Y tế

Bất ngờ nguyên nhân gây viêm phổi, méo miệng, lệch mặt... trong ngày hè

30/06/2022, 18:39

Trong những ngày nắng nóng không ít người già nhập viện do viêm phổi vì bật điều hòa nhiệt độ thấp...

Người già viêm phổi vì… lạnh giữa ngày hè

BS. Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng không ít người già nhập viện do viêm phổi vì bật điều hòa nhiệt độ thấp, đặc biệt với người cao tuổi bị sa sút trí tuệ, hoặc yếu nằm liệt một chỗ.

img

Một ca nhập viện điều trị viêm phổi tại BV Lão khoa Trung ương

Cụ bà N.T.A (80 tuổi, Hà Nội) được đưa vào viện trong tình trạng khó thở và đờm nhiều. Theo người nhà, bệnh nhân sa sút trí tuệ, nằm 1 chỗ, 3 ngày gần đây, bệnh nhân kèm ho có đờm, ngày càng tăng. Trước nhập viện gia đình cho cụ bà dùng thuốc ho nhưng không đỡ, đờm nhiều kèm khó thở. Được biết, những ngày nắng nóng, gia đình thường xuyên bật điều hòa trong phòng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi.

BS. Trần Đình Thắng cho biết: "Mùa hè, việc nằm điều hòa quá lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người già. Đặc biệt là với những người già suy giảm nhận thức, yếu liệt phải nằm một chỗ, không thể tự chủ động điều chỉnh nhiệt độ hay tự đắp chăn. Bên cạnh đó, khả năng cảm nhận của người già cũng đã bị suy giảm nên khó cảm thấy bản thân bị lạnh”.

Còn theo BS. Đỗ Mai Huyền. Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong mùa nắng nóng hiện nay, khi cho người già nằm phòng điều hòa cần lưu ý, không để nhiệt độ quá thấp. Nhiệt đột được khuyến cáo từ 27 - 29 độ C và thêm quạt thông gió. "Có nhiều trường hợp chỉ để 20 - 22 độ C rất dễ gây viêm phổi, viêm phế quản. Đồng thời, chỉ nên bật điều hòa trong khung giờ cao điểm nắng nóng là 10h - 16h. Khi trời đã dịu mát nên tắt điều hòa, để hé cửa và cho quạt thổi nhẹ, lưu thông không khí trong phòng", BS. Huyền nói.

BS. Huyền cũng lưu ý với người cao tuổi có khả năng đi lại, không nên nằm phòng điều hòa quá lâu. Thỉnh thoảng cần tắt điều hòa và ra ngoài vận động. Người già ít vận động sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như: cơ xương khớp, suy tĩnh mạch chân. Nhiều tình trạng bệnh lý nền cũng sẽ gia tăng khi không vận động.

Khi từ phòng điều hòa ra bên ngoài cần tắt điều hòa và ngồi một lúc để cơ thể cân bằng nhiệt độ. Ngược lại, khi đi ngoài nắng về không nên vào phòng điều hòa mát lạnh ngay, mà cần nghỉ ngơi trước ở phòng đệm để tránh sốc nhiệt.

Méo miệng, lệch mặt cũng vì… điều hòa lạnh quá

ThS. BS. Ngô Thị Kim Oanh, BV Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo, trong những ngày trời nóng đổ lửa, việc ngủ dưới máy lạnh và quạt với cường độ cao là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên liệt mặt ngoại biên. Tổn thường này dẫn đến mất thẩm mỹ, ảnh hưởng công việc, tâm lý người bệnh và chất lượng sống.

Liệt mặt ngoại biên do lạnh mức độ nhẹ 80% sẽ tự lành trong vòng vài tuần sau đó. Tuy nhiên, người bệnh ở mức độ nặng có tổn thương sợi trục thì rất khó khăn trong việc điều trị hồi phục.

Theo BS. Oanh, bệnh khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ. Các dấu hiệu nhận biết, mặt mất cân xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nếp nhăn vùng trán, ranh mũi má mắt, nhân trung lệch, miệng méo; Mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân không làm được hay khó khăn khi thực hiện các động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo …

“Khi có những biểu hiện trên người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để khám tìm ra nguyên nhân, tầm soát mức độ tổn thương của dây thần kinh bằng các triệu chứng lâm sàng và điện cơ vùng mặt. Người bệnh bị liệt mặt ngoại biên mức độ nặng nếu không được điều trị và hướng dẫn đúng cách sẽ dẫn đến nhưng biến chứng nặng nề như xuất hiện dấu giật ở mặt (tic), viêm loét giác mạc, liệt cứng... Điều trị thường phải kết hợp nhiều phương pháp.

Đa số người bệnh sẽ hướng tới y học cổ truyền để hồi phục như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động vùng mặt, thuốc y học cổ truyền, thủy châm... Hiện tại có một phương pháp điều trị mới, an toàn, hiệu quả và phù hợp với người bận rộn là cấy chỉ điều trị”, BS. Oanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.