Lối sống

Bất ngờ lý do hủy hoại bản thân vì... thất tình

17/07/2017, 20:05

Những người tự hủy hoại bản thân thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức và cô đơn...

tu-huy-hoai-1499996645

Hội chứng tự hủy hoại bản thân.

Những hành động "điên rồ" của giới trẻ

Dấu hiệu cảnh báo một người nào đó có thể tự làm tổn thương bản thân như: thường xuyên có các vết thương mà không rõ nguyên nhân, giảm lòng tự trọng, dễ căng thẳng, cô đơn, có mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân, khả năng lao động và học tập kém.

ThS.BS Lê Công Thiện (Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 18-45 tuổi và đang có nguy cơ trẻ hóa”.

Ngày 8/7, trên Facebook phát trực tiếp một thanh niên khoảng 20 tuổi, quê Long An, anh này xăm toàn bộ khuôn mặt được coi là “vì thất tình”. Đa số comment phản đối hành động này, nhiều người thậm chí nặng lời chỉ trích hành động này là “điên rồ”, “chặt đứt tương lai của mình”, “bế tắc đến mức hủy hoại thân thể” v.v…

tn1_zgxd

Xăm trổ toàn bộ khuôn mặt vì thất tình.

Không lâu trước đó, mạng xã hội cũng “nổ tung” vì một clip nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai. Chỉ trong vòng một ngày, số người theo dõi và share clip của nữ sinh này đã chạm mốc 30.000 lượt.

tn2_hbpu

Nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai.

Đầu năm nay, cả nước Nga giật mình vì một thanh niên 21 tuổi, đã kích động một trò chơi “chết người” tên là “Thử thách Cá voi xanh”. Theo đó, người này chọn 20 người trong số 20.000 người quan tâm đến trò chơi để đưa ra các nhiệm vụ trong 50 ngày như dùng dao khắc hình cá voi trên tay, xem phim kinh dị, cắt mạch máu, giữ thăng bằng trên mái nhà cao tầng, thức dậy lúc 4h sáng, giết một con vật và cuối cùng là tự sát vào ngày cuối cùng. Trò chơi này đã trở thành trào lưu trong giới trẻ, gây ra cái chết của 130 thiếu niên ở Nga và nhanh chóng lan sang Anh khiến cảnh sát Anh liên tục phải cảnh báo, tuyên truyền ngăn chặn xu hướng này ở các trường học.

Hủy hoại bản thân để tự trấn an những khủng hoảng tinh thần

Theo Ths tâm lý Nguyễn Lan Anh, những cơn trầm cảm thể nặng hầu như đều bắt đầu từ những khủng hoảng dạng vừa của tuổi vị thành niên. Khi đó, những khủng hoảng vẫn còn ở mức đơn thuần và có thể kiểm soát, như khủng hoảng ước mơ (không biết mình muốn gì để chọn trường, chọn nghề), khủng hoảng giao tiếp (không được nhiều người yêu quý), khủng hoảng giới tính v.v…

Những người tự hủy hoại bản thân thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác, sợ hãi đối mặt các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Càng lớn lên, các mối quan hệ xã hội phức tạp dần, “cơn khủng hoảng” có thể phình to thành trầm cảm. Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm thì “hậu quả khôn lường”.

Theo một số nghiên cứu, thói quen tự hành xác bản thân sẽ khiến phát sinh các chất gây tê tự nhiên trong cơ thể, có khả năng tự mình xoa dịu những nỗi đau về mặt tinh thần, tìm thấy sự dễ chịu về cảm xúc. Do đó, việc này có thể gây nghiện, dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào việc tự hành hạ bản thân.

Sau khi tự gây thương tích cho bản thân, người bệnh cố gắng đạt các mục đích như mong có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác, giải quyết các bất đồng, làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người...

Một số nghiên cứu tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng hành vi tự gây thương tích có tỉ lệ khoảng 4% người lớn, tỉ lệ này ở thanh niên là 15%, còn ở sinh viên lên đến 17-35%. Tự hủy hoại cơ thể được tìm thấy trong khoảng 30% người nghiện rượu và 10% người nghiện ma túy đường tiêm tĩnh.

Cần phải chữa trị

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, rất nhiều bệnh nhân đã tự “chữa trị” cho mình và chấm dứt tình trạng trầm cảm nhờ vào những liệu pháp khá đơn giản.

Đi du lịch, tách mình khỏi môi trường tù túng ngột ngạt là một phương pháp dễ thực hiện và có hiệu quả tương đối cao. Có đến gần 50% bệnh nhân của bác sĩ Phượng vượt thoát được stress nhờ vào phương pháp này mà không cần dùng thuốc. Bác sĩ Phượng tích cực khuyên bệnh nhân và người nhà “đi du lịch” từ sau khi đọc được thông tin trên trên tạp chí Schizophrenia Bulletin: ở đó các nhà nghiên cứu của một trường Đại học tại Anh kết luận: thanh thiếu niên sống ở nông thôn ít bị trầm cảm hơn so với ở thành phố 40%. Một số bệnh nhân phản hồi lại: họ cảm thấy không khí bên ngoài tự do và “ít xét nét” hơn thành phố. Thêm nữa, đi xa một chuyến, có điều kiện cho những căng thẳng lắng lại, sẽ thấy thế giới bên ngoài rất rộng lớn, nhiều người trong số đó sau đó trở thành những người mê du lịch và thường xuyên dùng cách “đi chơi” để giải tỏa căng thẳng.

tn4_mboq

Du lịch là cách hiệu quả nhất để giải tỏa căng thẳng.

Một cách khác để giải tỏa tâm trạng xấu là tìm một thú vui nào đó mà bản thân say mê để “đánh lạc hướng” cơn trầm cảm. Có thể là chơi nhạc, vẽ, nhảy múa, tập võ, tập nấu ăn, pha chế đồ uống, tập viết văn, nuôi thú cưng v.v… Nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong kể: giai đoạn thanh niên từng có lúc anh bị sa đà vào “thói hư tật xấu” và cảm giác mất thăng bằng. Sau đó, nhờ tập trung chơi guitar, những cảm xúc tiêu cực mất dần đi. Sau này, anh Phong luôn chú ý đến việc dạy guitar cho thanh niên, nhất là lứa tuổi dậy thì, một phần có nguyên nhân để các bạn “tập trung vào việc tốt và quên việc xấu”.

Tuy nhiên, để an toàn hơn thì với những người bệnh này, người nhà cần tìm ra nguyên nhân tự gây tổn thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại, tạo ra mối liên kết giữa cảm xúc và hành vi. Cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ có thể khiến người bệnh có biểu hiện rối loạn hành vi, gây hại cho bản thân.

Khi phát hiện một người tự thương, chúng ta cần đưa ngay họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.