Vận tải

Bát nháo vận tải ở Quảng Ninh: Bao giờ khép lại cuộc chiến không cân sức?

23/08/2019, 06:41

Doanh nghiệp tuyến cố định vẫn không thể cạnh tranh với loại xe Limousine núp bóng hợp đồng, dẫn tới thua lỗ nặng.

img
Nhà xe Hùng Đức thuộc HTX Thanh Sơn là đơn vị duy nhất tuyến cố định Quảng Ninh - Hà Nội chạy tuyến cao tốc nhưng lại không được chấp thuận xe trung chuyển ở Hà Nội

Sẵn sàng từ bỏ khách quen và lộ trình truyền thống nhưng doanh nghiệp tuyến cố định vẫn không thể cạnh tranh với loại xe Limousine núp bóng hợp đồng, dẫn tới thua lỗ nặng.

Ra xe 8 tháng, lỗ 10 tỷ

Mặc dù ở trong thế khó nhưng vẫn muốn cạnh tranh sòng phẳng với xe Limousine, cuối năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ vận tải Thanh Sơn (có địa chỉ tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã quyết định hủy 12 chuyến xe (24 lượt) chạy tuyến cố định Bến xe Cửa Ông - Bến xe Mỹ Đình theo luồng tuyến QL18 và “hy sinh” hàng trăm khách quen để đăng ký mở tuyến Bến xe Cửa Ông - Bến xe Mỹ Đình theo luồng tuyến cao tốc. Tính đến nay, HTX Thanh Sơn là doanh nghiệp duy nhất được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận luồng tuyến này.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thanh Sơn cho rằng: “Cuộc cạnh tranh giữa xe Limousine núp bóng hợp đồng chạy tuyến cố định với xe khách tuyến cố định truyền thống ở Quảng Ninh đang không sòng phẳng. Limousine đang dần bóp chết tuyến cố định và đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế phá sản”.

Theo ông Hùng, chi phí vận hành một chiếc xe Limousine 9 chỗ với chiếc xe khách tuyến cố định 43 chỗ đang chênh lệch rất lớn. Cụ thể, cùng với quãng đường từ Hạ Long đến trung tâm TP Hà Nội theo tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, xe Limousine 9 chỗ chỉ mất khoảng 700.000 đồng/chuyến tiền dầu (xe tuyến cố định mất 2.200.000 đồng); phí đường bộ tại cầu Bạch Đằng là 35.000 đồng/lượt (tuyến cố định là 60.000 đồng); phí cao tốc Hải Phòng - Hà Nội là 210.000 đồng/lượt (tuyến cố định 350.000 đồng).

Riêng phí bến bãi thì xe Limousine không mất vì loại xe này quay vòng đón trả khách và hầu hết các chuyến đều đủ khách với giá vé trung bình 240.000 đồng/người. Trong khi đó, xe tuyến cố định 43 chỗ phải đóng 300.000 đồng cho một bến (2 đầu bến là 600.000 đồng) và số khách chỉ dao động khoảng 25/43 ghế/lượt với giá vé 140.000 đồng/người.

Ông Hùng cũng cho biết, bài toán trên chỉ là so sánh giữa 1 chiếc xe. Thực tế, HTX Thanh Sơn với nhà xe Hùng Đức có 12 chiếc xe (quy định tuyến cố định 1 xe chạy 1 chuyến/ngày, tức 12 chuyến với 24 lượt chạy/ngày). Trong khi rất nhiều hãng xe Limousine có đến 40 chiếc xe (trung bình 1 xe chạy 2 chuyến/ngày, tức 80 chuyến với 160 lượt/ngày). Tần suất hoạt động liên tục của Limousine cũng đang gây áp lực đối với tài xế và không ai dám chắc rằng thời gian lái xe trên đường của tài xế có vượt quá quy định cho phép, điều này tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Theo báo cáo tài chính kinh doanh của HTX Thanh Sơn, từ khi bắt đầu khai thác tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội theo luồng tuyến cố định đến nay (từ tháng 12/2018), doanh nghiệp đã thua lỗ gần 10 tỷ đồng do chi phí vận hành cao mà không có khách.

Tuyến cố định cần “cánh tay nối dài”

img
Xe hợp đồng 9 chỗ (hay Limousine) núp bóng hợp đồng chạy tuyến cố định hoành hành trên các tuyến đường Quảng Ninh

Nguyên nhân thua lỗ nặng nề được lãnh đạo HTX Thanh Sơn xác định là do xe Limousine vẫn “cướp khách” với sự trợ giúp của “xe trung chuyển” - một loại xe mà các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định Quảng Ninh - Hà Nội chưa được cấp phép hoạt động ở Thủ đô.

Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, theo nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp và quy định của pháp luật, Sở GTVT Quảng Ninh đã chấp thuận cấp phù hiệu “xe trung chuyển” cho một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có HTX Thanh Sơn để hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, năm 2018, Sở GTVT Quảng Ninh cũng đã gửi công văn đến Sở GTVT Hà Nội về việc đề nghị cấp phép hoạt động xe trung chuyển từ phía Bắc nội thành TP Hà Nội sang bến xe Gia Lâm cho HTX Thanh Sơn để tạo điều kiện cho đơn vị duy trì hoạt động trên tuyến.

Thậm chí, sau khi nhận được văn bản đề nghị cấp phép sử dụng xe trung chuyển phục vụ tuyến cố định trên địa bàn TP Hà Nội của HTX Thanh Sơn, tháng 2/2018, Bộ GTVT cũng đã có công văn đề nghị Sở GTVT Hà Nội giải quyết kiến nghị của HTX và có ý kiến yêu cầu Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, xem xét cấp phù hiệu “xe trung chuyển” theo quy định bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các đơn vị khai thác tuyến cố định trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay “cánh tay nối dài” mang tên “xe trung chuyển” của HTX Thanh Sơn vẫn chưa được đáp ứng mà không được Sở GTVT Hà Nội lý giải.

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Dù thực trạng xe dù, xe Limousine núp bóng hoạt động công khai, gây hỗn loạn thị trường vận tải Quảng Ninh như vậy, tuy nhiên, theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Quảng Ninh) cho biết: Loại xe Limousine đang có biểu hiện bùng phát nhưng lại không được quy định hoạt động rõ ràng nên những doanh nghiệp này đang lợi dụng lách luật, vận chuyển hành khách như tuyến cố định. Do đó, công tác phát hiện, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe nên hoạt động của Limousine ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh thông tin, đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 tháng triển khai, đoàn công tác đã phát hiện nhiều vấn để bất cập đối với vận tải khách Limousine. Hiện Ban ATGT tỉnh đang tổng hợp các giải pháp, kiến nghị nhằm siết chặt hoạt động của loại hình này.

Ông Tùng đề xuất, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 86 theo hướng siết chặt quản lý đối với loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ như Limousine để đảm bảo công bằng với các loại hình vận tải khác. “Có thể thêm loại hình kinh doanh vận tải Limousine bằng tên gọi taxi tuyến”, ông Tùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.