Xem - ăn - chơi

Bất ngờ với chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy trên sân khấu ballet

29/08/2017, 08:02

Lần đầu tiên truyền thuyết về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy được đưa lên thánh địa ballet.

15

Một cảnh trong vở diễn “Mối tình thành cổ”

Dưới bàn tay của biên đạo múa Pháp cùng với các nghệ sỹ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã biến chuyện tình này thành một phiên bản mới mẻ, hấp dẫn người xem.

Người Pháp hiểu bản sắc Việt

Vở diễn Mối tình thành cổ là dự án hợp tác của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace. Vở diễn lần đầu ra mắt năm 2010, nhưng phải đến 7 năm mới được công diễn trở lại tại Nhà hát lớn Hà Nội. Truyền thuyết nổi tiếng về chuyện tình đẫm lệ của Mỵ Châu, Trọng Thủy đã được sân khấu hóa ở các bộ môn nghệ thuật: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói... nhưng tái hiện nó bằng nghệ thuật múa ballet kết hợp với múa dân gian, múa đương đại thì đây là lần đầu tiên. Qua lăng kính của biên đạo múa Bertrand d’At - Giám đốc Đoàn ballet Quốc gia vùng Rhin (Pháp), nội dung của truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy đã bị phá vỡ kết cấu. Không chỉ kể về chuyện tình, vở diễn Mối tình thành cổ mang thông điệp xóa bỏ hận thù, toan tính, tôn vinh tình yêu vượt thời gian, hướng tới lòng nhân ái, hòa bình.

NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, vở diễn là một trong những tác phẩm nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Sau 7 năm, vở diễn được tái hiện lại qua 2 tháng xây dựng và ê-kíp tập luyện 40 ngày liên tục. Vở diễn vẫn giữ nguyên tinh thần, chỉ có dàn diễn viên, trang phục mới, ánh sáng và âm thanh hiện đại thu hút người xem.

Vở ballet Mối tình thành cổ có sự tham gia của các nghệ sĩ: Thu Hằng vai Mỵ Châu, NSƯT Phan Lương vai Trọng Thủy, NSƯT Cao Chí Thành vai An Dương Vương, NSƯT Đàm Hàn Giang vai Triệu Đà, cùng các nghệ sĩ: Thọ Dương, Minh Trang, Thu Hòa...

“Chính ánh sáng, trang trí sân khấu với kỹ thuật công nghệ đã góp phần làm cho vở diễn đẹp, sang trọng và là yếu tố minh họa có hiệu quả, dễ tiếp nhận cảnh chiến tranh, khói lửa, cảnh trốn chạy với những chiếc lông ngỗng rơi, viên ngọc trai đẫm màu huyết lệ. Bối cảnh sân khấu được dàn dựng mới lạ ngăn cách bởi tấm màn trong mờ tạo hiệu ứng layer mơ màng. Vở diễn vừa có chất liệu hiện đại nhưng vừa cổ đại”, ông Phương nhấn mạnh.

Mối tình thành cổ được sáng tạo trên cơ sở từ thời hiện đại nhìn về quá khứ như một giấc mơ, tập trung khai thác mối tình lãng mạn, lay động xúc cảm và thức tỉnh lòng nhân ái của con người. Mở đầu vở diễn là cảnh chàng trai với bó hoa trên tay ngồi chờ người yêu trên phố. Chàng trai, cô gái này là hiện thân của Mỵ Châu, Trọng Thủy trong thời hiện đại. Sau đó, câu chuyện truyền thuyết sẽ được tái hiện qua 9 cảnh diễn lớn với nhiều lớp múa đôi, múa ba, múa đơn như: Cảnh đám cưới của công chúa, hoàng tử, cảnh hòa bình, cảnh nhà vua và công chúa chạy trốn, khúc nguyện cầu của hoàng tử...

Màn cuối, khúc nguyện cầu của hoàng tử trong trạng thái cô độc, tuyệt vọng được nối với tình yêu lứa đôi thời hiện đại. Họ trao nhau viên ngọc trai đẫm màu huyết lệ, tỏa sáng lung linh như minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu. Gắn kết con người xã hội hiện đại với thông điệp về hòa bình, hợp tác thân thiện.

Sử dụng 3 ngôn ngữ múa

Điều đặc biệt, vở diễn Mối tình thành cổ sử dụng múa ballet cổ điển; múa dân gian; múa đương đại. NSƯT Đàm Hàn Giang, người được mệnh danh “hoàng tử ballet xứ Việt”, đảm nhận vai Triệu Đà trong vở diễn phân tích: “Ballet và múa dân gian, múa đương đại rất khác nhau. Động tác của ballet vuông vắn, đẹp, thẳng còn múa dân gian, đương đại là những động tác di chuyển theo đường cong, mềm mại. Nhưng biên đạo đã kết hợp sự tinh túy nhất của các loại hình nghệ thuật, ballet và dân gian đương đại hòa quyện vào nhau trong vở diễn. Biên đạo phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử Việt Nam mới làm được như vậy”.

Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn của kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ múa “ba trong một”. Đồng thời, giúp khán giả liên hệ, đồng cảm và chia sẻ với câu chuyện tình yêu vượt thời gian và không gian. “Đề tài lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam nhưng ê-kíp sáng tạo lại là người Pháp. Họ có sự nghiên cứu rất kĩ về Việt Nam. Các chi tiết nhỏ như: Rắc lông ngỗng, những giọt máu đào chảy xuống biển biến thành viên ngọc trai đỏ... tạo nên bản sắc rất Việt Nam không ở đâu có, nhưng rất tiên tiến, thích hợp thời đại. Bên cạnh đó, sự hòa quyện của ngôn ngữ múa, âm nhạc, kỹ thuật rất ngọt ngào”, NSND Anh Phương dành lời khen ngợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.