Xã hội

Hải Phòng: Ngư dân đánh bắt hải sản lên bờ bị "thu tô", chính quyền ở đâu?

06/04/2020, 13:00

Những hàng cọc ngang nhiên mọc lên thể hiện khu vực đó “đã có chủ”, ngư dân nào vào đánh bắt phải “nộp tô”.

img
Ngư dân đánh bắt con don, dắt bên những hàng cọc của đối tượng bảo kê

Có những chuyện tưởng như vô lý nhưng đang hàng ngày diễn ra nơi vùng cửa biển Hải Phòng: Những hàng cọc ngang nhiên mọc lên thể hiện khu vực đó “đã có chủ”, ngư dân nào vào đánh bắt phải “nộp tô”. Hiện trạng đó kéo dài nhiều năm nhưng chưa được lực lượng chức năng xử lý dứt điểm.

Cọc cát cứ quây kín vùng cửa biển

Báo Giao thông số ra ngày 30/3 đăng bài “Hải Phòng: Ngư dân nghèo bắt hải sản lên bờ bị thu tô 25%”, phản ánh tình trạng nhiều ngư dân thuộc các quận Dương Kinh, Đồ Sơn sau khi ra cửa biển đánh bắt con don, dắt, nhám khi trở về bờ bị một nhóm đối tượng ép phải nộp lại 25% sản lượng khai thác được. Lý do nhóm đối tượng đưa ra là ngư dân đã khai thác tại bãi của họ, nơi mà bãi biển đã bị cắm cọc đánh dấu lãnh địa của từng nhóm.

Những người thường xuyên qua lại vùng cửa biển Hải Phòng chẳng lạ lẫm gì với những hàng cọc cắm dọc ven các luồng hàng hải. Hàng chục bãi cọc như vậy đã mọc lên dọc vùng cửa biển thuộc địa giới các quận, huyện từ Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy, Cát Hải. Hàng trăm chiếc cọc, mỗi chiếc cách nhau chừng 15m kéo dài hàng km là sự đánh dấu, khoanh vùng để lấy căn cứ “thu tô” của ngư dân.

Chính ông Nguyễn Đức H. (ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) - một trong những người bị tố tham gia “thu tô” của ngư dân cũng xác nhận, có đứng ra thu lại phần trăm trong tổng số sản phẩm khai thác của ngư dân đánh bắt tại vùng biển cách khu du lịch Đồ Sơn khoảng 4 hải lý. Ông H. cho rằng, sở dĩ phải “thu tô” vì “khu vực vùng biển này là của chúng tôi”, rằng nhóm của ông đã “thả giống don, dắt nơi cửa biển này”. Tuy nhiên, căn cứ ông H. đưa ra chỉ là những hàng cọc, chứ người dân vùng biển nơi này đều biết rằng, đây là loài nhuyễn thể tự nhiên, chẳng ai nuôi, thả giống được.

Anh Trần Văn Tiệp, ngư dân làm nghề cào don, dắt trú tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh chia sẻ: “Khi các bãi triều gần bờ bị một số đối tượng “xã hội” cắm cọc cát cứ, chúng tôi phải đưa thuyền đi xa ra tận gần đảo Dáu (Đồ Sơn) để đánh bắt. Tuy vậy, ra tới tận vùng cửa biển gần phao số 0 rồi vẫn bị ông B. và một số người ra nhận rằng đấy là vùng bãi của ông ấy, bắt nộp 25% sản lượng. Ngư dân chúng tôi chẳng biết phải đi đánh bắt ở đâu thì mới không phải nộp tô cho những đối tượng “xã hội”?”.

Quản lý lỏng lẻo vùng cửa biển

Ngày 3/4, trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết: “Đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ lực lượng biên phòng, hiện đang tiến hành điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng”.


Đại diện UBND TP Hải Phòng và các quận, huyện trên đều khẳng định: “Không ai cấp phép cho những người tự ý cắm cọc, cát cứ vùng cửa biển. Những hành vi cắm cọc, thu tiền của ngư dân là vi phạm pháp luật”.

Dù khẳng định hành vi đó là sai nhưng nhiều năm qua việc cắm cọc, bảo kê, thu tô của các đối tượng “xã hội” vẫn âm thầm diễn ra. Suốt nhiều năm qua, trên vùng cửa sông, cửa biển Hải Phòng xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” bởi nó chẳng thuộc địa giới hành chính của quận, huyện nào. Lợi dụng điều đó, một số thành phần “xã hội” đã tự ý cắm cọc, quây vùng để “thu tô”.

Có một luật bất thành văn là hễ ngư dân vào bãi khai thác đều phải nộp lại 25 - 40% sản lượng khai thác được tùy theo mùa. Nếu ngư dân nào không nộp lập tức bị các tàu của “chủ bãi” lao ra xua đuổi. Nếu thuyền nào không chịu nộp tô mà vẫn cố tình đánh bắt thì kiểu gì cũng “có chuyện”. Đã có chuyện thuyền của ngư dân bị tàu của chủ bãi đâm hỏng mũi, khi lên bờ ngư phủ bị các đối tượng đầu gấu gây gổ đánh thâm tím mặt mày.

Tháng 7/2015, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm, rà soát, chấn chỉnh tình trạng khai thác, nuôi trồng thủy sản tại các bãi triều ven sông, cửa biển.

Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng bảo kê, thu tô nơi cửa biển, bắt 4 đối tượng. Tới năm năm 2017, UBND TP có văn bản chỉ đạo phân định tạm thời khu vực mốc giới biển giao cho các địa phương nhằm giải quyết những bất cập tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Sau nhiều động thái quyết liệt của chính quyền, những tưởng nạn cắm cọc, bảo kê sẽ chấm dứt. Tuy vậy, khoảng hai năm nay, tình trạng này lại tái diễn.

Anh Trần Văn Minh ở phường Hải Thành, quận Dương Kinh bức xúc: “Chúng tôi làm hùng hục từ sáng tới chiều đánh bắt được vài tạ don, dắt, nhám về bán cho thương lái với giá 1.500 đồng/kg. Cả ngày làm việc, trừ tiền dầu, hao mòn máy móc mỗi người thu được khoảng 300 nghìn đồng. Phải đóng tô 25 -30% sản lượng thu được, chúng tôi chẳng còn gì. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc bảo vệ dân nghèo chúng tôi”, anh Minh đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.