Xã hội

Báu vật người Banar tự gìn giữ bỗng nhiên hóa tro tàn

03/05/2015, 18:35

Ngày 28/4, cơn lốc kèm theo sét đã làm cho một ngôi làng truyền thống của người Banar bỗng chốc trở thành khói bụi.

CT 36.71-2-1-2
Ngôi nhà rông truyền thống đẹp nhất tại xã Hà Tây- Đây là niềm tự hào của người Banar nơi đây.

Hoài niệm một ngôi làng như tranh

Vào khoảng trung tuần tháng 4, nhân chuyến công tác tại làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây (Chư Păh, Gia Lai) liên quan đến vụ hơn 50 người dân nơi đây vì quá bức xúc việc vận chuyển gỗ trái phép nên đã vây bắt. Tôi có dịp được thưởng ngoạn ngôi làng Kon Sơ Lăl cũ. Mặc dù đã đi được nhiều nơi ở Tây Nguyên, nhưng chưa có một ngôi làng nào giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kiến trúc của dân tộc Bahnar như ngôi làng làng này.

CT 36.71-2-Yên bình trên ngôi làng bị bỏ hoang

CT 36.71-2--4Những bức tường bằng đất trộn rơm, mái tranh đẹp như tranh.

CT 36.71-2-10Ngôi làng cũ cũng là nơi mà những đứa trẻ chọn làm nơi vui chơi. Tuyệt nhiên không có chuyện phá phách. 

CT 36.71-2--3Yên bình trên ngôi làng bị bỏ hoang

CT 36.71-2--2

Buổi trưa nắng gắt hôm ấy, tôi và đồng nghiệp cùng với một số thanh niên người Banar làng Kon Sơ Lăl đến ngôi làng cũ làm nơi nghỉ ngơi sau một chặng đường dài lội rừng, vượt núi. Tại đây, dưới tán lá của những vườn cây trĩu quả, khoảng 50 nóc nhà sàn vách đất hiện ra một cách yên bình khó tả. Anh Biên- Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây chỉ cho chúng tôi: ngay giữa ngôi làng là nhà rông truyền thống đẹp nhất ở xã này. Ngôi nhà cao hơn 20m, được lợp bằng tranh tre. Các phên nứa đều được đan lát rất tỉ mẫn. Đặc biệt là số gỗ trắc lớn dược sử dụng rất nhiều trong quần thể kiến trúc được cho là quý giá nhất của ngôi làng. Hơn nữa, cách người Banar dựng ngôi nhà này không cần một chiếc đinh, mà bằng các dây mây và sản vật từ rừng. Trước đây mọi nghi lễ lớn theo phong tục Banar đều được tổ chức ở chính ngôi nhà rông và khoản sân rộng của ngôi nhà này. 

Làng Kon Sơ Lăl cũ là 1 trong 4 ngôi làng định cư lâu đời của người Ba Na ở xã Hà Tây, còn giữ lại được nhà rông truyền thống và gần 20 căn nhà sàn làm bằng gỗ trắc, giá trị vật chất ước tính hơn chục tỷ đồng. Cùng với đó là những giá trị về kiến trúc, lịch sử và tâm linh. Năm 2002, dân làng đã không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý, mà bảo tồn nguyên vẹn, đồng thời cử trai tráng túc trực ở nhà rông để canh phòng kẻ gian. Vụ hỏa hoạn ngày 28/4 vừa qua không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất của dân làng nói riêng mà Tây Nguyên cũng mất đi một báu vật. 

Ngay đối diện với ngôi nhà rông là ngôi nhà sàn thờ chung của cả làng, ngôi nhà được thiết kế với những hoa văn do chính tay những người thợ tài hoa của làng khắc ghi lại. Những hình điêu khắc đều là những câu chuyện kể về cuộc sống, nghi lễ, và các nét văn hóa độc đáo của người Banar nơi đây. 

Nhìn từ xa, những ngôi nhà lá, vách đất đỏ au thật là đẹp, thơ mộng. Chúng tôi không ngớt lời khen. Một đồng nghiệp của tôi kể rằng, cách đây nhiều năm, nhà văn Nguyên Ngọc cùng đoàn làm phim “Đất nước đứng lên” đã rất vất vả khi tìm bối cảnh tại Gia Lai, bởi đòi hỏi của bối cảnh phim thời kỳ đó là một ngôi làng “giống những làng Ba Na xưa, không có nhà xây, lợp ngói hay lợp tôn, chỉ toàn nhà sàn, vách đất, tre tranh, mái lá…”. Nhưng vì nhiều lý do nên đành phải dời đi trong sự tiếc nuối của đoàn làm phim khi không được quay cảnh nơi này.

Ai bảo tồn?

Năm 2002 để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người Bahnar làm ăn, sinh sống, tiếp cận với đời sống văn hóa một cách dễ dàng hơn, chính quyền huyện Chư Păh đã hỗ trợ kinh phí di dời toàn bộ làng Kon Sơ Lăl về gần trung tâm xã lập lên làng Kon Sơ Lăl mới, với những ngôi nhà xây bằng gạch kiên cố, ngói đỏ khang trang. Thế nhưng người làng không phá hủy ngôi làng để tận dụng vật liệu xây dựng ngôi làng mới chỉ vì … “Tiếc”.

