Pháp luật

Bát nháo khám sức khỏe thi bằng lái xe

28/11/2016, 18:56
image

Nhiều người cho rằng, khám sức khỏe để thi lái xe hầu hết chỉ là đối phó cho đủ thủ tục trong hồ sơ.

DSC_9270 (1)

Người dân đăng ký giấy khám sức khỏe lái xe tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 9, TP HCM.

Theo quy định, để thi bằng lái xe máy, ô tô phải có giấy khám sức khỏe (GKSK). Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người cho rằng, khám sức khỏe để thi lái xe hầu hết chỉ là đối phó cho đủ thủ tục trong hồ sơ.

Khám qua 6 chuyên khoa chỉ mất... 15 phút

Theo giới thiệu của một nhân viên Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Thành Công (Q10, TP HCM) PV Báo Giao thông tìm đến Phòng khám Đa khoa Sài Gòn, Trung tâm Khám bệnh số 2 (đường Lý Thái Tổ, Q10) để khám sức khỏe thi bằng lái xe B2. Ngày 18/11, khi chúng tôi đến cũng là lúc phòng khám gần đến giờ nghỉ trưa. Một nhân viên ở quầy tiếp tân vội nói: “Nhanh lên em, đóng tiền rồi cầm tờ giấy này lên các phòng khám rồi dán ảnh, đóng dấu sau”.

Vào phòng khám Tai - Mũi - Họng, bác sĩ hỏi chúng tôi “khám sức khỏe lái xe à, tiền sử có bệnh tật gì không” rồi không cần kiểm tra, bác sĩ điền vào giấy với kết luận “bình thường”. Đến phòng khám mắt, sau ba phút kiểm tra đọc các hàng chữ cái, tôi đã đọc tốt và được bác sĩ điền vào giấy với thị lực mắt 10/10. Thế nhưng, có một phụ nữ khám sau tôi, mắt phải thị lực 10/10 và mắt trái không đọc được những dòng chữ nhỏ, thị lực yếu được bác sĩ kết luận 4/10 khi không có kính và đeo kính là 10/10. Chỉ trong vòng 15 phút, đi hết 6 chuyên khoa, PV và người phụ nữ kia đều được bác sĩ kết luận đủ sức khỏe lái xe bốn bánh bằng B2(?!).

Dạo quanh một số trung tâm y tế, phòng khám, bệnh viện ở quận: 9, 10, Gò Vấp... tình trạng này diễn ra tương tự. Chị Nguyễn Thị Hoa đang cắm cúi điền thông tin vào GKSK ở Bệnh viện quận Gò Vấp chia sẻ: “Tôi khám sức khỏe để xin việc làm, thực ra đi khám cho hợp lệ, đầy đủ hồ sơ chứ ít nơi nào khám sức khỏe xin việc làm mà kỹ càng. Tâm lý người dân khám sức khỏe xin việc, hay thi bằng lái xe chỉ tìm nơi nào khám cho nhanh, tiện lợi nên nhiều bệnh viện cũng chỉ khám qua loa, đóng dấu cho nhanh”.

Điều đáng nói, lệ phí GKSK lái xe ô tô mỗi nơi một giá, thu phí không thống nhất. Tại Phòng khám Đa khoa Sài Gòn là 250 nghìn đồng/lần khám. Trong khi đó, Trung tâm Đào tạo lái xe Bách Khoa giới thiệu nơi khám chỉ 90 nghìn đồng. Theo giải thích của trung tâm này, nếu nhiều người nộp hồ sơ, cùng khám một lúc, giá sẽ rẻ hơn khi đi khám riêng từng người. Riêng khám sức khỏe xin việc làm cũng có nhiều loại, khám “bình thường” là 50 nghìn đồng, loại GKSK theo Thông tư 24 của Bộ Y tế phối hợp Bộ GTVT về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lái xe là 180 nghìn đồng.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo một giám đốc trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, việc khám sức khỏe để thi bằng lái xe là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trung tâm, phòng khám chưa làm hết trách nhiệm, mà chỉ đại khái, qua loa. Đó là chưa kể mỗi nơi lấy giá một kiểu và mua bán GKSK ở các bệnh viện quá dễ dàng. “Khi nhận hồ sơ GKSK, chúng tôi căn cứ trên hồ sơ kết luận của bác sĩ với điều kiện “đủ sức khỏe” để xét duyệt. Trong thực tế, nếu học viên không đủ thị lực hay tai có vấn đề, thì trung tâm cũng không biết để từ chối”, vị giám đốc bộc bạch.

Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch đào tạo và cấp GPLX (Sở GTVT TP HCM) cho biết, Thông tư 24 là quy định bắt buộc. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã có quy định cụ thể về những điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe. “Trong trường hợp học viên không đủ điều kiện như: Tàn tật, thị lực dưới 5/10, nếu hồ sơ ghi đủ điều kiện được thi lái xe, chúng tôi cũng vẫn không cho thi”, ông Nhân nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Sở Y tế TP HCM cho biết, về quy định khám sức khỏe thi bằng lái xe, chỉ những bệnh viện, phòng khám đủ điều kiện, tiêu chuẩn mới được đăng ký khám. “Tại những bệnh viện, phòng khám này, Sở Y tế đã giao quyền cho lãnh đạo phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố cũng như việc khám, chữa bệnh chưa đạt yêu cầu của người dân. Trong trường hợp có bệnh viện, phòng khám nào gây tắc trách bị người dân phản ánh, Sở sẽ kiểm tra để xác minh làm rõ”, vị đại diện nhận định. 

Với những người lái xe các hạng: A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE, Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GTVT (Thông tư số 24/2015) quy định những người có một trong các dị tật sau không được điều khiển xe: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; Rối loạn tâm thần mạn tính; Thị lực nhìn xa từng mắt: Mắt tốt dưới 8/10 hoặc mắt kém dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); Tật khúc xạ; Các bệnh chói sáng, quáng gà; Cụt hoặc mất chức năng 2 ngón tay của 1 bàn tay trở lên; Cụt hoặc mất chức năng 1 bàn chân trở lên.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.