Xã hội

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH đầu tháng 4

18/03/2016, 20:02

Ngay tại kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khoá XIII sẽ bầu ra Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

tran-dai-quang-chinh-ph-1731
Hội nghị TƯ 14 đã giới thiệu ba vị trí chủ chốt: Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân

 Theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII khai mạc vào ngày 21/3 tới đây, Quốc hội sẽ làm việc trong 19 ngày, trong đó, quá nửa thời gian làm việc dành để để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước vì sau Đại hội Đảng XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm, nhân sự được bầu lại tại kỳ họp lần này bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Riêng chức danh lãnh đạo Bộ, các cơ quan bộ, ngang bộ sẽ chờ Thủ tướng trình, sau đó Quốc hội sẽ căn cứ vào đó để xem xét.

Lý giải việc vì sao lần này lại tiến hành chuyển giao nhân sự ngay tại kỳ họp này chứ không chờ đến kỳ họp đầu tiên của khoá mới, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc giải thích: “Một số chức danh sau Đại hội Đảng không tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa mới, trong khi chúng ta đang tiến hành bầu cử khóa mới và đến tháng 7 mới diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14, đó là một khoảng thời gian khá dài. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu 5 năm của Đại hội Đảng khóa XII (2016-2021) nên chúng ta cũng cần động lực mới, khí thế mới để thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ".

HP thu
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí

 Tuy nhiên, ông Phúc cũng nói thêm rằng, đây không phải là vấn đề mới, mà cũng đã có tiền lệ. Trước đây, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI đã kiện toàn chức danh lãnh đạo nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của báo chí về số lượng đơn từ nhiệm của các chức danh chuẩn bị được bầu lại, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhiệm kỳ của các chức danh là 5 năm nhưng trong 5 năm đó, Quốc hội vẫn có quyền bãi nhiệm. Điều 10 của Luật tổ chức Quốc hội quy định người từ nhiệm phải có đơn, nhưng điều 11 lại nói rõ theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền bầu chức danh đó thì Quốc hội có quyền miễn nhiệm. 

"Miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội có quy trình. Quy trình phê chuẩn thành viên Chính phủ cũng vậy, dù một hay nhiều người cũng phải theo đúng quy định. Nếu đầu nhiệm kỳ chỉ bầu và phê chuẩn mới thì kỳ này phải thực hiện cả hai việc miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn, do đó cần có tờ trình, cho ý kiến, bỏ phiếu, kiểm phiếu…", ông Phúc giải thích thêm.

Trước đó tại Đại hội Đảng XII diễn ra vào cuối tháng 1, Ban chấp hành Trung ương Đảng XI giới thiệu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.