Chính trị

“Bầu đi bầu lại nhân sự sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng”

25/04/2016, 19:04

Đó là quan điểm của Chủ tịch HĐ Dân tộc khi góp ý vào Báo cáo đánh giá kỳ họp 11, QH khóa XIII.

Chủ tịch HĐ dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng việc bầu đi bầu lại nhân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng.

Chiều 25/4, phiên hợp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo đánh giá kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và Tờ trình chuẩn bị kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.

Góp ý vào công tác nhân sự, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã làm đổi mới, đồng bộ toàn diện. Nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa sau. Theo đó, chúng ta phải tính lại thời gian tổ chức Đại hội Đảng và thời điểm họp Quốc hội, không để sát nhau quá.

“Như vừa qua, tháng 3 chúng ta bầu nhân sự, rồi tuyên thệ. Đến tháng 7, lại thực hiện như vậy. Thời gian gần nhau quá, và việc bầu đi bầu lại nhân sự cũng sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc này” – ông Chiến nêu quan điểm.

Về nội dung tuyên thệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, việc tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao đã thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo trước Nhân dân. Tuy nhiên, ông Tỵ cho biết có nhiều ý kiến của cử tri cũng như đại biểu phản ánh việc tổ chức nghi lễ tuyên thệ vừa qua chưa chặt chẽ.

“Khi đã tuyên thệ phải thể hiện sự nghiêm túc, đoàn chủ tịch và đại biểu cũng phải đứng lên, nhưng vừa qua thì người tuyên thệ đứng nghiêm túc, đoàn chủ tịch phía trên và đại biểu phía dưới vẫn ngồi. Lần sau ta tiếp tục làm thì khi tuyên thệ đoàn chủ tịch và đại biểu đều đứng lên, sau đó mới ngồi xuống để đảm bảo nghiêm trang, nghiêm túc”- ông Tỵ đề nghị.

Phản ánh lại những ý kiến đồng tình của cử tri về lễ tuyên thệ, bà Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, cử tri mong muốn phải có quy định rõ ràng, đồng bộ, thống nhất về các thủ tục, nghi thức.

“Mong Tổng Thư ký Quốc hội quan tâm tới việc phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục Lễ tân nhà nước (Bộ Ngoại giao) để chuẩn hóa kịch bản, đảm bảo nghi lễ thống nhất; có văn bản hướng dẫn cách thức đi lại, đứng, giơ tay như thế nào cho đảm bảo đúng giữa các đồng chí với nhau”- bà Hải nêu quan điểm.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là lần đầu tiên tổ chức lễ tuyên thệ nên phải vừa nghiên cứu vừa làm. Vì thế tới đây chúng ta phải xem xét để hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng thừa nhận việc người tuyên thệ đứng trang nghiêm, trong khi những người phía trên lại ngồi, đại biểu phía dưới dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh khiến người dân xem qua truyền hình trực tiếp thấy không nghiêm túc nên cần có sự điều chỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.