thân to đến vài người ôm cũng bị cưa ngang gốc, đổ gục xuống đất...

Khi được hỏi, những cây gỗ mới bị xẻ kia có phải do “người của công ty” làm không thì Dua và Khèo nhìn nhau cười rồi buông lửng câu trả lời: “Cái đấy thì không biết được đâu..!”.

8
Gỗ được buộc vào dây cáp trước khi tời xuống điểm tập kết bên dưới

Đại gia gỗ nghiến là ai?

Hỏi về điểm tập kết gỗ nghiến ở Triệu Nguyên, người dân nơi đây ai cũng có thể trả lời vanh vách đó là một ông chủ gỗ tên Hùng, nhưng mặt mũi ra sao thì không ai rõ. Sau chuyến khảo sát ở Lũng Thàn, câu hỏi thực chất ông chủ gỗ được cho phép thu mua gỗ quý kia là ai càng thôi thúc chúng tôi làm sáng tỏ.

Đầu tháng 1, chúng tôi nhận được tin báo cho biết ông chủ tên Hùng đã bắt đầu đưa gỗ ra điểm tập kết. Đó là bãi đất cao hơn mặt đường 1 m, nằm cách trụ sở UBND xã Triệu Nguyên khoảng 300 m. Tại đây, xuất hiện một đường dây cáp buộc kiên cố vào vách đá, chính là phương thức chủ gỗ vận chuyển “hàng” từ rừng ra. Dưới chân dây cáp, ngồn ngộn những tấm gỗ nghiến được xẻ vuông vức. 5 công nhân đang đứng sẵn chờ gỗ. Cứ khoảng 5 - 10 phút lại có một tấm gỗ nghiến từ điểm tập kết gỗ trên đỉnh ngọn đồi đối diện, cách đó khoảng vài trăm mét được đưa theo đường dây cáp ra. Sau khi tháo khỏi cáp treo, thanh gỗ được xếp ngay ngắn thành từng đống lớn. Một công nhân cho biết, họ được trả 200.000 đồng tiền công/người/ngày. Để đưa được gỗ từ tận nơi khai thác trong rừng, họ đã trải qua 4-5 chặng vận chuyển bằng dây cáp như thế này. Tính từ nơi khai thác trong rừng, những thanh gỗ nghiến phải vượt qua quãng đường vài cây số để đến được điểm tập kết. Tổng số gỗ nghiến phải vận chuyển ra khỏi rừng lần này khoảng 40 - 50 m3. Tuy nhiên, theo lời người công nhân, so với năm trước, số gỗ nghiến họ phải vận chuyển ra khỏi rừng còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Qua tìm hiểu, chủ nhân của số gỗ nghiến tập kết tại điểm gần trụ sở UBND xã Triệu Nguyên là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Phương Đạt (trụ sở tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng). Doanh nghiệp này đã giành thắng lợi trong phiên bán đấu giá hơn 31 m3 gỗ nghiến tròn nhóm IIa diễn ra ngày 30/1/2015 do Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng tổ chức, với giá 172,686 triệu đồng - tương ứng hơn 5,5 triệu đồng/m3 (giá khởi điểm là hơn 171,484 triệu đồng). Được biết, số gỗ nghiến này là tang vật trong vụ khai thác rừng trái phép tại Lũng Thàn.

Ông chủ gỗ tên Hùng mà người dân địa phương thường nhắc đến chính là Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh của Phương Đạt. Trao đổi với PV Báo Giao thông, một nữ cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nguyên Bình cho biết, năm 2015 không phải lần đầu tiên Công ty Phương Đạt tham gia và trúng đấu giá mua gỗ. “Ông này (tức ông Nguyễn Mạnh Hùng - PV) mua nhiều lần rồi. Cứ có gỗ nghiến ở đâu là ông ấy tham gia”, chị này nói. Vẫn theo nữ cán bộ này, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào ông Hùng cũng xuất hiện trong các cuộc đấu giá bán gỗ nghiến. Riêng trên địa bàn xã Triệu Nguyên, trước lần mua đấu giá năm 2015 vừa qua, ông Hùng đã trúng cuộc đấu giá khác với khối lượng gỗ nghiến mua được lớn hơn nhiều. “Tôi không nhớ chính xác con số là bao nhiêu nhưng khoảng 120 m3 gỗ. Thời hạn khai thác lần đó cũng lâu, khoảng 15 hay 18 tháng cơ”, chị này cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gỗ tại Yên Phong, Bắc Ninh cho biết, gỗ nghiến trên thị trường đang được bán với giá phổ biến 40 - 60 triệu/m3 với loại hàng ván, gấp cả chục lần so với giá các cơ quan Nhà nước thu về từ việc bán đấu giá lô gỗ cho Công ty Phương Đạt và với việc trúng thầu lô 31 m3 gỗ ở mức giá “bèo bọt” kể trên, Công ty Phương Đạt đã thu được một món hời cả tỷ đồng, chưa tính lợi nhuận cộng dồn từ nhiều năm trước đó.

DN tự ý tăng thời lượng khai thác gỗ

Phiên đấu giá hơn 31 m3 gỗ nghiến ở xã Triệu Nguyên được tiến hành từ 30/1/2015 (bàn giao tài sản bán đấu giá cho Công ty Phương Đạt ngày 4/2/2015) nhưng trong bản Thông báo số 785/TB-UBND ngày 3/9/2015 của UBND huyện Nguyên Bình về “Kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại phiên họp Ủy viên UBND huyện lần thứ 50”, ông Đinh Văn Phồn, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình vẫn chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ngành chuyên môn huyện “tiến hành kiểm kê số gỗ đã bị chặt trái phép ở xã Triệu Nguyên, đề xuất phương án bán đấu giá sung quỹ Nhà nước; Dọn sạch hiện trường, tiến hành đóng cửa rừng theo quy định” (?!). Không những thế, Biên bản Bán đấu giá tài sản ngày 30/1/2015 khẳng định, thời gian mà đơn vị mua đấu giá được khai thác gỗ là 9 tháng tính từ ngày bàn giao nhưng đến Biên bản Giao nhận tài sản bán đấu giá ngày 4/2/2015, thời gian khai thác lại được tăng lên thành 10 tháng (từ 4/2 - 4/11/2015). Dù vậy, đến đầu tháng 1/2016, khi PV có mặt tại xã Triệu Nguyên, công tác vận chuyển gỗ từ rừng ra nơi tập kết vẫn chưa hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.