CT 36.71-2-
Ngôi làng được giữ nguyên hiện trạng và được người dân tự bảo tồn. 

Quần thể kiến trúc của ngôi làng hầu như bị đóng cửa và bị "bỏ hoang". Hơn 10 năm bỏ hoang, bởi cuộc sống mưu sinh của người Banar ở ngôi làng mới. Tại ngôi làng cũ vẫn đẹp và thơ mộng như có hơi ấm của người làng chăm sóc. Nhìn bên ngoài ngôi làng hoang vắng, đìu hiu, nhưng thực ra bên trong 50 ngôi nhà ấy vẫn còn có 5-6 cụ già vẫn còn sinh sống. 

Cách đây nhiều năm, một số thương lái biết được ngôi làng này có nhiều gỗ trắc quý nên đã gạ đổi mỗi nhà một chiếc xe máy, làm đường bê tông cho người dân ở làng Kon Sơ Lăl mới đi. Nhưng những giá trị của đồng tiền không thể nào đánh đổi ý chí của lòng người Banar với tình yêu ngôi làng. Họ đã thẳng thừng từ chối và đuổi những người xấu bụng và để bảo vệ ngôi làng. Ngay sau đó người dân đã cử thanh niên, trai tráng hằng đêm đốt lửa để giữ gìn di sản quý báu này.

Buổi chiều tà vẫn còn một số cụ già "tắm tiên" ở giọt nước giữa ngôi làng. Đêm đến vẫn còn le lói những ánh đèn giữa mịt mùng bóng tối đìu hiu. Và vẫn có những hình ảnh cụ già ngôi ở mái hiên hút thuốc nhả khói bay mờ áo giữa hoang vắng. Đó là những người già chẳng muốn rời xa ngôi làng cũ về nơi ở mới. Chỉ ước mong cuối đời là được sống ở đây và chết cũng ở trong ngôi làng này. Và cứ thế, những người già vẫn lặng lẽ sống trong sự tĩnh lặng bình yên và sự thanh tịnh. Và có lẽ họ muốn giữ lại hơi ấm của con người, của tình cảm sâu nặng với ngôi làng.

Trời định đoạt...

Cách đây vài ngày (28/4), trong một trận mưa dông kèm theo lốc tố, ngôi làng bị sét đánh cháy một ngôi nhà sau đó gió đã cuốn bụi lửa làm cháy lan hơn 10 ngôi nhà khác. Ngôi làng yên bình bỗng chốc như ngọn đuốc, thiêu rụi tất cả. Nhất là những tài sản vô cùng quý giá được người Banar nơi đây bảo tồn hơn 10 năm. 

IMG_0086Người dân cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau vụ cháy

IMG_0045Hàng trăm người Banar làng Kon Sơ Lăl tiếc nuối ngôi làng

IMG_0077Hàng trăm người Banar làng Kon Sơ Lăl tiếc nuối ngôi làng

IMG_0079Hoang tàn sau vụ cháy

 

Hôm về thăm làng, hàng trăm người dân xúm nhau lại để nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Chẳng người già nào muốn nói chuyện. Người khóc, người lặng thinh một góc khiến cho làng người Banar này mang nỗi buồn không tả nổi.

Từ một ngôi làng yên bình đẹp như tranh vẽ, nay bỗng chốc trở nên hoang tàn trong khói bụi. Cái nắng oi ả càng làm cho nỗi đau xót như nghiến vào từng khúc ruột người dân nghèo khó. Dù sao thì, ai đã một lần đến Kon Sơ Lăl đều không khỏi tiếc nuối. Vốn văn hóa quý hiếm trầm tích trong ngôi làng Kon Sơ Lăl ấy đã biến mất, tan thành khói bụi sau một trận dông tố. Công giữ gìn của những con người đồng bào dân tộc ấy nay bỗng chốc trở nên mòn mõi. Mọi chuyện chỉ biết trách lỗi tại trời.

Tôi tự đặt câu hỏi: hơn mười năm nay những người dân tộc nghèo "ăn chưa đủ no, lo chưa tới" đã làm nên một kỳ tích đó là tự bảo tồn một giá trị vật thể vô giá. Vậy những người làm công tác chuyên môn trong ngành văn hóa, trong công tác bảo tồn họ ở đâu?

Với xu hướng cuộc sống hiện đại, những mái tôn, bê tông cốt thép đang thay thế dần những mái tranh của ngôi nhà rông truyền thống. Mọi thứ hiện đại đang dần biển đổi văn hóa cái đơn giản nhất trên mảnh đất Tây Nguyên này. Thật buồn vì dần dần mất đi những hình bóng trong thi ca niên sử. Đến nỗi cái còn nguyên giá trị thì bỏ mặc cho số phận thiện nhiên định đoạt. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.