Hậu trường sao

Bật mí về gia đình có bốn đô vật nữ

13/06/2020, 06:27

Gia đình đô vật Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có tới 4 chị em cùng theo đuổi môn vật.

img
Mỹ Hạnh (ngoài cùng bên phải) và 3 em gái

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Thừa Thiên - Huế), nhà vô địch vật tự do SEA Games 30 là con thứ 2 trong gia đình 7 người con. Đặc biệt, gia đình cô có tới 4 chị em cùng theo đuổi môn vật.

Nhà có 4 đô vật nữ

Tại SEA Games 30, môn vật giành tới 14 HCV, trở thành một trong số những môn thành công nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số các đô vật bước lên bục cao nhất, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (HCV vật tự do 61kg) có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả khi 3 người em ruột của cô cũng đang theo môn thể thao cổ điển này.

Mỹ Hạnh sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở Thị trấn Sin, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Cô gái 23 tuổi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã tỏ ra có năng khiếu và rất thích chơi các môn thể thao như điền kinh, bóng chuyền hay kéo co. Người anh họ của Hạnh vốn là tuyển thủ môn vật, khi tới nhà chơi thấy cô em gái sở hữu những khả năng phù hợp với vật nên đã thuyết phục cô chú cho em đi tập. Thời điểm đó Hạnh mới 13 tuổi.

“Tôi thích thể thao nhưng chưa bao giờ xác định theo nghiệp thể thao, chỉ muốn tập cho khỏe. Nhưng vì nghĩ nhà nghèo, đi tập sẽ được nuôi ăn học, bớt phần gánh nặng cho bố mẹ nên đã quyết định đến với môn vật. Còn bố mẹ chỉ nói duy nhất một câu rằng con cứ đi, khổ quá thì về nhà. Vậy là vật bước vào đời tôi như thế”, nhà vô địch SEA Games nhớ lại.

Tôi thường bảo với bạn bè rằng, nhà có bốn cô con gái là đô vật nên chẳng sợ ai bắt nạt. Đó là nói đùa, còn trong thâm tâm vợ chồng tôi rất tự hào về các con. Cũng là cực chẳng đã mới phải để bốn chị em nó theo đuổi thể thao. Nhưng chẳng ngờ tụi nó lại có được thành công như vậy. Giờ tôi chỉ lo suốt ngày đánh vật thế thì sau này liệu có anh nào dám yêu không.
Ông Nguyễn Đăng Sơn


Cô kể, những ngày đầu tập luyện, tất cả xương khớp đều muốn rụng rời do va chạm liên tục cả ngày, nhiều lúc mệt đến phát khóc. Nhưng rồi nghĩ về gia đình, về việc sẽ có chút ít tiền giúp đỡ bố mẹ và được thày động viên nên cô nén đau, gạt sang một bên nỗi nhớ nhà để lăn lộn trên sới vật. Trời không phụ lòng người, nhờ nỗ lực đáng khen, cô gái Quảng Điền có bước tiến nhanh chóng về mặt chuyên môn và chỉ 3 năm sau đã có mặt ở đội tuyển trẻ rồi tuyển quốc gia.

Trước đó, năm 2011, Hạnh rủ em gái Mỹ Trang (SN 2001) cùng đi tập. Không chịu kém cạnh chị, Trang tiến bộ nhanh và hiện nay cũng đang thuộc biên chế đội tuyển quốc gia. Chưa dừng lại, vài lần về nhà chơi, các thày thấy nhà đông con nên khuyên bố mẹ cho Mỹ Linh (SN 2003), Mỹ Tiên (SN 2005) theo bước chị.

Trong làng thể thao Việt Nam, gần như không có gia đình nào sở hữu tới 4 thành viên cùng chơi một môn thể thao. Đáng nói hơn, cả bốn chị em Hạnh, Trang, Linh, Tiên đều có tố chất để trở thành các VĐV đỉnh cao. “Hạnh mạnh về đòn tấn công, xốc vác, thắng là thắng luôn. Trang phòng ngự trội hơn, đánh kiểu cù nhầy. Trong khi đó, Linh toàn diện hơn hai chị, sức mạnh và tốc độ cũng tốt hơn nên trong tương lai tôi cho rằng em có thể vượt lên về mặt chuyên môn”, HLV Đinh Văn Kiên, HLV tuyển vật Thừa Thiên - Huế nhận xét những cô học trò mình đã và đang dìu dắt.

