Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông). |
Tới đây cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Vậy những hành vi nào sẽ bị xử lý? Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông).
Đừng “chính thống hoá” các thông tin vô bổ
Thưa ông, việc đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gần đây khá phổ biến. Vậy cơ quan quản lý có biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý?
Mạng xã hội là một vấn đề toàn cầu, không có biên giới. Với chúng ta và cả các nước tiên tiến trên thế giới, việc quản lý môi trường internet đúng theo quy trình của pháp luật đều gặp khó khăn. Nó có đặc tính gây rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc nặc danh, không xác định được người dùng thật.
Bộ TT&TT có chủ trương và cũng đề nghị các cơ quan báo chí không chính thống hoá các nguồn tin mạng xã hội nếu những nguồn tin đó không có ích, phục vụ cho đời sống của nhân dân. Thực tế những thông tin vô thưởng vô phạt, nhảm nhí, độc hại trên mạng xã hội rất nhiều. Nếu báo chí vô tình tiếp tay để biến những thông tin đó thành thông tin chính thống thì sẽ gây hại cho xã hội. Các cơ quan đơn vị chức năng sẽ cùng báo chí ngăn chặn hiện tượng này.
Trên mạng xã hội cũng từng có người cảm thán, bình luận (like, comment) và bị xử phạt, chẳng hạn như trường hợp đã xảy ra ở một địa phương cách đây chưa lâu. Theo các quy định hiện nay, việc xử phạt như vậy có đúng không?
Mỗi vụ việc cụ thể lại phải căn cứ vào các dấu hiệu, yếu tố cụ thể mới có thể xác định việc xử phạt có đúng hay không.
Vậy, làm thế nào phân biệt việc xúc phạm người khác với bày tỏ thái độ cá nhân, làm thế nào kết luận được hành vi này đáng phạt, hành vi kia không đáng?
Để xử lý được việc nói xấu gây xúc phạm đến cá nhân, tổ chức trên mạng thì phải đảm bảo đúng quy định, dựa trên những Nghị định quy định về việc này. Thứ hai là người trong cuộc phải có lý lẽ chứng minh cho việc làm, yêu cầu của mình, vì đúng là ranh giới giữa các hành vi này khá mong manh.
Nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực thông tin truyền thông là phải xác minh được chuyện đó, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Như ông nói, ranh giới giữa việc xử phạt và không xử phạt cũng rất mong manh. Vậy ông khuyến cáo gì để người dùng mạng xã hội có thể nhận biết được ranh giới đó?
Về nguyên tắc, chúng ta ban hành ra luật pháp, ban hành ra những chế tài cũng như những hình phạt không phải là chúng ta mong muốn thực hiện xử phạt, mà chúng ta mong muốn có tính răn đe để cho xã hội, cho người dân sống và làm việc theo luật pháp, để cho xã hội tốt đẹp lên.
Điều quan trọng nhất là làm sao dùng những quy định đó giáo dục cho người dân, đặc biệt trên mạng xã hội có nhiều người trẻ, để họ có ứng xử văn hoá. Và những hình thức xử phạt, răn đe chỉ áp dụng khi việc giáo dục, tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả đối với một số người nhất định.
Thưa ông, hiện nay trên mạng xã hội rất nhiều người chia sẻ những thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, vô tình tiếp tay cho những ý đồ xấu. Pháp luật quy định việc xử lý tình trạng này thế nào?
Hiện nay chúng ta có hai nghị định liên quan đến vấn đề này là Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và Nghị định 174 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.
"Nguồn tin trên mạng xã hội là nguồn tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác minh. Vì thế, báo chí phải kiểm chứng, xác minh, đối chiếu để đảm bảo thông tin chính xác, đúng sự thật, có tác động tốt đến đời sống xã hội, phục vụ nhân dân theo đúng tôn chỉ mục đích." Ông Lê Quang Tự Do |
Trong đó, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 72 quy định rõ 6 điều cấm khi tham gia vào việc cung cấp những nội dung thông tin trên mạng internet, bao gồm điều cấm xuyên tạc, nói sai sự thật, hạ thấp uy tín, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội. Căn cứ vào những điều cấm ấy, Nghị định 174 có các mức xử phạt tương ứng.
Trong thời gian qua, đối với những cá nhân, tổ chức mà có những hành vi như nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức khác, nếu người bị hại có đơn đề nghị xử lý gửi lên Bộ TT&TT thì các cơ quan của Bộ, mà trực tiếp là Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử sẽ phối hợp với thanh tra Bộ mời những người liên quan lên và sẽ xử phạt nếu xác định có vi phạm.
Thời gian gần đây, việc xử lý vi phạm được đẩy mạnh hơn. Gần đây nhất có vụ việc một cá nhân ở Đà Nẵng viết trên mạng xã hội xuyên tạc những hoạt động công vụ của chính quyền Đà Nẵng. Sau đó chính quyền Đà Nẵng có đơn thư đề nghị làm rõ và xử lý hành vi này. Kết quả điều tra cho thấy cá nhân kia đưa tin không có căn cứ nên đã bị xử lý.
