Vận tải

Bất ngờ đóng tàu làm không hết việc giữa thời dịch

05/11/2020, 09:44

Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng rất nhiều đơn vị đóng tàu bất ngờ làm không hết việc, thậm chí thừa việc gối đầu sang năm 2021.

img
Tàu vào xếp hàng chờ sửa chữa tại Công ty Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Chỉ sửa chữa tàu đã không lo hết việc

Thời gian gần đây, trong các phân xưởng và cả ngoài bến của Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) không khí làm việc luôn tất bật, khẩn trương.

Trong tiếng hàn xì, tiếng búa gõ ầm ĩ, anh Đỗ Xuân Giao, người có thâm niên 18 năm gắn bó với nghề thợ hàn cho hay, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các đơn hàng đóng mới nhưng người lao động công ty không bị thiếu việc.

“Như tôi, lương làm khoán theo sản phẩm cũng được khoảng 12 triệu đồng/tháng. Sản phẩm đóng mới bị ảnh hưởng vì khách hàng đình, giãn hợp đồng nhưng các đơn hàng sửa chữa rất nhiều bù vào”, anh Giao nói.

Ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch công ty cho biết thêm, do dịch Covid-19, thị trường du lịch năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng nên việc đàm phán, ký kết hợp đồng sản phẩm đóng mới tàu du lịch cũng bị chậm lại. Tuy nhiên, với thế mạnh là sửa chữa tàu thủy, đơn vị đẩy mạnh thi công hoàn thành các sản phẩm này để tiếp tục nhận được các đơn hàng mới.

“Chỉ tính 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã thi công và bàn giao được 41 tàu. Việc làm ổn định nên đảm bảo thu nhập cho người lao động khoảng 10 triệu đồng/tháng. Dự kiến năm 2020, chúng tôi thực hiện 100% kế hoạch năm 2020 với doanh thu hơn 260 tỷ đồng”, ông Khoa thông tin.

Ở khu vực phía Bắc, tại các doanh nghiệp đóng tàu như: Phà Rừng, Nam Triệu không khí còn sôi động hơn nhiều. Chỉ tay vào hàng chục chiếc tàu to, nhỏ các loại trong các âu tàu đang chờ tới lượt vào sửa chữa, ông Trần Hữu Chiến, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho hay, 6 tháng đầu năm 2020, khi cả nước khó khăn do dịch thì Phà Rừng đã vượt kế hoạch.

“Dù tàu vào sửa chữa lớn không nhiều, đa số sửa chữa nhỏ nên giá trị chỉ khoảng 500 - 600 triệu đồng/chiếc nhưng cũng giúp chúng tôi có được việc làm thường xuyên”, ông Chiến nói.

“Thế mạnh của Phà Rừng là sửa chữa. Hàng năm có khoảng 75 - 90 tàu vào sửa chữa, sản lượng khoảng 130 tỷ đồng, vì vậy năm nào khối sửa chữa cũng đạt và vượt kế hoạch. Riêng năm 2020, tàu vào sửa chữa vượt rất nhiều, làm không hết việc, gối đầu sang cả năm 2021”, ông Chiến nói.

Cũng là đơn vị đóng tàu lớn ở khu vực phía Bắc, ông Vũ Thanh Tùng, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu cho biết, 8 tháng đầu năm, công ty đã tiến hành sửa chữa 40 lượt tàu có tải trọng từ 6.500 - 30.000 tấn. Doanh thu từ sửa chữa tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2019.

“Kết quả trên vượt mong đợi bởi trong khi nhu cầu thị trường đóng mới không có khởi sắc rõ rệt, sửa chữa tàu là cứu cánh và góp phần quan trọng đưa giá trị sản lượng của công ty 8 tháng đạt 83% và doanh thu đạt 63% kế hoạch năm”, ông Tùng cho biết.

Cơ hội lớn về việc làm, tăng thu nhập

img
Tàu đợi vào sửa chữa tại Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng

Lý giải nguyên nhân các đơn hàng sửa chữa tăng mạnh, ông Vũ Thanh Tùng cho rằng, do dịch Covid-19, các tàu Việt Nam không đi biển được nên tranh thủ vào sửa chữa. Cùng đó, tàu nước ngoài đến Việt Nam cũng phải chờ 14 ngày để thuyền viên cách ly phòng dịch nên cũng tranh thủ vào sửa chữa.

“Cũng phải nói, các công ty đóng tàu Việt Nam giờ có điều kiện tốt, đáp ứng yêu cầu sửa chữa của chủ tàu hơn nên cạnh tranh sòng phẳng được với các nước trong khu vực”, ông Tùng nói.

Nhu cầu đóng mới vẫn không lớn do thị trường vận tải biển chưa phục hồi mạnh. Cùng đó, số lượng tàu đóng cách đây khoảng 10 năm vẫn còn khai thác tốt, nên sẽ chủ yếu chỉ cải tạo. Do đó, tới đây SBIC vẫn hướng đến thị trường đóng tàu quốc tế.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó TGĐ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy


Theo ông Trần Hữu Chiến, các quy định mới về môi trường đối với tàu biển quốc tế cũng mở ra cơ hội việc làm cho các đơn vị công nghiệp đóng tàu. Như các quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hay Hội đồng châu Âu về giám sát, báo cáo và thẩm tra phát thải dioxit cacbon (CO2) từ vận tải biển (gọi tắt là “EU MRV”) quy định nghiêm ngặt điều kiện vận hành của tàu biển về chỉ số giảm phát thải CO2, quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý nước dằn tàu… Điều này đòi hỏi các nhà vận tải hàng hải phải đổi mới đội tàu, đóng tàu mới hoặc sửa chữa, nâng cấp tàu biển.

“Đây là cơ hội đối với các đơn vị như Phà Rừng vì tư nhân không thể đầu tư với cơ sở hạ tầng, thiết bị như nhà máy. Vì thế, nhiều khách hàng tín nhiệm, tìm đến Phà Rừng để sửa chữa, cải tạo như hệ thống xử lý nước dằn”, ông Chiến khẳng định.

Nói rõ hơn về cơ hội đến từ những quy định mới về môi trường, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó TGĐ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho biết, những tàu đóng mới yêu cầu phải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, các vật liệu đóng tàu cũng phải thân thiện với môi trường. Những tàu nào vẫn sử dụng hệ thống máy móc cũ thì theo tiêu chuẩn mới của IMO sẽ phải chuyển đổi, cải tạo theo hướng thân thiện với môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.