Thế giới

Bầu cử sớm tại Nhật Bản: Phép thử đối với Abenomics

12/12/2014, 10:36

Chủ nhật này (14/12), các đảng phái chính trị Nhật Bản sẽ chạy đua giành 475 ghế Hạ viện. Cuộc bầu cử trước thời hạn hai năm này là "phép thử" đối với học thuyết Abenomics đầy tham vọng...

Thủ tướng Shinzo Abe trong chiến dịch vận động tranh cử tại Tokyo ngày 7/12
Thủ tướng Shinzo Abe trong chiến dịch vận động tranh cử tại Tokyo ngày 7/12

Kinh tế sụt giảm nghiêm trọng

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Chính phủ do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu đang đứng trước hàng loạt sức ép. Thứ nhất, sau một thời gian tăng trưởng khả quan, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba thế giới đang có dấu hiệu suy giảm. Các số liệu công bố gần đây cho thấy, kinh tế Nhật Bản đã sụt giảm trong hai quý liên tiếp, dấu hiệu cho thấy tác động của đợt tăng thuế từ 5% lên 8% hồi tháng 4 vừa qua nghiêm trọng hơn so với tính toán. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hàng năm giảm 1,6% trong quý III, sau cú sụt giảm mạnh chưa từng thấy (-7,3%) vào quý trước. Thứ hai, uy tín của đảng cầm quyền đang bị “lung lay” do hai trong năm nữ Bộ trưởng của ông Abe dính bê bối về quỹ chính trị và phải từ chức. Tỷ lệ ủng hộ Chính phủ chỉ còn ở mức 40-50%.

Với những bất lợi trên, vì sao Thủ tướng Abe lại mạo hiểm “đặt cược sinh mệnh chính trị” của mình khi quyết định giải tán Hạ viện vào cuối tháng 11? Theo nhận định của Đài NHK, Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền đã đặt mục tiêu chiếm đa số an toàn trong cuộc bầu cử sớm này. Ông lập luận rằng, chính sách Abenomics đang giúp chấm dứt nhiều năm giảm phát và kích thích tăng trưởng. Nhưng ông muốn các cử tri thẩm định về chính sách này.

Trong cuộc vận động tranh cử, các đảng phái, ứng viên độc lập đều nhấn mạnh các biện pháp tăng trưởng kinh tế. Đảng cầm quyền giương cao khẩu hiệu “Phục hồi kinh tế, con đường duy nhất”, nhấn mạnh thành quả của Abenomics là cải thiện việc làm, tăng giá chứng khoán, đồng thời nhắc đến việc hoãn tăng thuế tiêu dùng 18 tháng so với kế hoạch ban đầu, theo đó mức thuế sẽ được áp dụng là 10% vào tháng 4/2017. Trong khi đó, đảng Dân chủ tung khẩu hiệu “Tầng lớp trung lưu sung túc”, coi việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế một cách ổn định. 

Làm mới bộ máy 

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, 34% số người được hỏi ủng hộ đảng Dân chủ tự do cầm quyền, bỏ xa đảng Dân chủ Nhật Bản đối lập chỉ vỏn vẹn 13%. Hai đảng này đều tranh luận gay gắt xung quanh các chính sách của Thủ tướng Abe trong hai năm vừa qua như: Kinh tế, an ninh và điện hạt nhân. Trong khi ông Abe muốn làm mới lại bộ máy cầm quyền bằng các chính sách kinh tế thì đảng đối lập cho rằng, chính sách đó đã tạo ra những khoảng cách lớn về thu nhập, bởi nó chỉ có lợi cho các công ty và các thành phố lớn. 

Ứng cử viên Shinzo Abe thuộc đảng Dân chủ tự do và ứng cử viên Banri Kaieda, đại diện cho đảng Dân chủ Nhật Bản đối lập, đều chọn Fukushima, địa điểm bị tàn phá nặng nề trong thảm họa hạt nhân năm 2011, là nơi đọc diễn văn tranh cử đầu tiên. Cả hai đều nhấn mạnh phải đẩy nhanh quá trình tái thiết Fukushima. Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng, “sẽ không thể phát triển nếu khu vực Fukushima không sớm được tái thiết”. Ông cam kết sẽ đẩy nhanh công cuộc tái thiết, tạo nhiều việc làm cho tỉnh này. Trong khi đó, ứng viên Banri Kaieda chỉ trích kế hoạch tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân của Chính phủ như thể “thảm họa hạt nhân chưa từng xảy ra ba năm về trước”. 

Theo giới quan sát, dù đối mặt không ít thách thức và chỉ trích, liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ tự do đứng đầu sẽ tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới, dù có thể không bảo toàn được 295 ghế liên minh trong Hạ viện cũ. Thắng lợi đó (nếu xảy ra) sẽ bảo đảm cho Thủ tướng Abe và ekip lãnh đạo mới ở Nhật Bản củng cố bộ máy cầm quyền cũng như tiếp tục điều chỉnh, thực hiện chính sách Abenomics, để thúc đẩy kinh tế.

Thạch Vũ  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.