Như vậy để thấy rằng chúng ta có công cụ để xử lý việc này và trên thực tế cũng đang xử lý.
Việc xử lý vi phạm nói trên có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Việc này cũng có những khó khăn nhất định. Trước hết phải xác định được đúng nhân thân của người đưa thông tin lên. Hiện nay rất nhiều người sử dụng mạng xã hội facebook, mà mạng xã hội này không yêu cầu chặt chẽ về việc phải sử dụng tên thật nên việc xác định nhân thân rất khó. Thứ hai là phải xác định đúng người đó chính là chủ tài khoản đưa những thông tin xuyên tạc, nói xấu lên, việc này cũng không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, việc xử lý phải làm sao cho những người bị xử lý cũng như những người bị hại đều phải tâm phục, khẩu phục.
|
Báo chí có thể khai thác thông tin từ mạng xã hội
Không thể phủ nhận mạng xã hội đang là một nguồn tin của báo chí, nhưng theo ông, làm thế nào để báo chí không bị dẫn dắt, chi phối bởi nguồn tin này?
Đây là một vấn đề, một hiện tượng mới nổi lên gần đây. Báo chí khai thác thông tin từ mạng xã hội, thậm chí mạng xã hội trong một số trường hợp còn có hiện tượng thực hiện chức năng của báo chí, đi trước cả báo chí.
Có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất là báo chí sử dụng nguồn thông tin từ mạng xã hội có được hay không? Thứ hai là báo chí sử dụng thế nào cho đúng quy định cũng như đúng chức năng, nhiệm vụ của mình?
Với câu hỏi thứ nhất, báo chí ngoài chuyện thu thập thông tin còn có nhiệm vụ rất quan trọng đối với độc giả, đó là chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin cho độc giả.
Nguồn tin trên mạng xã hội là nguồn tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác minh. Vì thế, báo chí phải kiểm chứng, xác minh, đối chiếu để đảm bảo thông tin chính xác, đúng sự thật, có tác động tốt đến đời sống xã hội, phục vụ nhân dân theo đúng tôn chỉ mục đích.
Trước đây, việc xác minh các nguồn tin truyền thống của báo chí từ các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có thẩm quyền, có uy tín… rất dễ dàng vì có địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, đối với mạng xã hội, những nguồn tin có thể từ một nickname nặc danh, từ một nguồn hoàn toàn chưa được kiểm chứng, báo chí không thận trọng rất dễ mắc phải sai lầm.
Trên cương vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, ông có chia sẻ gì với những người dùng mạng xã hội nói chung và với những nhà báo sử dụng mạng xã hội nói riêng để họ không vi phạm các quy định của pháp luật?
Chúng ta có nhiều công việc khác nhau, mỗi người có việc riêng nên cần hài hoà giữa đời sống ảo và đời sống thật. Không có cách nào khác, mỗi người phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình, đặc biệt là trên môi trường mạng - một môi trường mà tính lan toả rất nhanh. Thứ hai là nên dùng mạng xã hội vào những mục đích tốt đẹp. Cuộc sống này rất cần những phát ngôn tốt đẹp, khơi dậy lòng yêu nước, khơi dậy những tình cảm nhân ái của con người… Như vừa rồi trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một người đàn ông khắc khổ đi xe đạp, cầm một bông hoa về tặng vợ nhân dịp 20/10. Hình ảnh này đã khiến nhiều người tham gia mạng xã hội cảm thấy yêu đời hơn, thấy cuộc sống đẹp hơn. Hoặc khi chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thì tình nhân ái được nhân lên. Như vậy tốt hơn dùng mạng xã hội để khích bác, chửi bới lẫn nhau.
Đối với cơ quan báo chí phải kiểm soát được việc đăng tải thông tin cũng như quản lý được bình luận trên các fanpage của báo mình. Nhưng để có trách nhiệm, mỗi người cần có cho mình một bộ lọc thông tin. Tôi lấy ví dụ gần đây nhất, một thanh niên 23 tuổi ở Bến Tre thấy một đoàn xe ô tô chạy ngang qua nhà đã quay clip lại, sau đó vì muốn câu like nên đã chia sẻ clip lên mạng xã hội và chú thích đó là đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội về thăm quê. Việc này gây dư luận và tác hại rất lớn. Đây là thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bởi cùng lúc đoàn xe đi qua ấy, Chủ tịch Quốc hội đang trực tiếp điều hành cuộc họp Quốc hội tại Hà Nội.
Nhưng điều đáng buồn là từ một thông tin chưa hề được kiểm chứng, rất nhiều người chia sẻ lại mà không hề suy nghĩ hay xác minh. Điều đó cho thấy nhiều người chưa có bộ lọc thông tin, chỉ thích tin vào những thông tin bất ngờ trên facebook dẫn đến những tác hại khôn lường.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận