An ninh hình sự

"Bầu Kiên" tranh cãi nảy lửa tại Tòa

23/05/2014, 09:33

Ngày thứ 3 TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục nóng với phần đối đáp "nảy lửa" khi HĐXX thẩm vấn bị cáo Kiên để làm rõ hành vi buộc tội "kinh doanh trái phép" ...

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên


Truy hành vi trốn thuế


Theo cáo trạng, Công ty B&B được thành lập cuối năm 2008. Dưới sự chỉ đạo của Kiên, từ ngày 25/12/2008 đến ngày 31/12/2009, Công ty B&B do bà Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) làm Tổng Giám đốc đã có Văn bản ủy thác cho Ngân hàng ACB mở trạng thái giao dịch mua bán vàng ngoài lãnh thổ với tổng khối lượng là 440.250 ounce và  được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng nhưng không đóng thuế. 


Để làm rõ hành vi này, HĐXX đã thẩm vấn bà Đặng Ngọc Lan và bà Nguyễn Thúy Hương - cổ đông của Công ty B&B (em gái Kiên). Cả hai người này đều cho rằng mọi hoạt động của Công ty B&B do “bầu” Kiên nắm và quyết định. 


HĐXX đã triệu tập và thẩm vấn đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính - cơ quan thẩm định những hợp đồng nêu trên. Theo đó, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, với quy định của luật pháp, vì bà Hương chưa có giấy phép kinh doanh vàng nên hợp đồng trên là không hợp pháp. Công ty B&B cũng không có đăng ký kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Còn đại diện Bộ Tài chính - cơ quan giám định cho hay, căn cứ vào số liệu cơ quan điều tra cung cấp, số thuế mà B&B phải nộp là hơn 25 tỷ đồng…


Về nội dung này, Kiên khai “giúp” em gái (Nguyễn Thúy Hương) kinh doanh nên đã soạn thảo các hợp đồng trên và việc triển khai hoạt động kinh doanh này đúng các quy định của Luật Thuế, đã khai rõ các khoản thu với Chi cục thuế Đống Đa. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Tổng cục Thuế không có quyền đánh giá thẩm quyền kinh doanh vàng của Nguyễn Thúy Hương cũng như đánh giá tính hợp pháp hợp đồng mà bà Hương ký. Kiên cũng cho rằng, giám định viên Bộ Tài chính đã căn cứ vào các tài liệu không đầy đủ mà cơ quan điều tra đưa ra nên kết luận không chính xác.

Làm rõ việc kinh doanh vàng của ACB


Về việc Ngân hàng ACB có được phép kinh doanh vàng hay không? HĐXX cho gọi vị đại diện của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, năm 2010 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 31/3/2010. Quyết định này buộc các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, bao gồm trạng thái vàng cho phòng ngừa rủi ro giá vàng từ chuyển đổi vàng huy động lẫn trạng thái cho các nhu cầu vàng trên tài khoản sàn vàng trong nước. Đây là tiền đề cho hàng loạt các quyết định tiếp theo, yêu cầu các ngân hàng chấm dứt toàn bộ hoạt động huy động và cho vay vàng.


Vị chủ tọa “xoáy” vào phiên giao dịch trong hai ngày 27, 28/4/2010, “bầu” Kiên đã đặt 6 lệnh mua trạng thái vàng, với số tiền hơn 52 triệu USD. Nghe đến đây, bị cáo Kiên xin giải thích nhiều lần, nhưng bị chủ tọa ngắt lời, cho rằng: “Bị cáo muốn trình bày thì chờ đến phần tranh luận”. Mặc dù vậy, Kiên vẫn cố khẳng định: “Bị cáo là người ký văn bản trình Thủ tướng xin gia hạn”.


Điều đáng nói, khi phần thẩm vấn, đại diện Ngân hàng Nhà nước, khẳng định, đơn vị này có gia hạn thêm trường hợp của Ngân hàng ACB. Và cho biết việc gia hạn đến tháng 7/2010 cũng là quy định chung cho các ngân hàng.

Văn Huế
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.