Xã hội

Bất thường tạm giữ 35 tàu ở Quảng Ninh

08/01/2020, 07:30

35 tàu vận tải thủy bị Hải đội I thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan tạm giữ cả tháng trời mà không hề lập biên bản tạm giữ.

img
Đoàn tàu 35 chiếc đang bị tạm giữ gần cảng Điền Công chờ giải phóng hàng

Giữ tàu không lập biên bản

Những ngày qua, trên sông Đá Bạc đoạn gần cảng thủy Điền Công (TP Uông Bí, Quảng Ninh) tập trung vài chục phương tiện thủy chở hàng khô neo đậu cùng nhau, mang biển số một số tỉnh phía Bắc. Trên các tàu đều có hàng, được đậy nắp kín và có dây buộc đánh dấu niêm phong.

Một số chủ tàu cho biết, đoàn phương tiện này gồm 35 chiếc, đều chở quặng thuê cho Công ty TNHH Hưng Giang bằng đường thủy từ Bắc Giang đến Quảng Ninh để xuất khẩu. Từ tháng 10-11/2019, khi tàu đến Quảng Ninh thì bị hải quan giữ lại, không cho bốc hàng lên tàu biển mà yêu cầu neo đậu ở Cẩm Phả, Quảng Ninh vì nghi lô hàng không được phép xuất khẩu.

Mới đây, các tàu này được đưa về khu vực trên neo đậu để chuẩn bị bốc dỡ hàng lên bờ. Các chủ tàu cho biết, việc tạm giữ phương tiện rất bất thường, không lập biên bản, khiến chủ tàu tốn kém nhiều chi phí do phải nằm một chỗ trong thời gian dài, tàu bị xuống cấp.

“Khi tạm giữ tàu họ không lập biên bản, yêu cầu lập thì họ nói chỉ “giữ hàng trên tàu chứ không giữ tàu” nên không lập. Đến khi họ yêu cầu chạy về sông, tôi bảo nếu không lập biên bản thì không đi. Lúc đó họ mới chịu lập biên bản, nhưng cũng không phải biên bản liên quan đến phương tiện mà là chứng nhận niêm phong hàng hóa, chứng nhận giữ giấy tờ tàu”, máy trưởng, chủ tàu HD-3368 Phạm Xuân Quỳnh nói.

Đáng nói hơn, biên bản do người của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh) lập chỉ là giấy biên nhận “niêm phong hàng hóa” đề ngày 3/1/2020, không có dấu của cơ quan. Tương tự, “biên bản chứng nhận” do người của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội I, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cũng đề ngày trên, không có dấu của cơ quan và chỉ có nội dung “đang quản lý những tài liệu liên quan đến tàu HD-3688 gồm: Chứng nhận đăng ký phương tiện và một số giấy tờ khác. Sau khi tàu về đến khu neo Điền Công để bốc dỡ hàng, đại diện Hải đội I sẽ bàn giao lại toàn bộ tài liệu trên”.

Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều chủ tàu khẳng định, các phương tiện đều có đầy đủ giấy tờ phương tiện, thuyền viên và giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, hợp đồng vận chuyển.

“Người của hải quan chỉ lên tàu lấy mẫu hàng rồi niêm phong và yêu cầu tàu neo đậu một chỗ. Chúng tôi yêu cầu lập biên bản về việc tạm giữ tàu nhưng họ không lập, cũng không cho đi. Họ nói rằng nếu cố tình đi sẽ có cảnh sát biển, cảnh sát đường thủy bắt phạt. Chúng tôi neo đậu lâu quá, lo sợ phương tiện bị hỏng, lại vẫn phải chi trả tiền cho thuyền viên, trả lãi vay đóng tàu nên không thể ngồi yên mãi. Đến ngày 2/1, chúng tôi không chịu nổi nữa, đồng loạt nổ máy để phản đối thì họ bảo vài hôm nữa sẽ cho tàu đi. Và đến giờ mới được về neo đậu ở trong sông nhưng cũng chưa biết khi nào mới được giải phóng hàng”, chủ các tàu HY-0525, BN-1717 và một số chủ phương tiện khác cho biết.

Chủ tàu điêu đứng

img
Các chủ tàu bức xúc vì tàu không bị lập biên bản giữ nhưng cũng không được di chuyển

Quan sát cho thấy, tại đoạn sông trên còn có 3 tàu công vụ của lực lượng hải quan neo đậu để canh giữ các tàu hàng. Đại diện Cảng vụ đường thủy Đá Bạc cho biết có nắm được thông tin có một đoàn tàu vài chục được hải quan Quảng Ninh đưa về đây neo đậu, song không bốc dỡ hàng hóa vào cảng, bến do cảng vụ đường thủy Trung ương quản lý. Vì vậy, thẩm quyền quản lý đối với đoàn phương tiện trên hiện thuộc lực lượng hải quan.

