Y tế

Bất ngờ giảm mạnh, các loại test Covid-19 vẫn loạn giá

04/10/2021, 07:00

Ngay sau khi dư luận phản ứng dữ dội, giá que xét nghiệm (test kit) Covid-19 và dịch vụ đi kèm có xu hướng quay đầu giảm.

Tuy nhiên, khi sản phẩm này vẫn bị “thả nổi” thì tình trạng “đục nước béo cò” khó có thể chấm dứt, nhất là khi nhu cầu sử dụng test kit trong phòng, chống dịch Covid-19 là thiết yếu...

Nhiều loại test kit Covid-19 quay đầu giảm giá

Đầu tháng 10, trong vai khách hàng liên hệ với 1 đơn vị cung ứng test kit kháng nguyên Covid-19 và ngỏ ý mua số lượng lớn, PV Báo Giao thông được chủ doanh nghiệp cho biết: “Nếu chị mua số lượng trên 2.000, test kit Flowflex SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test (xuất xứ Trung Quốc) có thể giảm xuống giá 73.500 đồng/test và khoảng 67.000 đồng/test nếu mua số lượng trên 10.000”.

img

Test nhanh kháng nguyên được dùng để sàng lọc, phát hiện nhanh bệnh nhân Covid-19

Theo giá công bố công khai trên trang web của Bộ Y tế, giá test kit của đơn vị này là 79.800 đồng/test và giá này cũng đã giảm khá nhiều so với giá được công bố trước đó là 109.200 đồng/test.

Một đơn vị cung ứng test kit nhãn hiệu Standard Q COVID-19 Ag Test (Hàn Quốc) cho biết, giá bán hiện nay là 129.000 đồng/test.

Mức giá này thấp hơn so với giá công bố mới nhất đăng ký với Bộ Y tế (158.550 đồng/test); trước đó lần lượt ở mức 178.000 và 198.000 đồng/test.

Theo bản cập nhật gần đây nhất ngày 20/9 của Bộ Y tế, giá bán công bố của nhiều loại test kit đã giảm từ 20.000 - 120.000 đồng/test.

Lý giải về giá test kit giảm so với thời điểm trước, chủ một doanh nghiệp cho biết: “Đợt nhập hàng sau này, đơn vị đàm phán được giá tốt vì mua với số lượng hàng lớn. Giá đầu vào giảm nên chúng tôi giảm cho giá đầu ra”.

Cùng với giá test kit lên xuống thất thường, giá dịch vụ test nhanh Covid-19 cũng mỗi nơi 1 kiểu. Qua khảo sát, giá test nhanh tại 1 số bệnh viện công dao động từ 200.000 - 360.000 đồng/mẫu.

Còn tại bệnh viện tư, giá cũng chênh lệch. Ví như tại Bệnh viện Hồng Ngọc, giá test nhanh dùng test kit Việt Nam sản xuất là 280.000 đồng/mẫu/người Việt Nam và 330.000 đồng/mẫu/người nước ngoài.

Nếu dùng test kit của Mỹ là 360.000 đồng/mẫu/người Việt Nam và 405.000 đồng/mẫu với người nước ngoài.

Còn xét nghiệm Covid-19 PCR mẫu gộp với chi phí 800.000 đồng/người. Đối với xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn dành cho người Việt Nam có giá 1.200.000 đồng, cho người nước ngoài có giá 1.500.000 đồng và có thể lên đến khoảng 1.900.000 đồng nếu kèm theo các dịch vụ khác như gửi về tận nhà hay dịch thuật.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, giá xét nghiệm test nhanh từ ngày 23/9 trở về trước là 179.000 đồng/mẫu, xét nghiệm PCR 729.000 đồng/mẫu.

Bắt đầu từ ngày 24/9, giá test nhanh giảm xuống còn 150.000 đồng/mẫu và xét nghiệm PCR là 720.000 đồng/mẫu.

Liên quan đến giá test kit và giá dịch vụ test nhanh Covid-19 “trăm hoa đua nở”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, điều này phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Ví như các loại test đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu, Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm...

“Hơn nữa, test kit Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá theo quy định của Chính phủ, tức doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về giá, chất lượng. Hiện nay, để công khai, minh bạch và để các cơ sở y tế nắm bắt, có kế hoạch mua sắm và sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch theo đúng quy định hiện hành, Bộ Y tế đã tổng hợp, thường xuyên cập nhật, công bố thông tin các sinh phẩm xét nghiệm gồm cả giá bán do đơn vị tự công bố”, ông Thuấn cho biết thêm.

Làm thế nào để kiểm soát giá xét nghiệm Covid-19?

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu mặt hàng test kit rất lớn. Với vai trò của mình, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp và hỗ trợ về thuế, thông quan mặt hàng này.

Về quản lý giá, ông Tuấn cho biết, đây không phải mặt hàng nằm trong danh mục được bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với vai trò quản lý giá, quan điểm của Bộ Tài chính là luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khi có yêu cầu, đồng thời tham mưu cho Chính phủ.

Dẫn lại quy định của Luật giá 2012 và Nghị định 177/2013, ông Tuấn cho biết, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định và đáp ứng các tiêu chí quy định trong luật này.

Nếu muốn đưa mặt hàng test kit Covid-19 vào danh mục hàng bình ổn giá thì khi có đề xuất của Bộ Y tế và các địa phương, Bộ Tài chính sẽ xem xét trình Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trước mắt, để tiết kiệm chi phí, theo ông Tuấn, các địa phương có thể đứng ra tổ chức đấu thầu mua với số lượng lớn để hạ giá thành.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, để kiểm soát giá, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế công lập điều chỉnh giá xét nghiệm theo từng giai đoạn.

Do vậy, từ ngày 1/7/2021, khi nhiều công ty nhập test kit và trong nước cũng đã sản xuất được test kit nên dải giá test rất khác nhau. Bộ Y tế đã có yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi, thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Bộ cũng bổ sung thêm hình thức gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí.

“Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành. Đồng thời, Bộ cũng đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test kit Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật”, ông Thuấn cho hay.

Kiểm tra, thanh tra các đơn vị, địa phương “có vấn đề”

Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép 97 test SARS-CoV-2 (trong đó 35 loại PCR và 62 test kháng nguyên).

Gần đây nhất, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở y tế, thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn, kiểm tra các tỉnh “đang có vấn đề cần được chấn chỉnh”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.