“Một điểm đặc biệt, Hạnh và các em đều có máu ăn thua rất cao. Dù tập hay thi đấu, vào sới là các em chiến hết mình để giành chiến thắng. Đây là điều rất cần cho thể thao, nhất là môn mang tính đối kháng cao như vật. Đến nay, Hạnh giành HCV SEA Games 30, HCĐ Asiad 2018 và hai HCĐ giải trẻ châu Á 2017, 2018. Trang cũng đã có tấm HCV Đông Nam Á, HCĐ trẻ châu Á 2017. Cô em Mỹ Linh đã mang về hai HCV trẻ Đông Nam Á 2018, 2019”, ông Kiên tiếp lời.

Muốn hai em út được chăm sóc tốt

img
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (áo xanh) đoạt huy chương vàng môn vật SEA Games 30

Lại nói về gia đình Hạnh, bố cô làm nghề cơ khí, mẹ buôn bán nhỏ, nhà lại đông con nên cuộc sống cực kỳ vất vả. “Bố tôi đi làm quanh năm suốt tháng, làm không kể ngày đêm, ai kêu gì cũng làm. Còn mẹ thường phải dậy từ 3h sáng để đi bán mấy mớ cá, tôm vụn. Nhà có 7 cái “tàu há mồm” nên những đồng tiền ít ỏi bố mẹ kiếm được chả thấm vào đâu”, nữ đô vật 23 tuổi kể.

Được biết, thời điểm em út chưa ra đời, cả gia đình Hạnh 8 người sống trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, động mưa là dột tứ tung, nồi niêu xoong chảo đều mang ra hứng nước. “Sáu anh chị em ngủ chung một phòng, ban đầu thì ngủ giường, còn sau khi lớn hơn thì phải xuống ngủ sàn vì chật quá không duỗi nổi chân”, Hạnh cười nói.

Cũng bởi hoàn cảnh khó khăn mà anh cả của Hạnh phải nghỉ học sớm để theo bố đi làm lo cho các em. May thay, chị em cô tự biết bảo ban nhau, giúp mẹ việc nhà, việc đồng áng. Thậm chí, mấy chị em còn đi mò cua, bắt ốc để mẹ bán thêm lấy tiền trang trải cuộc sống. “Tôi từ khi học lớp 1 đã biết nấu cơm, giặt quần áo. Mấy đứa em cũng vậy, nhà nghèo nên phải cố gắng đỡ đần bố mẹ được chút nào hay chút đó”, nhà vô địch SEA Games bộc bạch.

Kể từ thời điểm 4 cô con gái lần lượt bước theo nghiệp thể thao, gánh nặng mưu sinh đè lên gia đình ông Nguyễn Đăng Sơn cũng nhẹ đi phần nào. Năm 2016, từ số tiền tích cóp, ông Sơn vay mượn thêm để xây dựng một căn nhà kiên cố. “Tôi cũng đóng góp được chút ít trong căn nhà của gia đình. Tiền đó tôi tích cóp từ công tập luyện và tiền thưởng mỗi lần thi đấu có giải. Tuy không lớn nhưng cũng là thể hiện trách nhiệm của mình”, Hạnh hào hứng khoe.

Khi bảng thành tích của chị em nhà vô địch SEA Games dày lên cũng là lúc đời sống gia đình cô dần dần khá hơn. Bố mẹ cô vẫn lam lũ nhưng không còn cảnh phải chạy ăn từng bữa. Điều Hạnh mong mỏi nhất hiện tại là cô tiết kiệm được một khoản đủ lớn giúp bố mở một cửa hàng cơ khí nhỏ để khỏi phải đi làm thuê.

“Nhà 9 thành viên nhưng bố và anh tôi đi làm tận Hà Tĩnh. Tôi và Trang tập ở đội tuyển ngoài Hà Nội nên cũng ít về. Linh với Tiên tập ở Huế cuối tuần lại rủ nhau đi xe buýt về thăm nhà. Còn lại, bình thường chỉ có mẹ và hai em nhỏ. Mẹ vẫn chạy chợ nên hai em cũng như tôi ngày xưa, buộc phải tự lập sớm. Sau này, nếu được tôi sẽ cùng các em mở một cửa hàng để bố và anh trai về làm gần nhà. Như vậy, bố mẹ sẽ có điều kiện chăm sóc cho hai em tốt hơn”, Hạnh bộc bạch.

Tấm HCĐ ASIAD từ trên trời rơi xuống

Tại ASIAD 2018, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh để thua đô vật người Mông Cổ ở bán kết, xếp thứ 5 chung cuộc và để lỡ tấm HCĐ đầy đáng tiếc. Mặc dù vậy, sau khi về nước khoảng 1 tháng, cô bất ngờ nhận được thông tin VĐV Mông Cổ bị phát hiện sử dụng chất kích thích nên thành tích bị hủy. Nhờ vậy, Hạnh được đôn lên xếp thứ tư, giành HCĐ. “Tấm huy chương này như trên trời rơi xuống. Nó chắc chắn là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên”, Hạnh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.