Khi lên phương tiện BN-1862, PV chứng kiến một nhóm thợ lặn, thuyền viên tàu đang tụ tập phía đuôi tàu để sửa chữa phương tiện. Thuyền viên của tàu này cho biết, ngày 4/1 khi tàu đang trên đường từ khu Vụng Đông (Quảng Ninh) về đây neo đậu thì bị hỏng bánh lái, phải thuê tàu áp mạn lai dắt về đây neo đậu để chờ giải phóng hàng.

Một thợ lặn vừa ngoi lên mặt nước giơ bàn tay rớm máu cho biết: “Vỏ tàu bên phía bên dưới bị hà bám dày lắm, nếu không sớm đưa tàu lên đà, cạo hà và sơn lại thì tàu càng nhanh hỏng”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cả chục tàu khác như: HD-2188, BN-1717, HY-0525… Thuyền viên trên tàu liên tục chỉ cho PV xem các mảng sơn bị bong tróc, đổi màu phía mũi tàu, thân tàu và cho biết nguyên nhân do bị hà bám, nước biển ăn mòn. Thuyền viên tàu BN-1756 thậm chí còn cho biết, có chỗ vỏ tàu đã bị mòn đến nỗi nước bắt đầu “thụt” từ bên ngoài vào.

Thuyền trưởng, cũng là chủ tàu HY-0525 kể: “Cả đoàn tàu 35 chiếc của chúng tôi bị hải quan ở Quảng Ninh tạm giữ, bắt neo đậu ở vùng nước mặn từ 1 tháng đến hơn 2 tháng; riêng tàu của tôi bị neo 72 ngày. Các chủ tàu nhiều lần phản đối nhưng đến giờ mới được đưa về đây. Các phương tiện đều là phương tiện thủy, chủ yếu hoạt động trong vùng nước ngọt. Các chuyến hàng trước đây, tàu neo đậu ở vùng nước mặn dài nhất là một vài ngày nên không ngại lắm, còn lần này bị neo đậu vài chục ngày, chẳng khác nào “cục sắt ngâm trong nước muối”.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Giang xác nhận, doanh nghiệp của ông nhận chở thuê 42.000 tấn quặng cho một công ty khác từ Bắc Giang đến Quảng Ninh để đưa lên tàu xuất khẩu và công ty hợp đồng thuê với hơn 30 chủ tàu để cùng chở.

“Các tàu đều có hợp đồng vận chuyển, có đầy đủ giấy tờ hàng hóa, phương tiện. Hải quan lập biên bản giữ hàng, không lập biên bản giữ tàu nhưng hàng ở trên tàu nên cũng không cho tàu đi. Hải quan không lập biên bản tạm giữ, không thông báo hay làm việc với công ty. Thời gian các tàu bị giữ đã 45-80 ngày, sau khi tàu được giải phóng xong phải lên đà sửa chữa, chứ không thể chạy tiếp được. Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Tổng cục Hải quan để giải quyết những thiệt hại mà doanh nghiệp đang phải chịu”, ông Dũng nói.

“Chỉ giữ hàng hóa, không giữ phương tiện”(?)

Ông Đào Xuân Thành, Hải đội trưởng Hải đội I cho biết, khi Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả bàn giao cho Hải đội I toàn bộ lô hàng 42.000 tấn quặng, vận chuyển trên 35 phương tiện thủy, đơn vị có ra quyết định tạm giữ lô hàng có chữ ký của chủ hàng. “Chúng tôi không giữ phương tiện, chỉ giữ hàng hóa thôi. Bốc xong hàng hóa là giải phóng phương tiện. Việc giải quyết thiệt hại là giữa chủ phương tiện ký hợp đồng với đơn vị thuê vận chuyển, không liên quan đến cơ quan hải quan”, ông Thành nói.

Đang làm rõ lô hàng có được phép xuất khẩu hay không

Tổng Cục Hải quan cho biết, đang xác minh lô hàng hơn 42.000 quặng Bauxit của Công ty CP Vận tải, Thương mại Bảo Nguyên (Lạng Sơn) đang chờ xuất khẩu qua cảng biển Cẩm Phả, Quảng Ninh, có thuộc diện được xuất khẩu hay không. Theo Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, mặt hàng quặng thô không nằm trong danh mục được xuất khẩu.

Còn đại diện Công ty CP Vận tải, Thương mại Bảo Nguyên cho biết, doanh nghiệp đang làm việc với các cơ quan chức năng, cung cấp các giấy tờ cần thiết để chứng minh lô hàng trên được phép xuất khẩu. “Theo phiếu kết quả thử nghiệm của Vina Control ngày 18/10/2019, mẫu quặng của lô hàng trên có hàm lượng Al2O3 là 50.36%. Chúng tôi đã cung cấp các giấy tờ và tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng để chứng minh lô quặng trên được phép xuất khẩu”, đại diện chủ hàng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.