Hậu trường sao

Bật mí danh thủ Nguyễn Hồng Sơn “ngó lơ” bóng đá chuyên nghiệp

21/06/2018, 11:05

Từ Tiger Cup 1998 đến AFF Cup 2008 và nay là AFF Cup 2018, chu kỳ thành công 10 năm của bóng đá...

118

Hồng Sơn chỉ tập trung vào công tác đào tạo cho các cầu thủ nhí - Ảnh: Quỳnh Mai

Hãy cùng nghe cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, một trong những người đặt nền móng cho bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế chia sẻ về câu chuyện kết nối quá khứ và tương lai.

Tôi chỉ có một “người tình” là Thể Công

Đã lâu rồi người hâm mộ không thấy Hồng Sơn xuất hiện ở những sân chơi chuyên nghiệp. Anh có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống cũng như công việc của mình hiện tại?

Sau khi chia tay Trung tâm Thể thao Viettel, tôi chọn tham gia vào hoạt động bóng đá vì cộng đồng, huấn luyện cho các cháu nhỏ. Thi thoảng có tham dự một vài chương trình truyền hình thực tế về bóng đá. Nói chung, tôi vẫn làm bóng đá nhưng không phải là bóng đá chuyên nghiệp.

Tại sao anh không chọn nghề HLV chuyên nghiệp sau khi giải nghệ mà chỉ gắn bó với những sân chơi phong trào?

Nói thế nào nhỉ! Tôi gia nhập CLB Thể Công từ năm 10 tuổi, gắn bó cùng đội bóng này, giành nhiều vinh quang. Tôi cũng chứng kiến Thể Công giải thể và đó là thời khắc tôi vô cùng đau đớn. Sau đó, tôi tham gia làm công tác huấn luyện ở Trung tâm Thể thao Viettel - vốn được coi là “hậu duệ” của Thể Công nhưng cảm thấy không thực sự phù hợp nên rút lui. Trong bóng đá, tôi chỉ có một “người tình” là Thể Công nên tôi không muốn gắn bó với bất cứ đội bóng chuyên nghiệp nào khác.

Từng khoác áo đội bóng đậm chất lính Thể Công nhưng sự nghiệp của Hồng Sơn lại gắn liền với sự hoa mỹ, những đường bóng mê đắm lòng người, anh có cảm thấy đó là một mâu thuẫn?

Theo tôi đây là sự mâu thuẫn hợp lý. Thể Công là môi trường quân đội, mọi thứ từ sinh hoạt, tập luyện hay thi đấu đều tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt. Nhưng bóng đá là một môn nghệ thuật, cầu thủ bóng đá cũng như nghệ sĩ trên sân cỏ. Chính bởi vậy, tôi tôn thờ sự hoa mỹ trong lối chơi. Nhìn rộng ra, sự hoa mỹ tạo ra nét đẹp cho bóng đá. Ví như Zidane, Ronaldinho hay Messi, họ vẫn tuân thủ chiến thuật nhưng luôn cho thấy những khoảnh khắc đầy ngẫu hứng trên sân.

Cho đến hiện tại, bóng đá đã cho và lấy đi của anh những gì? Anh đã bao giờ cảm thấy hối hận vì chọn bóng đá?

Bóng đá cho tôi nhiều thứ. Đó là tiền bạc, là sự nổi tiếng, là những mối quan hệ. Nếu không có bóng đá, mọi người sẽ chẳng biết Hồng Sơn là ai. Ngược lại, tôi cũng như bao đứa trẻ khác đam mê trái bóng tròn. Chúng tôi không có tuổi thơ, tối ngày vùi đầu vào tập luyện, thi đấu trong khi bạn bè cùng trang lứa được vui chơi, được làm những gì mình muốn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn bóng đá.

“Vua phá lưới” cô đơn giữa đồng đội

Trong suốt sự nghiệp của mình, có khi nào anh cảm thấy cô đơn, trong địa hạt bóng đá?

Có chứ! Ai cũng phải trải qua những thời điểm tồi tệ. Tôi còn nhớ như in, sau trận tranh HCĐ với Indonesia tại Tiger Cup 1996, tôi dính chấn thương đầu gối. HLV Weigang đưa tôi sang Đức phẫu thuật. Nơi đất khách quê người, tôi phải tự lo mọi thứ từ phục hồi, ăn uống, giặt giũ. Tôi ở Đức một tháng trước khi trở lại Việt Nam tiếp tục tập phục hồi. Đó là quãng thời gian khó khăn nhất sự nghiệp của tôi. Từ chỗ có mọi thứ, tôi trở thành người thừa, thui thủi một mình, cô đơn cùng cực giữa đồng đội.

Anh từng ghi không ít bàn thắng, bàn thắng nào có ý nghĩa đặc biệt nhất với anh?

Bàn thắng đặc biệt nhất với tôi là pha lập công vào lưới CLB Thanh Hóa khi tôi ra sân trận đầu cho đội 1 Thể Công. Đây là điểm khởi đầu tạo ra một Hồng Sơn sau này. Cũng chính năm đó, tôi giành danh hiệu Vua phá lưới với 10 bàn.

Là cầu thủ thuộc thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau hội nhập. Anh có cảm thấy tiếc khi chưa thể có được một tấm HCV trên trường quốc tế, ở các giải đấu chính thức?

Thực sự đó không chỉ là sự nuối tiếc của riêng tôi, mà là nỗi niềm chung của cả một lứa cầu thủ tài năng nhưng thành công lại chưa trọn vẹn. Thế hệ của chúng tôi trải qua rất nhiều giải đấu cùng nhau nhưng chỉ chạm tới HCB nên cho đến bây giờ, tôi và đồng đội vẫn đau đáu. Tuy nhiên, khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 thì quá tuyệt vời! Bóng đá Việt Nam đã vượt qua cái ngưỡng HCB. Thế hệ của Công Vinh, Minh Phương, Tài Em, Thanh Bình, Tấn Tài... đã làm được điều mà thế hệ của chúng tôi dù rất nỗ lực nhưng chưa thể hoàn thành. Điều này cũng giúp tôi bớt canh cánh trong lòng về món nợ với người hâm mộ.

Lứa cầu thủ hiện tại sẽ vô địch AFF

Năm 1998, anh cùng đồng đội giành HCB Tiger Cup, 10 năm sau ĐTVN vô địch AFF Cup 2008 và năm nay 2018, chúng ta lại đang có một thế hệ cầu thủ triển vọng. Anh có tin là chu kỳ thành công 10 năm sẽ lặp lại?

Chu kỳ 10 năm theo tôi chỉ là một cách định lượng về thời gian, quãng thời gian đủ để một lứa cầu thủ trẻ trưởng thành. Nhưng tôi rất tin lứa cầu thủ hiện tại sẽ lặp lại được thành tích của 10 năm trước. Họ có một ông thầy giỏi tới từ nền bóng đá tiên tiến, họ cũng có sự đồng đều, thể lực tốt, thể hình lý tưởng, có kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Những yếu tố này đủ giúp Việt Nam mơ về chức vô địch AFF Cup 2018.

Lứa cầu thủ hiện tại, anh ấn tượng với cầu thủ nào. Anh có thấy cái tên nào mang phong cách tương tự mình của thời còn chơi bóng?

Tôi theo dõi nhiều nhưng chưa tìm được cầu thủ nào thực sự là bản sao của mình. Còn nếu nói về ấn tượng thì tôi ấn tượng với Quang Hải, một cầu thủ trẻ nhưng khả năng gây đột biến cao, quyết đoán. Tôi cũng ấn tượng với Xuân Trường với khả năng điều tiết nhịp độ trận đấu điềm đạm, chững trạc cùng những đường chuyền xa cực kỳ chính xác.

Anh thấy thế hệ hiện tại với thế hệ của anh có những khác biệt cơ bản nhiều không?

Các cầu thủ hiện tại khác rất nhiều so với thế hệ chúng tôi. Họ được đầu tư nhiều hơn, được xã hội và truyền thông quan tâm nhiều hơn, có sự hỗ trợ của khoa học trong tập luyện, đời sống đa dạng hơn, được cọ xát nhiều hơn, kinh tế tốt hơn...

Sự kết nối giữa 3 thế hệ bóng đá 1998-2008-2018 chỉ có thể nói là con người Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Con người nước mình thời nào cũng có những đặc điểm chung như chịu thương chịu khó, ý chí kiên cường và mang trong mình tinh thần của một đất nước ngàn năm văn hiến. Tinh thần đó sẽ giúp các cầu thủ phát huy được khả năng chuyên môn, làm rạng danh bóng đá Việt Nam.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Vì sao Hồng Sơn có biệt danh Sơn “công chúa”?

Cựu danh thủ Hồng Sơn sinh ra trong một gia đình khá giả gốc Hà Nội. Mẹ anh - bà Bích Sinh vốn là chủ tiệm áo cưới nức tiếng Hà Thành. Có một lần, Hồng Sơn mặc thử váy cô dâu và biệt danh Sơn “công chúa” ra đời từ đó.

Nguyễn Hồng Sơn, sinh ngày 9/10/1970. Anh gắn bó cả sự nghiệp của mình với CLB Thể Công và cùng đội bóng quân đội giành mọi danh hiệu cao quý. Đó là hai chức Vô địch Quốc gia năm 1990, 1998; Siêu Cúp Quốc gia 1998. Ở cấp độ đội tuyển, Hồng Sơn giành HCB Tiger Cup 1998, HCB SEA Games 1995, 1999. Về mặt cá nhân, Hồng Sơn hai lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam vào năm 1998 và 2000; Vua phá lưới giải vô địch quốc gia 1990; Cầu thủ xuất sắc nhất Tiger Cup 1998; Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á tháng 8/1998.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.